Bà Nguyễn Thị Vân Hà - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bắc Ninh - cho biết, con đường thương lượng để đi đến kí kết được một bản thỏa ước lao động tập thể chất lượng vẫn còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là liên quan đến tiền lương, tiền thưởng.
Theo bà Hà, một số chủ tịch công đoàn cơ sở (CĐCS) đồng thời giữ vị trí quan trọng trong doanh nghiệp, có uy tín với lãnh đạo doanh nghiệp, thì việc thương lượng sẽ thuận lợi hơn, có nhiều điều khoản cao hơn quy định pháp luật, có lợi hơn cho NLĐ.
Một số chủ tịch CĐCS tâm huyết, trách nhiệm, dám đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho NLĐ đã bị người sử dụng lao động điều chuyển công việc chuyên môn sang vị trí thu nhập thấp, thậm chí gần như không được sử dụng, khiến họ chán nản, có trường hợp buộc phải xin thôi việc.
Từ tâm lí sợ ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập nên việc xây dựng dự thảo của không ít đơn vị chủ yếu lựa theo ý muốn của doanh nghiệp, việc thực hiện sau khi thỏa ước tập thể có hiệu lực không được tôn trọng.
Theo LĐLĐ tỉnh Bắc Ninh, để làm tốt công tác TƯLĐTT, cần triển khai nhiều giải pháp, trong đó thành lập nhóm chuyên gia, tổ tư vấn thương lượng kí kết TƯLĐTT; làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đoàn viên, NLĐ và người sử dụng lao động về vai trò, tầm quan trọng của thỏa ước tập thể đối với việc đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên và xây dựng doanh nghiệp phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, thường xuyên theo dõi, quản lí tốt thư viện TƯLĐTT, rà soát, giao chỉ tiêu cụ thể cho từng đơn vị; chỉ đạo, tư vấn, hướng dẫn, giúp đỡ CĐCS chủ động phối hợp, đề xuất với chủ doanh nghiệp thương lượng, kí kết mới, sửa đổi bổ sung cho phù hợp với thực tiễn, nâng cao chất lượng các TƯLĐTT.