Tại hội thảo lấy ý kiến Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và những vấn đề lớn về dân số cần quan tâm do Ủy ban xã hội của Quốc hội và Quỹ Dân số Liên Hợp quốc tổ chức ngày 13.7, tại TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Duy Cường - Phó Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ LĐTBXH – cho biết trong 7 năm thực hiện Luật BHXH năm 2014, có trên 476.000 người hưởng BHXH một lần đã có thời gian tham gia BHXH trên 10 năm với độ tuổi từ 40 tuổi trở lên; có trên 53.000 người đã hết tuổi lao động phải nhận BHXH một lần do chưa đủ 20 năm đóng BHXH bắt buộc.
Sau 7 năm thực hiện Luật BHXH năm 2014, tổng số lượt người hưởng BHXH một lần khoảng 4,5 triệu lượt người. Trong đó có gần 1,3 triệu lượt người sau khi nhận BHXH một lần tiếp tục quay trở lại thị trường lao động và tiếp tục tham gia BHXH chiếm gần 28% tổng số lượt người nhận BHXH một lần giai đoạn 2016-2022.
Ông Đặng Thuần Phong - Phó Chủ nhiệm Ủy ban xã hội của Quốc hội – cho rằng, việc ban hành chính sách và tổ chức thực hiện Luật BHXH vẫn còn những hạn chế, yếu kém. Ông Phong cũng đặt câu hỏi, vì sao chúng ta tuyên truyền rất nhiều về việc tham gia BHXH lâu dài sẽ có nhiều lợi ích, đặc biệt khi hết tuổi lao động sẽ có lương hưu, không trở thành gánh nặng cho xã hội, nhưng tình trạng rút BHXH một lần vẫn xảy ra nhiều trong những năm qua? Liệu có cần thay đổi về quy định rút BHXH một lần như hiện nay không?
Ông Andre Gama - chuyên gia Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam – cho rằng, đa phần người rút BHXH một lần cần tiền để đáp ứng nhu cầu cấp thiết của cuộc sống, chứ không phải để mua sắm, sinh hoạt.
Ông Andre Gama cũng cho biết trên thế giới chỉ có Việt Nam và một nước khác cho phép rút BHXH một lần. Tuy nhiên, chưa có quốc gia nào đã cho rút BHXH một lần và rồi lại thay đổi, không cho rút nữa để có bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
“Nếu chúng ta thay đổi quy định về rút BHXH một lần ngay, sẽ gây bất ổn, giống như việc người dân không tin vào độ an toàn của ngân hàng và ồ ạt đi rút BHXH một lần. Vì thế, việc điều chỉnh chính sách rút BHXH một lần cần có độ giảm từ từ về tỉ lệ được rút. Đồng thời, Việt Nam cần có chính sách hỗ trợ NLĐ được vay vốn lúc khó khăn để làm ăn, để khuyến khích NLĐ không rút BHXH một lần”, ông Andre Gama nhận định.
Bà Trịnh Thu Nga - Viện Khoa học lao động và xã hội, Bộ LĐTBXH - thì kiến nghị, có quy định cho NLĐ vay từ Quỹ BHXH bằng số tiền BHXH một lần mà họ sẽ nhận được. Khi NLĐ quay lại thị trường lao động, thì trả lại số tiền đã vay đó cộng với lãi suất, để tính lại thời gian đã tham gia BHXH.
Bà Trần Thị Diệu Thúy - Chủ tịch LĐLĐ TP Hồ Chí Minh – kiến nghị, trong dự thảo Luật BHXH cần quy định hai phương án rút BHXH một lần.
Thứ nhất, những ai đã làm và đóng BHXH rồi, thì được rút BHXH một lần. Những người tham gia mới BHXH, kể từ khi dự thảo Luật được thông qua và có hiệu lực thi hành, thì chỉ được rút 50% số tiền BHXH một lần hoặc chỉ được rút phần NLĐ đóng.
50% còn lại hoặc phần NSDLĐ đóng phải để lại làm “của để dành” cho NLĐ, nhưng phần này NLĐ sẽ được hưởng nếu ra nước ngoài định cư, hoặc NLĐ chết thì thân nhân được hưởng thừa kế.