Dang dở một giấc mơ
“Ốc đảo Hansen” là cụm từ chỉ Hòa Vân – một ốc đảo nằm dưới chân đèo Hải Vân, nơi cư trú mà cũng có thể gọi là trốn chạy của những người bị bệnh Hansen, theo thuật ngữ y khoa Việt Nam gọi là bệnh phong, hoặc là hủi, cùi… tùy theo địa phương. Trên thế giới, bệnh Hansen được phát hiện từ lâu, nhưng mãi đến năm 1873 mới được bác sĩ người Na Uy tên là Armauer Hansen tìm ra tác nhân gây bệnh, là một loại trực khuẩn có tên khoa học là Mycobacterium Leprae hay còn được gọi là trực khuẩn Hansen, viết tắt là BH (Bacille Hansen), là bệnh lây truyền chứ không phải di truyền.
Lịch sử của làng Vân bắt đầu được kể từ những năm đầu thập niên 1960, thời điểm ngành y tế thế giới chưa tìm ra phương thuốc hữu hiệu cho người mắc bệnh phong. Và với hiểu biết của cộng đồng thời đó, bệnh phong là thứ gì đó khủng khiếp cần tránh xa. Vậy nên Hòa Vân, một bán đảo dưới chân đèo Hải Vân cách biệt với đất liền là một trong những nơi lý tưởng để cho những người bệnh bất hạnh này chọn làm nơi trốn chạy sự kỳ thị của đồng loại.
Chính xác là năm năm 1968, ông Gordon Smith - Hội trưởng Hội truyền giáo Cơ đốc đã ra Hòa Vân xây dựng một trung tâm điều trị, sinh sống cho 40 bệnh nhân phong và đặt tên là Hy Lạc Viên với niềm tin cuộc sống sẽ trở lại với những người bệnh phong bất hạnh. “Hồi đó kinh khủng lắm” – bà Nguyễn Thị Thuần, một trong những cư dân đầu tiên của làng Vân từ 50 năm trước rùng mình nhớ lại: “Những ngày đầu, người ta dựng một cái trại bằng vải ở ngay ngoài sân đang tổ chức tiệc kia và nam nữ cùng ở chung trong đó...”.
Năm tháng trôi qua, nhóm người bệnh ở Trung tâm điều trị bệnh phong của Hội Truyền giáo Cơ đốc cũng đã tự tìm được kế sinh nhai từ việc đánh bắt cá dưới biển, trồng lúa nước và lấy sản vật của rừng. Họ tựa vào nhau tìm hạnh phúc. Rồi từng gia đình nhỏ ra đời, dần lớn thành xóm, thành làng, với tên gọi quen thuộc là “làng Vân”.
Họ sống như vậy mãi đến năm 1998, tức tròn 30 năm sau, làng Vân mới chính thức được thành lập đơn vị hành chính cấp thôn, trực thuộc phường Hoà Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, gọi là thôn Hòa Vân. Lần đầu tiên, “bệnh nhân” và gia đình họ ở nơi này được chính quyền chính thức coi là công dân của nước Việt Nam, được đăng ký hộ khẩu, được đi bầu cử.
Nhưng có một thực tế là dù làng hay thôn, dù có tư cách công dân hay không thì trước sau, cuộc sống của người dân làng Vân vẫn không có gì thay đổi. Họ vẫn sống trong nghèo nàn, lạc hậu do cách trở giao thông và quá nhiều người gần như bị tàn phế do di chứng bệnh tật nên không còn sức lao động. Chỉ cách trung tâm Đà Nẵng chưa đầy 20km, nhưng thời nào, cuộc sống ở hai nơi có một sự cách biệt đến khó ngờ. Sự phồn hoa của đô thị chỉ chừng trong tầm với, nhưng với con dân làng Vân đó là một giấc mơ lớn của nhiều thế hệ.
Tôi nhớ mãi lời ông ông Trần Hữu Đức- trưởng thôn Hòa Vân từ 6 năm trước, ngày mà hơn 350 nhân khẩu thuộc 127 hộ gia đình ở làng Vân đồng loạt chuyển tài sản, nhà cửa lẫn… ký ức làng quê để vào đất liền để nhường đất cho một dự án du lịch. Ông Đức nguyên là lính biên phòng canh gác trạm Hải Vân - gần gũi với dân làng, với bệnh nhân, rồi đem lòng say mê con gái của người y tá ở trại phong này.
