Sáng 16.12, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 12 (khoá XII).
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Đình Khang – Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - cho biết, tại hội nghị lần này, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ thảo luận, cho ý kiến vào một số nội dung trình Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam; báo cáo kết quả hoạt động công đoàn năm 2022; Chương trình công tác công đoàn năm 2023 và một số vấn đề quan trọng khác.
“Nội dung chương trình hội nghị bao gồm nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn năm 2023 và nhiệm kỳ tới. Đề nghị các đồng chí phát huy cao tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, nghiên cứu, thảo luận cho ý kiến vào các nội dung để Ban Chấp hành xem xét, quyết định vào cuối kỳ họp” – ông Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh.
Gợi mở để thảo luận về báo cáo kết quả hoạt động công đoàn năm 2022, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang đề nghị các đại biểu từ thực tiễn công tác tại đơn vị, đóng góp, bổ sung các nhận định, đánh giá về tình hình, các kết quả đã đạt được, phân tích chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong báo cáo kết quả hoạt động công đoàn năm 2022.
Đồng thời, dành nhiều thời gian thảo luận, cho ý kiến vào chương trình công tác năm 2023 nhất là về các nhiệm vụ, giải pháp và tổ chức thực hiện. Đây là cơ sở quan trọng để từ những năm tiếp theo Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn sẽ ban hành chương trình công tác hàng năm nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, đồng thời là cơ sở để tham mưu cấp ủy chỉ đạo sát và hiệu quả hơn hoạt động công đoàn.
Trình bày báo cáo kết quả hoạt động công đoàn năm 2022, ông Trần Thanh Hải – Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam – cho biết, những tháng cuối năm 2022, đã xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp chế biến gỗ, dệt may, da giầy bị thiếu, cắt giảm đơn hàng dẫn đến nhiều người lao động bị giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng lao động, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống.
Theo báo cáo của các cấp công đoàn, có 441 doanh nghiệp với tổng số 624.786 lao động tại 25 tỉnh, thành phố, bị ảnh hưởng, trong đó có 562.400 lao động bị giảm giờ làm, 31.370 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, 31.012 lao động nghỉ không lương, tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ hưởng lương ngừng việc.
Trước tình hình đó, Công đoàn các tỉnh, ngành đã chỉ đạo công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, công đoàn cơ sở nắm chắc tình hình sản xuất, kinh doanh, đơn hàng và tình hình sử dụng lao động của doanh nghiệp; tham gia, đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động duy trì việc làm, hạn chế tối đa việc chấm dứt hợp đồng lao động; tham gia ý kiến vào phương án sử dụng lao động của doanh nghiệp; đảm bảo chi trả các chế độ mất việc làm hoặc thôi việc theo đúng quy định của pháp luật và của doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể.
Bên cạnh đó, báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhằm ổn định tình hình sản xuất, kinh doanh, chấp hành các chế độ đối với người lao động đang làm việc, giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng lao động; kết nối các công đoàn cơ sở doanh nghiệp trên địa bàn có nhu cầu tuyển dụng lao động để giới thiệu việc làm cho người lao động...