Nào mình đi Nga lượn cửa hàng:

"Một năm sản xuất 1 áo nịt ngực/9 phụ nữ” và “Nước Nga tự nuôi mình"

Lâm Tuyền |

“Sang Nga đi cửa hàng tức là shopping (tiếng Anh), tức là po magazinam (tiếng Nga)? Bao nhiêu cái đẹp, cái hay, vĩ đại của văn hóa Nga sao không gắng tận hưởng, lại qua Nga đi cửa hàng, hả giời? Thật không văn hoa lãng mạn chút nào!” - bà bạn già thân thiết Lê Thiện Hường của tôi “mắt chữ A miệng chữ O” hỏi, giọng kim phảng phất… bức xúc. Tôi cười, “đơn giản vì thích. 11 năm mới quay lại Nga, muốn biết nước Nga đang thời bị cấm vận, cửa hàng cửa họ trông thế nào…”

Lê Thiện Hường, bà bạn già của tôi nay gần sáu mươi, mấy chục năm cuộc đời, nói văn hoa, là dành trọn thanh xuân yêu quý nước Nga trong tâm tưởng.

2019-2020 là Năm chéo  Nga-Việt (năm Việt Nam tại Nga và năm Nga tại Việt Nam) - một số sự kiện văn hóa đã, đang, sẽ diễn ra ở hai nước, bà Thiện Hường quyết tích cóp vài chục triệu đồng đi Nga chơi vào năm 2020 - nhân kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ Việt-Nga (quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga kế thừa quan hệ  Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Liên Xô trước đây.

Nhiều thế hệ người Việt sống, học tập, làm việc ở  Liên xô, Nga hẳn biết, nhớ tới cửa hàng vô cùng rộng có tên Thế giới trẻ em ở trung tâm Mátxcơva, mở tháng 6.1957, chuyên bán đồ dành cho trẻ em. Nay đã đổi tên là Cửa hàng trung tâm chuyên đồ trẻ em. Hiện, rất tiếc, cửa hàng gần như là một tổ hợp vui chơi, ăn uống, quầy hàng chuyên bán hàng hóa cho trẻ em rất ít.Trong ảnh là quầy hàng búp bê Nga do cáchọa sĩ, nghệ nhân làm. Giá một bộ búp bê đắt vô cùng (300.000 RUB/bộ, khoảng 5000 USD). Ảnh: Nguyễn Thị Thùy Ân
Nhiều thế hệ người Việt sống, học tập, làm việc ở Liên xô, Nga hẳn biết, nhớ tới cửa hàng vô cùng rộng có tên Thế giới trẻ em ở trung tâm Mátxcơva, mở tháng 6.1957, chuyên bán đồ dành cho trẻ em. Nay đã đổi tên là Cửa hàng trung tâm chuyên đồ trẻ em. Hiện, rất tiếc, cửa hàng gần như là một tổ hợp vui chơi, ăn uống, quầy hàng chuyên bán hàng hóa cho trẻ em rất ít.Trong ảnh là quầy hàng búp bê Nga do các họa sĩ, nghệ nhân làm. Giá một bộ búp bê đắt vô cùng (300.000 RUB/bộ, khoảng 5000 USD). Ảnh: Nguyễn Thị Thùy Ân

Quan hệ Việt-Xô chính thức thiết lập 30.1.1950, khi Liên Xô mở đại sứ quán tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa-theo wikipedia) - một chuyến đi, như lời bà “dối già, rất đáng mong chờ vì đến quê hương Dostoievsky, Traikovsky, Malevich, Nabokov…”.

Chúc bạn già một chuyến đi Nga 2020 như ý, và tôi, 18 ngày của tháng sáu 2019 tung tăng tới Mátxcơva, Saint Peterburg, bán đảo Crưm, dành thời gian lượn chợ, cửa hàng  Nga như ý thích...

Những con búp bê Nga - sản phẩm hiếm hoi do Nga sản xuất bày bán trong Cửa hàng trung tâm chuyên đồ trẻ em.Ảnh: Nguyễn Thị Thùy Ân
Những con búp bê Nga - sản phẩm hiếm hoi do Nga sản xuất bày bán trong Cửa hàng trung tâm chuyên đồ trẻ em.Ảnh: Nguyễn Thị Thùy Ân

Một  người ú ớ về giá cả, tỉ giá tiền tệ, ghét mua hàng qua mạng, thích ra chợ cửa hàng để đơn giản là dạo chơi, sờ sẩm vào  món hàng mình muốn/sẽ mua, việc đầu tiên trước khi đi cửa hàng tôi ghi ra giấy tỉ giá USD-RUB-VNĐ, tiện quy đổi. Thời điểm tháng sáu, đại loại, chia trung bình, 1 USD = 64 (hay 63,4) RUB;  1 RUB = 3600-3700 VNĐ.