Ngày xuất ngũ, cũng là ngày Đức “cưa đổ” người đẹp, và anh chọn làng Vân để lập nghiệp, được bầu làm trưởng thôn. “Chúng tôi luôn đau đáu nhớ đất liền” - ông nói. “Đêm đêm nhìn ánh đèn sáng bừng nửa vùng vịnh biển, hắt bóng đến tận làng Vân, chúng tôi luôn thèm muốn được hưởng thụ chút xa hoa của thành phố. Chúng tôi mơ rồi một ngày nào đó, Hoà Vân sẽ có đường giao thông, để trẻ con đi xe đạp. Mong ước lớn hơn là sẽ có bến tàu, để đưa khách du lịch từ bên kia thành phố sang đây, chia sẻ cảnh thần tiên của rừng, biển hoang sơ...”. Và giấc mơ đó với người làng Vân, đã không bao giờ thành hiện thực.
“Tôi buồn lắm…”
Họ có nhiều hơn một giấc mơ như của ông trưởng thôn Trần Hữu Đức. Nhưng 6 năm trước, không phải người dân nào cũng đồng thuận, tự nguyện rời làng Vân vào đất liền bởi một lần nữa họ phải rời bỏ quê hương thứ hai sau gần 50 gắn bó với một tương lai đầy bất trắc ở phía trước, gần nhất là vẫn còn sự kỳ thị, sợ hãi đến khó tin của những người hàng xóm tương lai theo như thừa nhận của chính quyền địa phương.
Đã thế thời điểm đó,việc giải toả, đền bù được giải quyết ổn thoả. Phần lớn, hộ dân sinh sống ở đây đều có diện tích đất ở, ruộng vườn rất lớn. Nhiều hộ có từ vài trăm đến cả chục ngàn mét vuông đất. Thế nhưng, vì chưa được Nhà nước cấp “sổ đỏ”, thành ra giá đền bù rẻ mạt. Trong khi đó, nơi ở mới chỉ là gian nhà cấp bốn, liền kề, chung tường chỉ với 75m2. Không ruộng vườn, không đất đai sản xuất nên họ chẳng biết xoay xở ra sao với 240.000 đồng/tháng trợ cấp xã hội.
Nhưng rồi họ cũng gạt nước mắt ra đi, đành phải “đồng lòng với chủ trương của thành phố để nhường đất cho một dự án lớn” như lời của ông Nguyễn Văn Hai - một phế nhân bị di chứng của bệnh phong rưng rưng trước ngày rời làng với chút niềm an ủi, rằng vùng đất sơn thuỷ hữu tình này, sẽ có tên gọi mới là “Khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí tổng hợp cao cấp Hoà Vân”, với mức đầu tư 5 tỉ USD của Cty CP Vinpearl.
Và mai này, Hoà Vân không chỉ có bến du thuyền, có đường giao thông, mà còn có cả... cáp treo nối từ thành phố… Để rồi 6 năm sau, không hiểu vì lý do gì, dự án“Khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí tổng hợp cao cấp Hoà Vân” vẫn còn nằm trên giấy. Và làng Vân bây giờ chỉ còn được nhắc đến trên những diễn đàn hướng dẫn cho khách du lịch bụi.
Hôm rồi chúng tôi trở lại làng Vân theo cách của một phượt thủ với đùm đuề lều trại, vật dụng cá nhân. Sau khi bị biên phòng từ chối không cho lên thuyền thúng của người địa phương vì lý do an toàn, chúng tôi chọn cách phổ biến là men theo đường mòn dọc núi từ đèo Hải Vân đi xuống.
Bất ngờ bởi làng Vân bây giờ quay lại đúng nghĩa là một hoang đảo với những căn nhà bị đập phá nham nhở, bốn bề ngút ngàn cỏ dại. Những vườn cây ăn trái, giờ cũng thành những mãng cầu rừng, mít rừng, dừa rừng… thô ráp, cằn cỗi do từ lâu lắm đã vắng hơi ấm và bàn tay con người chăm sóc.
