Tại hội nghị, các cử tri là công nhân lao động, cán bộ công đoàn đã kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và chính quyền địa phương nhiều nội dung. Trong đó, tập trung vấn đề tạo việc làm, duy trì việc làm bền vững cho người lao động; tình hình doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội; vấn đề tăng lương tối thiểu vùng để giảm khó khăn cho đời sống công nhân lao động.
Ngoài ra, nhà ở cho công nhân, thiết chế công đoàn, các giải pháp hỗ trợ công nhân tiếp cận nguồn vốn hợp pháp với lãi suất thấp; các chính sách hỗ trợ đột xuất cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn, tai nạn lao động cũng được quan tâm, kiến nghị.
Phát biểu tại hội nghị, ông Quản Minh Cường, Trưởng Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh, tỉnh Đồng Nai có số lượng công nhân lao động trên địa bàn rất lớn, đây là trụ cột bảo đảm sự phát triển và tăng trưởng của tỉnh.
Do đó, tỉnh luôn rất quan tâm, tạo chính sách tối đa đối với công nhân lao động.Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề hạn chế về cuộc sống người lao động. Những ý kiến của người lao động tại buổi tiếp xúc hôm nay đều là những ý kiến xác đáng, bức xúc, xuất phát từ thực tiễn sản xuất và cuộc sống của công nhân lao động, nhất là vấn đề nhà ở xã hội và thiết chế văn hóa, bữa ăn ca.
Trả lời cử tri, Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai cho biết: Hiện nay toàn tỉnh có 3.500 căn nhà ở xã hội, trong đó nhà ở dành cho công nhân khoảng 1.500 hộ, không đáp ứng được thực tế so với lực lượng công nhân 800.000 người.
Theo thống kê, tại Đồng Nai có khoảng 400.000 công nhân có nhu cầu về nhà ở xã hội, đến năm 2025, nhu cầu này tăng lên 450.000 người. Do đó, nếu tính 1 căn hộ 4 người thì Đồng Nai cần 100.000 căn. Nếu tính 1 căn hộ 2 người thì Đồng Nai cần 200.000 căn nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, từ nay đến năm 2025, Đồng Nai mới có kế hoạch xây dựng 10.000 căn.
Ngay sau buổi tiếp xúc cử tri, Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Đồng Nai đã đến thăm, tìm hiểu thực tế đời sống của công nhân đang ở trọ và tặng quà cho 50 công nhân tại khu nhà trọ tại phường Long Bình và phường Hóa An, TP Biên Hòa.