Tại Hội nghị Phát triển kinh tế miền Trung, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, du lịch Việt Nam những năm gần đây đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc, là điểm sáng đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước.
Mặc dù vậy, du lịch Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế trong quá trình phát triển. Theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu năm 2017 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Việt Nam hiện nay mới chỉ xếp hạng 67 trên 136 nền kinh tế và chỉ xếp thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL, miền Trung là một vùng đất hẹp trải dài nhưng chứa đựng trong mình sự giàu có về tiềm năng du lịch. Dải ven biển miền Trung có những bãi biển dài với cát trắng cùng nhiều giá trị di sản, khảo cổ, địa chất, di tích lịch sử đặc sắc có giá trị cao đối với phát triển du lịch.
Dải ven biển, vùng duyên hải cũng là nơi được quan tâm đầu tư và có hệ thống hạ tầng phát triển hơn so với các khu vực khác với nhiều sân bay, cảng biển, hệ thống quốc lộ,... và là nơi đông dân cư, tập trung nhiều đô thị lớn.
Còn ở phía Tây là tài nguyên du lịch núi, rừng, nơi có nhiều vườn quốc gia, khu bảo tồn tự nhiên, cũng là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số, một yếu tố quan trọng tạo nên sự đa dạng cho hệ thống tài nguyên du lịch của vùng.
“Trong những năm qua, du lịch miền Trung đã có sự phát triển mạnh, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung về du lịch của cả nước. Năm 2018, các tỉnh Miền Trung đón khoảng 9 ,8 triệu lượt khách quốc tế, khách du lịch nội địa đi lại trong vùng đạt gần 50 triệu lượt. Tổng thu từ du lịch đạt khoảng 85 nghìn tỉ đồng, đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 34%/năm, chiếm 17% tổng thu du lịch của cả nước” – Bộ trưởng Thiện nói thêm.
Thế nhưng, du lịch miền Trung những năm qua còn có những bất cập. Cụ thể, mặc dù tốc độ phát triển của các thị trường khách đến khu vực miền Trung cao hơn cả nước nhưng các chỉ tiêu phản ánh chất lượng phát triển như chi tiêu bình quân (của vùng), thời gian lưu trú bình quân của lượt khách vẫn còn thấp và chậm thay đổi trong thời gian dài làm cho tổng thu chiếm tỷ lệ không cao.
Hệ thống sản phẩm du lịch hiện nay chủ yếu gắn với biển đảo, trong khi đó, ngoại trừ du lịch văn hóa, di sản tại một số điểm đến như Hội An, Huế; các giá trị văn hóa của vùng rất đặc sắc nhưng chưa được đầu tư khai thác tương xứng; các sản phẩm du lịch ở nhiều địa phương ven biển còn có sự trùng lặp nhất định.
“Mặc dù các địa phương rất nỗ lực trong việc xây dựng các liên kết để cùng phát triển; tuy nhiên, hoạt động liên kết giữa các địa phương trong vùng còn thiếu hiệu quả nên không phát huy được tổng thể lợi thế về tài nguyên để phát triển du lịch toàn vùng” – Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL thông tin.
Vì vậy, để miền Trung thực sự phát huy được hiệu quả, phát triển thành vùng động lực của du lịch Việt Nam, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL - Nguyễn Ngọc Thiện đề nghị, tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, có chiều sâu, chất lượng, giá trị trải nghiệm cao. Ngoài ra, cần chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt là hiệu quả kinh doanh của hoạt động du lịch.
Đồng thời, cần đề cao tính liên kết trong phát triển du lịch nhằm giải quyết hiệu quả vấn đề sử dụng tài nguyên, nguồn lực nhằm phát huy lợi thế tổng thể của các địa phương trong vùng.
"Cần hợp tác cần phát huy các liên kết đang triển khai hiệu quả trong từng cụm như hợp tác giữa Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam; hợp tác Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh…để làm điển hình và nhân rộng, chủ động cho các liên kết vùng và khu vực. Bên cạnh đó, thúc đẩy cơ chế hợp tác quốc tế qua Hành lang Kinh tế Đông - Tây, Tam giác Phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam" - Bộ trưởng nhấn mạnh.