Cửa hàng trung tâm chuyên đồ trẻ em.Ảnh: Nguyễn Thị Thùy Ân
Cửa hàng trung tâm chuyên đồ trẻ em.Ảnh: Nguyễn Thị Thùy Ân

Trang 8 tuần báo “Luận chứng & Sự kiện” (A&F) số 25 tuần từ 19-25.6.2019 có bài phỏng vấn thú vị có tựa đề (tạm dịch) “Nền kinh tế (của những) méo mó - Tại sao nước Nga khai thác hàng  biển dầu, nhưng mỗi năm chỉ sản xuất được 500 xe nôi” giữa nhà báo A Makurin và ông Y.Mirkin - Phó Ban - Viện Kinh tế thế giới và Quan hệ quốc tế - Viện hàn lâm khoa học Nga.

Rất tiếc, quầy bán những đồ chơi trí tuệ dành cho trẻ em do Nga sản xuất lại bị xếp dưới tầng hầm Cửa hàng trung tâm chuyên đồ trẻ em. Ảnh: Nguyễn Thị Thùy Ân
Rất tiếc, quầy bán những đồ chơi trí tuệ dành cho trẻ em do Nga sản xuất lại bị xếp dưới tầng hầm Cửa hàng trung tâm chuyên đồ trẻ em. Ảnh: Nguyễn Thị Thùy Ân

Về thành tựu và thất bại của nền công nghiệp Nga 5 năm qua (tính từ năm 2014 - Nga bị phương Tây cấm vận sau khi Crưm sáp nhập vào Nga), ông Y. Mirkin cho biết những ý sau (trích dịch): Nga là quốc gia giàu nhất thế giới: dẫn đầu thế giới trong việc sản xuất kim cương, dầu, khí  đốt, nhôm, titan, platin, vàng, xuất khẩu vũ khí. Cấm vận khiến Nga  chú tâm hơn vào sản xuất trong nước. Ngũ cốc, trứng, thịt gia cầm, thịt lợn, các sản phẩm sữa,…- 5 năm qua, năng suất tăng gấp nhiều lần.

Cửa hàng thực phẩm nổi danh lâu đời mang tên Eliseevsky trên đại lộ Nevskyi – Saint Peterburg. Ảnh: Nguyễn Thị Thùy Ân
Cửa hàng thực phẩm nổi danh lâu đời mang tên Eliseevsky trên đại lộ Nevskyi – Saint Peterburg. Ảnh: Nguyễn Thị Thùy Ân

Tốc độ phát triển kinh tế thế giới hiện trung bình 3,7%/năm; của Nga mới chỉ 1,5-1,6%/năm - sự phát triển rùa bò nếu so với nhiều nước cạnh tranh! Nguy cơ hiện hữu: Nga có thể mất vị trí nền kinh tế lớn thứ 6 của thế giới.

Trong cái nhìn so sánh đối chiếu,  Nga “đã đánh mất  nền kinh tế của những món vật dụng đời thường thiết yếu”;  ông Y. Mirkin đưa con số thống kê: một năm, Nga sản xuất 1 áo vest/70 đàn ông, 1 máy pha cà phê/1500 gia đình, 1 áo  nịt ngực/9 phụ nữ,  500 xe nôi/năm,  23.000 ô (dù)/năm (một chút “thành tựu” so năm 2017 với 2018).

Chợ trái cây ở bán đảo Crưm. Ảnh: Nguyễn Thị Thùy Ân
Chợ trái cây ở bán đảo Crưm. Ảnh: Nguyễn Thị Thùy Ân

Thị phần nhập khẩu công nghiệp nhẹ chiếm 65-80%, tức là Nga nhập khẩu: giầy 75-80%; đồ dùng cho trẻ em 80%, thuốc 70%, và 80 % các mặt hàng y tế. Một số mặt hàng được cho là sản xuất trong nước cũng là sản xuất trên những thứ máy móc phần nhiều nhập khẩu…

Nguyên nhân nền công nghiệp (nhẹ) kém phát triển: Hiện, sản xuất hàng tiêu dùng ở Nga đắt hơn là nhập khẩu; chưa  tính tới chuyện thuế cao, chậm chạp thủ tục hành chính, gánh nặng  tham nhũng… (cũng bị tính vào chi chí sản xuất)…

Phong phú các loại bánh kẹo tại thành phố nghỉ mát Yalta- Crưm. Ảnh: Nguyễn Thị Thùy Ân
Phong phú các loại bánh kẹo tại thành phố nghỉ mát Yalta- Crưm. Ảnh: Nguyễn Thị Thùy Ân

