Lo lương hưu thấp
Trao đổi với phóng viên ngày 18.9, anh Đ.T.K (công nhân Khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) cho biết, hiện mức đóng BHXH của anh là hơn 600.000 đồng/tháng, tính trên mức lương cơ bản và một số khoản phụ cấp.
“Lương cơ bản hiện nay của tôi là 6,7 triệu đồng/tháng. Công ty đóng BHXH trên mức tiền lương là 7,2 triệu đồng/tháng gồm lương cơ bản và một số khoản phụ cấp. Công ty không tính hết các khoản phụ cấp theo như quy định” - anh Đ.T.K cho hay.
Trước đây, khi mới vào làm công nhân năm 2015, mức đóng BHXH của anh là 400.000 đồng trên “nền” tiền lương 4 triệu đồng. Mặc dù lương cơ bản của anh trong thời gian tới sẽ tiếp tục được tăng (nếu anh còn gắn bó với công ty), nhưng anh lo ngại với mức đóng thấp như trên, khi về hưu sẽ chỉ được nhận mức lương hưu thấp. “Nếu những năm trước khi về hưu tôi đóng BHXH 1 triệu đồng/tháng thì theo tính toán, lương hưu của tôi không được 5 triệu đồng/tháng” - nam công nhân cho hay.
Chị H.T.C (nhân viên văn phòng tại một công ty trong Khu công nghiệp Thăng Long) cũng bày tỏ lo lắng về mức lương hưu sau này được hưởng. Chị C cho hay, hiện chị đóng bảo hiểm ở mức 650.000 đồng/tháng (dựa trên mức lương cơ bản của công ty là gần 6 triệu đồng và một phần phụ cấp). Theo chị, những năm đầu khi mới đi làm, chị đóng BHXH ở mức rất thấp, trên nền lương cơ bản chỉ vài trăm nghìn đồng. Vì vậy, chị lo lắng lương hưu sẽ thấp, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống khi về già.
Cần đóng đúng, đủ BHXH cho người lao động
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Đình Quảng - Phó ban Chính sách - Pháp luật (Tổng LĐLĐVN) - cho biết, lương hưu được tính theo nguyên tắc đóng hưởng. Cụ thể, muốn được hưởng chế độ hưu trí thì cần có 2 điều kiện: Đủ thời gian tham gia đóng BHXH tối thiểu (ít nhất 20 năm) và đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật.
Theo ông Quảng, tiền lương hưu cao hay thấp phụ thuộc mức tiền lương làm căn cứ đóng và thời gian đóng. Thời gian đóng liên quan đến tỉ lệ % được hưởng, mức tối đa là 75%. Muốn được hưởng mức tối đa, nam phải đóng BHXH ít nhất 35 năm và nữ 30 năm. Mức tiền lương đóng BHXH càng cao thì mức hưởng càng cao.
“Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH ở khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước (do người sử dụng lao động và người lao động quyết định) gồm tiền lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhiều doanh nghiệp ngoài Nhà nước thường chỉ đóng BHXH cao hơn mức lương tối thiểu (lương tối thiểu cộng với 5-7%). Như vậy là chưa đúng pháp luật” - ông Quảng thông tin.
Theo ông Quảng, hiện nay, chủ doanh nghiệp có nhiều cách “lách”, tính đóng BHXH chưa đầy đủ cho người lao động khi mà quy định khoản bổ sung khác là chưa rõ ràng; phụ cấp lương được chia ra nhiều loại. Thực tế, có doanh nghiệp có 2-3 bảng lương khác nhau: Bảng lương trả trực tiếp cho người lao động; bảng lương đưa cho cơ quan BHXH, bảng lương đưa cho cơ quan thuế. Số liệu từ tổng kết việc thực thi Luật BHXH đưa ra con số tiền lương đóng BHXH hiện chỉ chiếm khoảng 50-60% thu nhập của người lao động.
Theo quy định, người lao động làm việc toàn bộ thời gian tham gia BHXH cho doanh nghiệp ngoài Nhà nước thì mức hưởng lương hưu sẽ được tính dựa trên bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian mà người lao động tham gia. Ông Quảng cho rằng, hiện nay hầu hết doanh nghiệp không đóng BHXH đầy đủ tiền lương nên khi về hưu theo nguyên tắc tính toán như trên, nhiều người lao động sẽ có lương hưu thấp.