Việt Nam bảo đảm quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của mọi người dân

Khánh Minh |

Đại sứ Đặng Hoàng Giang - Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, nhấn mạnh Việt Nam bảo đảm và thúc đẩy quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của mọi người dân, bảo đảm công bằng, không phân biệt đối xử đối với tất cả các tôn giáo.

Ngày 6.4, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, đã có cuộc gặp làm việc với Tiến sĩ Thomas Schirrmacher, Tổng Giám mục, Tổng Thư ký Liên minh Tin lành Phúc âm Thế giới (WEA) cùng các đại diện của WEA tại Liên Hợp Quốc.

Tại buổi làm việc, Tổng Giám mục Schirrmacher đã giới thiệu về hoạt động, các ưu tiên hiện nay của Liên minh Tin lành Phúc âm Thế giới và khẳng định tổ chức này hoạt động dựa trên tôn chỉ hòa bình, bất bạo động và không nhằm các động cơ chính trị. Ông cho rằng tôn giáo cần tách biệt và không nên can thiệp vào công việc của nhà nước.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam là bảo đảm và thúc đẩy quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của mọi người dân, bảo đảm công bằng, không phân biệt đối xử đối với tất cả các tôn giáo.

Chính sách này đã được thể chế và cụ thể hóa thông qua Hiến pháp, Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 và nhiều văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Trên cơ sở đó, các tôn giáo ở Việt Nam, trong đó có đạo Tin lành, có điều kiện thuận lợi để hoạt động, phát triển một cách lành mạnh, góp phần cho sự ổn định và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Đạo Tin Lành ở Việt Nam hiện nay có hơn 1 triệu tín đồ, hoạt động trên 63 tỉnh thành của cả nước, với hơn 90 tổ chức, hệ phái, nhóm Tin Lành khác nhau.

Đại sứ khẳng định Việt Nam sẵn sàng đối thoại và hợp tác về các vấn đề các quyền con người, tự do tôn giáo với các nước cũng như các tổ chức trong lĩnh vực này trên tinh thần tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau.

Nhân dịp này, Đại sứ cho biết Việt Nam vừa công bố Báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện các khuyến nghị mà Việt Nam đã chấp thuận theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát về quyền con người (UPR) chu kỳ 3 và việc Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025.

Ông Schirrmacher bày tỏ ấn tượng trước chính sách, luật pháp và thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm và thúc đẩy các quyền con người, trong đó có quyền tự do tôn giáo, cũng như tinh thần đối thoại cởi mở, xây dựng và chân thành của Đại sứ trong lĩnh vực này.

Tại cuộc làm việc, hai bên cũng trao đổi về tình hình quốc tế, cũng những vấn đề thuộc quan tâm chung hiện nay như biến đổi khí hậu và cải tổ Liên Hợp Quốc.

Liên minh Tin lành Phúc âm Thế giới (World Evangelical Alliance) là một tổ chức của các hệ phái Tin lành Phúc âm, với hơn 600 triệu tín đồ, được thành lập năm 1846 tại London (Anh) và trở thành tổ chức quốc tế lớn nhất của các hệ phái Tin Lành.

Liên minh Tin lành Phúc âm Thế giới hiện có văn phòng đại diện thường trực tại Liên Hợp Quốc ở New York (Mỹ), Geneva (Thuỵ Sĩ) và Bonn (Đức). Tổ chức này bao gồm 9 liên hội khu vực và 143 liên hội quốc gia, hơn 100 tổ chức thành viên.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, làm việc với Tiến sĩ Thomas Schirrmacher, Tổng Giám mục, Tổng Thư ký Liên minh Tin lành Phúc âm Thế giới (WEA) ngày 6.4.2022. Ảnh: K.M
Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc (phải), làm việc với Tiến sĩ Thomas Schirrmacher, Tổng Giám mục, Tổng Thư ký Liên minh Tin lành Phúc âm Thế giới (WEA) ngày 6.4.2022. Ảnh: K.M

Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam

Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và thực hiện nhất quán chính sách bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền theo hoặc không theo tôn giáo của người dân, bảo đảm sự bình đẳng, không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng, bảo hộ hoạt động của các tổ chức tôn giáo bằng pháp luật. Những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam về bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân được cộng đồng quốc tế thừa nhận rộng rãi.

Ở Việt Nam có 16 tôn giáo được Nhà nước công nhận, gồm: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài, Phật giáo Hòa Hảo, Hồi giáo, Tôn giáo Baha’I, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội, Cơ đốc Phục lâm, Phật giáo Tứ Ân Hiếu nghĩa, Minh Sư đạo, Minh lý đạo - Tam Tông Miếu, Bà-la-môn giáo, Mặc môn, Phật giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn, Bửu Sơn Kỳ Hương; với 43 tổ chức tôn giáo, hơn 26,5 triệu tín đồ các tôn giáo, chiếm 28% dân số cả nước với hàng nghìn cơ sở thờ tự.

Việc mở rộng các hình thức sinh hoạt tôn giáo được Nhà nước bảo đảm thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng thời, sinh hoạt tôn giáo ngoài cơ sở thờ tự đều phải bảo đảm quy định theo Điều 46 của Luật.

Cùng với quá trình hội nhập quốc tế, số người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam phần lớn đều có nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo và thực hiện sinh hoạt tôn giáo. Việt Nam đã đáp ứng nhu cầu tinh thần của người nước ngoài cư trú hợp pháp bằng việc hoàn thiện những quy định phù hợp với hoàn cảnh mới, được thể hiện rõ trong Mục 2 của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (từ Điều 47 đến Điều 53); trong đó nổi bật là tạo điều kiện cho nhóm người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam có thể thuê, mượn địa điểm để sinh hoạt tôn giáo, mời chức sắc, chức việc là người Việt Nam hay nước ngoài đến giảng đạo, mang theo các sản phẩm tôn giáo… Đây là minh chứng việc Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo có yếu tố nước ngoài.

Khánh Minh
TIN LIÊN QUAN

Phật giáo - tôn giáo gắn bó lâu đời với người Việt

TS PHAN THANH HẢI - GIÁM ĐỐC SỞ VHTT THỪA THIÊN- HUẾ |

Phật giáo vốn là một tôn giáo đã gắn bó lâu đời với người Việt, đã trở thành một bộ phận không thể tách rời trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng của cư dân Việt.

Phật giáo - tôn giáo gắn bó lâu đời với người Việt

TS PHAN THANH HẢI - GIÁM ĐỐC SỞ VHTT THỪA THIÊN- HUẾ |

Phật giáo vốn là một tôn giáo đã gắn bó lâu đời với người Việt, đã trở thành một bộ phận không thể tách rời trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng của cư dân Việt.

Các tổ chức tôn giáo đảm bảo chống dịch trong tình hình mới

TRẦN TUẤN |

Bộ Nội vụ đề nghị lãnh đạo các tổ chức tôn giáo quan tâm, hướng dẫn các tổ chức tôn giáo, các điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung, chức sắc tôn giáo và đồng bào có đạo thực hiện các hoạt động tôn giáo đảm bảo chống dịch trong tình hình mới.