Dọc đường, vài quãng chúng tôi lại nhìn nhau ngậm ngùi khi gặp những ngôi mộ người dân còn chưa kịp di dời về đất liền nằm chơ vơ hoang lạnh. Hình như lâu lắm rồi chẳng còn ai đến đây hương khói?
Cư dân làng Vân, tạm gọi thế, giờ chỉ lác đác hơn chục người, phần lớn là cán bộ chiến sĩ của đồn biên phòng đang đồn trú trên đảo vài vài ba hộ gia đình, hầu hết là “người làng Vân” nhớ nhung chốn cũ từ đất liền ra đây dựng lều sát mép biển để nuôi trồng, đánh bắt hải sản sinh nhai.
Hôm ấy dọc đường, tôi gặp một “người làng Vân” tên Đặng Hữu Á, 54 tuổi, mặt buồn rười rượi. Sau một thời gian vào đất liền, không chịu nổi sự tù túng và cuộc sống mới đầy rẫy khó khăn, anh Á vào vào ra ra làng Vân với nghề nuôi bò và đánh bắt cá. Anh kể:“Tôi sinh ra ở đất liền và không bị bệnh. Hồi đó tôi mồ côi rồi theo ông nội ra đây, lớn lên, lấy vợ và sinh con. Ông nội, tôi và các con đã gắn bó với làng Vân từ những ngày đầu tiên nên tôi coi đây là quê hương thứ 2 của mình”.
Ngày rời làng Vân 6 năm trước, anh Á để lại một đàn bò 5 con rồi cho thả rông. Giờ thì cách vài ngày, anh lại đi bộ ngót 15 cây số từ ngã ba hầm Hải Vân ra đây để xem bò và tranh thủ làm vài mẻ lưới rồi đến tối lại về. Có khi mệt quá hoặc gặp bạn cũ, anh lê la ở đây suốt mấy ngày liền không về nhà. “Anh thấy thế nào?”, tôi chỉ tay một vòng những căn nhà hoang đổ nát. “Tôi buồn lắm”- anh rưng rưng chực khóc. “Nếu biết trước người ta bỏ hoang mọi thứ như thế này, ngày ấy chắc chẳng ai trong chúng tôi chịu rời làng Vân…”.
Lâu lâu làng Vân lại bất ngờ đông lên bởi những phượt thủ, đôi khi là mấy đứa mắt xanh tóc vàng đến từ đâu đó xa lắc của trái đất. “Tụi em chạy trốn sự ngột ngạt của thành phố và đây là một điểm đến rất lý tưởng với thiên nhiên trong lành, bờ biển sạch và nước không thơm mùi hóa chất” – một phượt thủ nói. Và chúng tôi bổ sung thêm cho các bạn ấy một dẫn dụ mê hoặc bằng hai thợ lặn cùng mấy ngư dân và lưới cụ “mang theo” từ làng chài Nam Ô bên cạnh.
Tầm một tiếng sau, những thợ lặn đã “dâng” lên cho chúng tôi một rổ lớn toàn ốc và cua đá – những đặc sản không đâu ở miền Trung ngon bằng trú ngụ ở bãi đá ngầm bên trái bờ biển. Và tối đến là những mẻ cá, mực tươi xanh đành đạch được chúng tôi kéo lên từ lòng biển để chuẩn bị cho những món nướng, hấp, cháo… và những đống lửa được đốt lên để gọi mời thần biển, thần núi… về cùng chứng kiến. “Em đã đến làng Vân nhiều lần nhưng chỉ đơn thuần dựng trại, tắm biển, đốt lửa và ăn thức ăn mang theo chứ chưa bao giờ có được trải nghiệm tuyệt vời như thế này” – phượt thủ khác gật gù trong men say.
Thẩ ra thì chẳng ai có cảm xúc giống ai khi đối diện với một làng Vân hoang đảo. Với những phượt thủ là những trải nghiệm tuyệt vời. Nhưng với chúng tôi và những người mang trong mình một phần ký ức làng Vân như ông Á cùng những “người làng Vân” đang miệt mai buông lưới ngoài biển kia, đó là những vết cứa…