Tái sinh nghề đan lát ở làng Bao La

Ngọc Ly |

Có lịch sử hơn 400 năm hình thành, nghề đan lát cùng với làng Bao La tồn tại và gắn bó khắng khít. Qua bao thăng trầm của thời đại cũng như những thách thức trong thời buổi kinh tế hội nhập, Bao La vẫn giữ vẹn lời hứa với tổ tiên về việc bảo tồn, duy trì cái nghiệp đan lát mà người xưa đã dày công tạo ra cho con cháu muôn đời.

Gian nan giữ nghề

Nằm cách thành phố Huế 15km về phía Bắc, làng Bao La thuộc xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền là một làng nghề đan lát truyền thống nổi tiếng. Hơn 400 năm ra đời, đan lát giờ đây không chỉ là nghề mưu sinh của những người làng Bao La, mà nó đã trở thành một biểu tượng, một di sản của cả làng.

Đã một thời gian dài, nghề này khủng hoảng và có nguy cơ không thể tồn tại trước sự biến đổi của nền kinh tế. Từ nền kinh tế nông nghiệp người dân sử dụng thúng, rổ và các sản phẩm từ tre nứa để đựng hàng hóa - nông sản, các sản phẩm làm ra vẫn được tiêu thụ đều. Khi công nghiệp hóa – hiện đại hóa, đồ nhựa tràn lan trên thị trường và nhanh chóng xâm nhập vào đời sống của người dân, các sản phẩm làm tay của người dân bị “thất sủng”. Hàng hóa sản xuất ra không thể cạnh tranh, không có nguồn tiêu thụ ổn định khiến người dân lao đao.

Nắm bắt được nỗi lòng của người dân cùng với mong muốn xây dựng một thương hiệu cho quê hương, Hợp tác xã Bao La đã được thành lập. Chia sẻ với chúng tôi, Ông Võ Chức – Phó chủ tịch HTX Bao La nói:

“Từ năm 2007, UBND tỉnh với người dân đồng lòng cho thành lập Hợp tác xã. Làng cho mượn trường học làm cơ sở. Ban đầu xã viên chỉ chục người, dần dần thì được chú ý, mọi người đăng kí vô làm cũng nhiều hơn, tiếng lành đồn xa, hiện tại cũng có hơn 30 chục người đang làm việc tại chỗ, chưa kể những người tự làm ở nhà. Thu nhập bình quân cho người làm cũng được 3 triệu một tháng. Tuy không nhiều hay dư dả nhưng mà đối với người dân làm nông thì đó cũng là một số tiền đủ để lo bữa cơm hằng ngày.”

Từ đây một hướng đi đã được mở ra cho đan lát Bao La. Dù những gian nan buổi đầu thành lập như không tìm được nguồn tiêu thụ tiềm năng, nguồn cung cấp tre – mây ổn định, người dân đến làm rồi bỏ làm, nhưng sau10 năm đồng hành cùng Hợp tác xã, Bao La đã vững mạnh và vượt qua được thách thức giữ nghề.

Vươn mình trở thành “đại sứ” văn hóa

Hiện hơn 300 mẫu mã sản phẩm khác nhau được các nghệ nhân và người dân miệt mài sáng tạo đóng góp vào kho tàng của nghề.

 
 
Những chiếc lồng đèn, rổ rá, bàn ghế, chiếc nôi ru trẻ em… được sản xuất từ đơn giản đến cầu kì tinh xảo, phục vụ được nhu cầu thẩm mĩ và đổi mới liên tục của thị trường.

Sản phẩm làm ra không chỉ dừng lại ở cung cấp cho đầu mối ở chợ Đông Ba mà còn xuất hiện trong không gian bài trí tại nhà hàng ở Huế, Sài Gòn, Hà Nội. Đặc biệt là vào mỗi dịp festival Huế và festival làng nghề truyền thống, ban chủ nhiệm HTX lại đem các sản phẩm nổi bật của các nghệ nhân đi thi cùng với những sản phẩm thường ngày xã viên làm được đi giới thiệu, trao đổi  và nhận được sự yêu thích, đánh giá cao từ du khách và khách hàng.

 
Bên cạnh đó, Bao La còn là điểm đến yêu thích trong các tour khám phá làng nghề của khách du lịch.
Không chỉ dừng lại ở thị trường trong nước, mây tre đan Bao La đang có những bước tiến mạnh mẽ cho cuộc hành trình ra nước ngoài. Ông Võ Văn Dinh, Chủ nhiệm HTX cho biết:

“Năm 2013 các sản phẩm mây tre đan do HTX sản xuất đã xuất khẩu và có chỗ đứng trên thị trường nhiều nước. Các sản phẩm mây tre đan Huế xuất sang đều được các đối tác đón nhận vì mẫu mã đẹp, tinh xảo, giá cả hợp lý. HTX hiện nay đang đẩy mạnh thiết kế mẫu, tạo ra nhiều mẫu mã mới phục vụ thị trường trong nước và tiếp tục cung ứng hàng cho các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường châu Âu".

Tin rằng trong một tương lai sớm thôi, mây tre đan Bao La sẽ trở thành một “đại sứ văn hóa” của Huế, của miền Trung nói riêng và Việt Nam nói chung, mang vẻ đẹp và tinh thần của người Việt hội nhập với văn hóa của thế giới.

Ngọc Ly
TIN LIÊN QUAN

Khám phá nhà băng sắc màu đầu tiên tại Nha Trang

Châu Tường |

Bắt đầu từ ngày 8.8, nhà băng sắc màu Hello Igloo (144 Võ Trứ, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) chính thức mở cửa đón du khách tham quan, khám phá. Đây là mô hình nhà tuyết độc đáo, lần đầu tiên có mặt tại thành phố biển.

Những trải nghiệm mà du khách Tây thích thú khi đến thăm Việt Nam

T. Đ |

Du khách nước ngoài khi đến thăm Việt Nam đều cảm thấy hào hứng và tò mò vì không biết có thể khám phá được những điều gì tại đất nước hình chữ S. Việt Nam có nhiều trải nghiệm đặc biệt để giới thiệu cho du khách khám phá, từ bình dân cho đến mạo hiểm, thám hiểm kỳ vĩ với chi phí đắt đỏ.

Điểm danh những hồ nước nổi tiếng tại Việt Nam

Tuấn Đạt |

Là một trong những địa điểm du lịch hút khách hàng đầu, các hồ nước với diện tích lớn, được bao bọc bởi trùng trùng điệp điệp các ngọn núi hùng vĩ bao quanh hay nằm giữa trung tâm thành phố luôn là địa điểm checkin của những du khách hay phượt thủ.

Hoang sơ cầu tre Cẩm Đồng

CẨM PHONG |

Vẻ đẹp mộc mạc, hoang sơ với khung cảnh của đồng quê yên bình Việt Nam, cầu tre Cẩm Đồng từ lâu đã trở thành một điểm đến đầy thú vị cho những du khách khi đến với Quảng Nam.