20 năm UNESCO công nhận Thánh địa Mỹ Sơn là Di sản Văn hóa thế giới

Đau xót E7-Mỹ Sơn

Nguyễn Trung Hiếu |

Mới đây có dịp đưa hai người bạn là chuyên gia nghiên cứu kiến trúc gạch ở nước ngoài vào thăm Mỹ Sơn. So với cách đây mươi năm thì Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn (Thánh địa Mỹ Sơn) gần như lột xác trong lĩnh vực dịch vụ, phục vụ du khách. Thế nhưng cũng từng ấy thời gian các chuyên gia Việt Nam đã kịp " trẻ hóa" nhiều ngôi tháp có niên đại ngàn năm, bằng hàng ngàn viên gạch giả của tiền nhân.

Vé vào cổng tham quan Di sản Văn hóa thế giới giá 100 ngàn đồng với thời gian 1 ngày không phải là đắt. Du khách được đưa vào khu tháp bằng xe điện, không gây ô nhiễm môi trường; đường đi, lối lại trong khu vực tháp từ khu A đến khu H, K đều có một con đường đá sa thạch lát bằng phẳng, thuận tiện cho du khách di chuyển. Dọc đường còn có các bộ bàn ghế nghỉ chân…

Tháp E7 khi chưa trùng tu (ảnh Trung Hiếu)
Tháp E7 khi chưa trùng tu (ảnh Trung Hiếu)

Bẵng đi một thời gian khá lâu không đến Mỹ Sơn, Thánh địa cho du khách nhiều cung bậc cảm xúc. Vui mừng vì dịch vụ đã được cải thiện khá tốt, nhưng xót xa thay, nhiều nhóm tháp đã bị trùng tu và thay đổi quá nhiều so với ban đầu.

Hai chuyên gia nghẹn ngào nhìn tháp E7 được trùng tu như chiếc áo vá vằn vện, trông như bị bệnh ngoài da. Vị chuyên gia đi cùng tôi thở dài tiếc rẻ. Ông nói: “ Trùng tu như thế này, sau một thời gian, người ta không còn biết đâu là những mảng tường gạch cổ có niên đại ngàn năm, với vật liệu mới giả tiền nhân được đắp vào cách đây vài năm".

Một phế tích tháp E được đơn vị thi công thuê thợ địa phương đắp gạch giả Chăm lên phía trên phần tường gạch cũ (ảnh P.V)
Một phế tích tháp E được đơn vị thi công thuê thợ địa phương đắp gạch giả Chăm lên phía trên phần tường gạch cũ (ảnh P.V)

Được biết dự án trùng tu tôn tạo tháp E7 do Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Nam làm chủ đầu tư có số vốn hơn 9 tỉ đồng. Công trình do Viện Bảo tồn di tích (Bộ VH-TT &DL) thiết kế, thi công.

Điều lo lắng hơn, một Hướng dẫn viên Mỹ Sơn còn cho biết, tháp E7 là dự án trùng tu tháp Chăm đầu tiên được thực hiện bằng ngân sách nhà nước. Vì vậy chưa có một quy trình chuẩn về định mức đơn giá nên dự án trùng tu tháp E7 là một dự án thực nghiệm và quá trình thực hiện tại hiện trường sẽ hình thành một quy trình chuẩn cho việc tu bổ tháp Chăm sau này.

Một tháp Chăm trong quần thể Di sản Văn hóa Mỹ Sơn được trùng tu theo cách của tháp E7
Một tháp Chăm trong quần thể Di sản Văn hóa Mỹ Sơn được trùng tu theo cách của tháp E7

Quả là quá đáng lo lắng khi mấy mươi phế tích còn lại của Mỹ Sơn "hứa hẹn" sẽ được trẻ hóa theo cách của tháp E7.

Nguyễn Trung Hiếu