Đúc kết, ông Y.Mirkin cho rằng, Nga cần mua ở nước ngoài những thứ hàng chất lượng tốt nhất, nhưng cũng phải trở thành một trong những công xưởng của thế giới. “Rất tệ hại nếu Nga-một quốc gia chiếm 1/8 địa cầu với những người dân tài năng thông minh chỉ “cố gắng” mua những thứ hàng tiêu dùng sản xuất ở nước ngoài với cái giá… đáng ngờ…”

Hai ngày trước khi diễn ra chương trình giao lưu trực tuyến Đối thoại trực tiếp với dân lần thứ 17 của Tổng thống V.Putin, ngày 18.6, tờ nhật báo “Sự thật thanh niên” (KP) số 64/2019 có hẳn một chuyên đề lớn sôi nổi giật tít: “Chúng ta bây giờ đang ăn thực phẩm nội địa”.

Theo KP: 75 % thực phẩm bán tại chợ, cửa/quầy hàng Nga  hiện giờ là sản phẩm của Nga; phần lớn hàng nhập khẩu (các loại hạt khô, trái cây) vào Nga là từ Thổ Nhĩ Kỳ, Ma Rốc; tỷ lệ nội địa thực phẩm Nga hiện nay: bánh mì 100%, thịt gia cầm 88%, sữa 60 %, khoai tây 55%, thịt 39%,  chè 1 % (nhập chủ yếu từ Trung Quốc, Srilanka, Ấn Độ), chuối, cà phê 0%.

Các sản phẩm từ sữa hiện chủ yếu nhập từ Belorussia. Cá đang là món đắt đỏ. Món cá (đặc biệt trứng cá, nhất là trứng cá đen) so với mặt bằng chung các loại thực phẩm khác đắt lên gấp nhiều - nhiều lần tới mức KP hài hước viết “Đúng là Cá vàng! Zolotaya ruyba. Chúng ta chỉ có thể nuông chiều (cái miệng của mình) bằng món  cá ngon vào những dịp lễ lạt…”.

Ê hề thực phẩm Nga và ngoại nhập tại chợ đầu mối “Food City” Mátxcơva. Ảnh: Nguyễn Thị Thùy Ân
Ê hề thực phẩm Nga và ngoại nhập tại chợ đầu mối “Food City” Mátxcơva. Ảnh: Nguyễn Thị Thùy Ân

Quả thật, tôi đã phải dụi mắt mấy lần khi trong cửa hàng bán cá trên ga tàu điện ngầm Universitet, nhìn thấy hộp trứng cá đen mỏng dẹt đe như 2 khấc thước kẻ giá 18.000 rub (gần 300 USD).

Cũng theo KP: Số liệu của Viện Hàn lâm khoa học Nga: 27% tổng thu nhập gia đình người Nga chi cho thực phẩm.

KP đưa ra con số so sánh: Nếu  2013, Nga bỏ ra 43 tỉ USD nhập  thực phẩm thì 2018 chỉ bỏ  29,7 tỉ. Trước khủng hoảng  năm 1998, thực phẩm nhập khẩu chiếm 80%, chỉ 1 trong 5 sản phẩm có trên thị trường là của Nga thì vào thời điểm hiện tại là ngược lại.

Nhà báo M. Zubov của KP vẻ tự hào khi viết “Thực tế, chúng ta không lừa dối khi nói rằng, việc nhập khẩu thực phẩm gần như giảm hẳn. Nước Nga đang tự nuôi mình”.

Lâm Tuyền
TIN LIÊN QUAN

Tháp Namsan- điểm đến lãng mạn không thể bỏ qua khi ghé Hàn Quốc

HA |

Đứng đầu trong danh sách những điểm đến thú vị nhất tại Seoul, tháp Namsan thu hút một lượng lớn khách du lịch đến thăm quan mỗi ngày.

Khám phá khách sạn thanh lịch nhất Paris

Song Minh |

Domaine de Chantilly có thể được coi là một phiên bản nhỏ và yên tĩnh hơn của Cung điện Versailles, trong đó có khách sạn thanh lịch nhất Paris dành cho những ai thích yên tĩnh và rời xa cuộc sống ồn ào nơi đô thị phồn hoa.

Thư viện khổng lồ trong lòng Seoul

HA |

Nằm trong trung tâm thương mại dưới lòng đất ở Seoul (Hàn Quốc), thư viện khổng lồ Starfield với sức chứa 50.000 đầu sách và tạp chí đang là điểm check-in nổi tiếng thu hút du khách khi đến với xứ sở kim chi.

Những trải nghiệm hấp dẫn nhất tại Kobe, Nhật Bản

LINH GOONER |

Ngoài những khung cảnh cổ kính và các di tích lịch sử, thành phố cảng Kobe còn nổi tiếng với những món ăn được chế biến từ bò Kobe.