Nền móng phát triển du lịch bền vững
Theo đánh giá của World Bank, lượng khách du lịch quốc tế ở Việt Nam trong 10 năm qua liên tục cao hơn so với các quốc gia đang phát triển tại Đông Nam Á. Nhưng tín hiệu của tăng trưởng cũng đặt ra bài toán phát triển du lịch bền vững. Làm thế nào để duy trì được sức nóng, để ngày càng hấp dẫn, làm nên một ngành du lịch giàu bản sắc Việt mà lại độc đáo, cuốn hút trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay?
Tại hội thảo “Du lịch cộng đồng và phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa” diễn ra hồi tháng 4, Giáo sư Chung Hoàng Chương - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam cũng khẳng định, nền văn hóa lâu đời với sự đa dạng của nhiều cộng đồng dân cư trải dài trên ba miền đất nước là một lợi thế so sánh rất lớn trong phát triển du lịch cộng đồng. Trong khi đó, nói về sự phát triển bền vững của du lịch Việt Nam, đại diện Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nhận định: “Việt Nam có nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc dân tộc. Việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản phải gắn với phát triển du lịch mới là hướng đi bền vững, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.
Tín hiệu đáng mừng khi những người làm du lịch Việt ngày càng ý thức được gốc rễ của sự bền vững, đó là phát triển trên nền tảng dân tộc, bảo tồn và nâng tầm văn hóa truyền thống, vốn là nguồn tài nguyên vô tận và đầy tiềm năng. Tuy nhiên, phải làm sao để du lịch văn hóa không chỉ là những lễ hội, những sản phẩm “điểm danh” khiến người xem đến một lần rồi không trở lại? Phải làm sao mỗi sản phẩm du lịch văn hóa trở thành thỏi nam châm hút khách đến các miền đất, tôn vinh và lan tỏa những giá trị truyền thống của dân tộc tới bạn bè quốc tế? Bài toàn đó, chưa có nhiều điểm đến làm được.Từ show diễn “Vũ điệu trên mây”
Sa Pa là một điển hình của miền đất thành công từ du lịch văn hóa bản địa. Trước đây, du khách đến với Sa Pa vì đam mê những điệu múa, tiếng khèn của các cô gái chàng trai, vì mê mẩn chiếc váy xòe của người con gái H’Mong, vì thích những phong tục tập quán của người Dao, người Thái… Thì nay, người ta tìm đến với Sa Pa, cũng vẫn vì những nét đẹp văn hóa vốn đã là bản sắc này, nhưng trong những show diễn, những lễ hội được đầu tư bài bản, xứng tầm.
Lấy văn hóa truyền thống Tây Bắc làm gốc rễ, để “biến hóa” những điều tưởng rất quen thuộc, của miền núi Sa Pa thành đặc biệt, và dẫn dụ du khách đến với vùng đất này, đó chính là cách làm của Sun World Fansipan Legend- khu du lịch do Tập đoàn Sun Group đầu tư xây dựng tại Sa Pa- hiện là một trong những điểm đến hút khách bậc nhất khu vực.Lễ hội được Sun World Fansipan Legend tổ chức quanh năm, cái nào cũng đậm chất văn hoá vùng cao Tây Bắc, nhưng lại được làm mới và nâng tầm thành sản phẩm du lịch hấp dẫn từ du khách nước ngoài cho tới ngay cả người dân bản địa, khiến cho hành trình lên nóc nhà Đông Dương trở thành hành trình khám phá Tây Bắc sống động và đầy cám dỗ, khiến du khách đã tới là mê say chẳng muốn về.
Đầu xuân, du khách nô nức tới đây dự Hội xuân Mở Cổng Trời, chiêm bái quần thể tâm linh và nguyện cầu bình an trên đỉnh thiêng Tây Bắc, dự Lễ hội khèn hoa. Trong váy xòe, tiếng í ới gọi bạn, réo rắt khèn môi, trai gái, già trẻ say sưa nhảy sạp, đua lợn, leo cột mỡ… Tháng tư về, người người lại mê đắm trong Lễ hội hoa đỗ quyên đặc trưng của núi rừng Hoàng Liên. Thu sang, những thửa ruộng bậc thang nhuộm vàng thung lũng, Lễ hội Ẩm thực Tây Bắc thết đãi du khách cả một phiên chợ với hàng trăm món ăn ngon do chính tay đồng bào chế biến…Ngoài lễ hội là những show nghệ thuật hấp dẫn từ chính nét đẹp văn hóa vùng cao. Nhỏ là những show ca múa nhạc do chính đồng bào dân tộc quanh Sa Pa biểu diễn. Lớn hơn, quy mô hơn là show nghệ thuật “Vũ điệu trên mây” gần đây nhất, được “phù thủy sân khấu” Phạm Hoàng Nam dàn dựng. Mãn nhãn, mê hoặc, là những mỹ từ mà bất cứ ai phải thốt lên khi thưởng thức chương trình này, khi những giai điệu, những câu chuyện rất Tây Bắc được nâng lên một tầm cao mới. Nhiều người địa phương ngỡ ngàng khi những tiếng sáo, tiếng khèn hay điệu múa xòe hoa trong đời sống bình dị của họ, bỗng trở nên hấp dẫn lạ lùng. Trong khi đó, du khách nước ngoài say mê trước một Tây Bắc quá đỗi thơ, quá đỗi tình được chắt chiu và nghệ thuật hóa với đầy đủ các cung bậc cảm xúc.
Nhiều người ví, xem “Vũ điệu trên mây” giống như hành trình khám phá nóc nhà Đông Dương. Bắt đầu bằng không gian vui nhộn của Tây Bắc với âm thanh của gió, của lá, của tiếng thoi đưa với nhịp khung cửi rộn ràng, trai gái cùng nhau nhảy múa vui vẻ, khi mọi cảm xúc đang ở cao trào thì bất ngờ giữa bảng lảng khói sương, các nghệ sĩ với trang phục trắng tinh khôi bất ngờ hiện ra như bước xuống từ chân mây, như mơ, như thực... Một show diễn với hai sắc thái khác nhau nhưng đạo diễn đã khéo léo kết hợp, để mọi thứ quyện hòa vào nhau, mê đắm lòng người.
Độc đáo về ý tưởng, quy mô về dàn dựng và tinh tế trong cách thể hiện, “Vũ điệu trên mây” là điển hình cho thành công của hành trình làm du lịch bằng chính đặc trưng của một miền đất. Ở đó, những người làm du lịch bằng tâm huyết và tầm nhìn xa, rộng đã biết dùng chính cái hồn, cái tinh hoa bản địa và văn hóa truyền thống để làm nên “thỏi nam châm” Tây Bắc, nâng tầm, biến vùng đất nhiều tiềm năng trở thành điểm đến hấp dẫn bậc nhất ở miền Bắc Việt Nam.
Sức hút, sự đầu tư cả về vật chất lẫn công sức của những người làm show “Vũ điệu trên mây” cũng cho thấy, khi du lịch lấy văn hóa làm gốc rễ, không khó để tạo nên những sản phẩm mới hấp dẫn, bền vững.