Du lịch Đà Nẵng:

Tính toán nhiều sản phẩm du lịch ngắn và dài hạn

Thụy Bất Nhi (thực hiện). |

Làm sao để du lịch Đà Nẵng trụ vững trở lại sau những tác động dữ dội của tình hình dịch bệnh trong năm 2020, là câu hỏi đầy bức xúc được đặt ra lâu nay. Ngay ngày đầu xuân Tân Sửu, ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc sở Du lịch Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với Vivu247 về vấn đề này.

- Ông đánh giá thế nào về những hệ lụy của ngành du lịch Đà Nẵng, sau những ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19?

Ông Nguyễn Xuân Bình: Trước diễn biến dịch COVID-19, Đà Nẵng đã thực hiện 2 lần giãn cách xã hội với tổng thời gian 63 ngày. Theo đó, toàn bộ 31 đường bay quốc tế trực tiếp đến Đà Nẵng tạm dừng từ tháng 3.2020, đến nay vẫn chưa phục hồi. Hoạt động du lịch nội địa cũng bị gián đoạn 1 thời gian do thực hiện giãn cách xã hội, đến nay lại tiếp tục bị ảnh hưởng bởi tác động của đợt dịch bệnh thứ 3.

Tổng hợp những ảnh hưởng ấy, hoạt động du lịch Đà Nẵng đến nay đã trong tình trạng bị suy giảm rất nặng nề. Trong khi đó, cảnh báo toàn cầu chung của Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO) là ngành du lịch phải trong thế cầm cự, có thể kéo dài sang năm 2022 mới từ từ hồi phục được.

- Vậy ngành du lịch Đà Nẵng đã có những động thái chuyển biến thế nào để thích ứng tình hình và hỗ trợ các doanh nghiệp đứng vững?

Ông Nguyễn Xuân Bình: Trước những diễn biến bất lợi bởi dịch bệnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có những chỉ đạo toàn ngành du lịch thay đổi phù hợp từng thời điểm. Hiện nay, Bộ đang từng bước chỉ đạo tổ chức chiến dịch “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”, nhằm khôi phục dần các hoạt động như vận chuyển trong nước, các điểm tham quan phục vụ khách nội địa. Sở Du lịch Đà Nẵng với tinh thần chung, cũng tập trung triển khai một số giải pháp tình thế và dài hơi, động viên các doanh nghiệp, tổ chức du lịch nỗ lực vượt qua khó khăn, trụ vững và giữ sức phát triển.

Về giải pháp trước mắt, sở đang tổ chức chương trình kích cầu du lịch địa phương, phối hợp Quảng Nam, Thừa Thiên Huế xây dựng các chương trình kích cầu, thu hút khách nội địa với thông điệp “một điểm đến nhiều trải nghiệm”. Sở đang liên kết các nhà cung cấp dịch vụ du lịch tạo các gói sản phẩm phù hợp tâm lý và xu hướng khách, mở rộng với Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, TP.HCM… cùng trao đổi thu hút khách. Sở cũng phối hợp Hiệp hội du lịch tổ chức và tham gia các Hội thảo trực tuyến (webinar) giới thiệu du lịch Đà Nẵng đến các thị trường quốc tế như Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan, Hàn Quốc, Malaysia; xây dựng hệ thống du lịch ảo – VR360… để phục vụ du khách quốc tế từ xa. Ba bước triển khai này sẽ tạo hiệu ứng tích cực để du lịch Đà Nẵng đủ khả năng chớp bắt kịp mọi thời cơ nếu có xảy ra trong thời gian tới.

Ngay trong năm 2021 này, khi tình hình được kiểm soát tốt hơn, ngành du lịch Đà Nẵng sẽ tổ chức một số sự kiện văn hóa du lịch quy mô lớn như Lễ hội Tuyệt vời Đà Nẵng, cuộc thi người đẹp du lịch Việt Nam 2021, hội chợ Du lịch VITM tại Đà Nẵng, cuộc thi Hoa khôi du lịch Đà Nẵng, Vòng chung kết “Hoa khôi golf toàn quốc” tại Đà Nẵng, chương trình kích cầu và sự kiện du lịch Golf…

Về dài hạn, sở đặt ra chương trình hành động, xác định ngành phải củng cố lại chất lượng các sản phẩm, dịch vụ đáp ứng tốt mọi nhu cầu, xu thế của du khách, luôn tìm tòi sáng tạo cái mới, cái hấp dẫn hơn mới có thể ổn định thế phát triển. Sở đang cùng các tổ chức, doanh nghiệp huy động các nguồn lực, đầu tư công để hình thành các sản phẩm du lịch mới, ở phố đi bộ Bạch Đằng và công viên 2 đầu cầu Nguyễn Văn Trỗi, phố du lịch An Thượng, dự án bãi tắm kết hợp dịch vụ, vui chơi giải trí, thể thao biển phục vụ 24/7...; nghiên cứu triển khai các đề án phát triển du lịch cộng đồng tại Hòa Vang, khu di tích cách mạng K20, tại bãi biển Thọ Quang, Nam Ô, đẩy mạnh phát triển du lịch đường thủy nội địa kết nối với Hội An.

Đặc biệt, sở rất quyết tâm triển khai Đề án phát triển kinh tế ban đêm, dự kiến đề xuất triển khai một số hoạt động với chủ đề “Đà Nẵng về đêm” như trang trí, chiếu sáng nghệ thuật đường phố; tổ chức lễ hội, sự kiện, hoạt động vui chơi giải trí tại khu vực 2 bên bờ sông Hàn, Cầu rồng phun lửa phun nước; các show diễn phố đêm biển Mỹ An, lễ hội ánh sáng; các tour trải nghiệm đêm tại các khu điểm du lịch Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Ngũ Hành Sơn, Bà Nà, city tour, Danang by night tour, du ngoạn sông Hàn... tổ chức ẩm thực, mua sắm và có khung giờ giảm giá đặc biệt dành cho du khách và người dân...

- Những lưu ý nào, theo ông là cần chú ý trong quá trình triển khai các giải pháp, đề án hành động này, để đạt hiệu quả tốt nhất?

Ông Nguyễn Xuân Bình: Huy động và tận dụng tốt mọi nguồn lực có sẵn, khai thác hiệu quả, tích cực các nguồn lực ấy, nhất là nhân lực chuyên môn, là yêu cầu quan trọng của ngành du lịch trong quá trình chuyển biến đó.

Thứ nhất, sở đã ban hành Quy định Hướng dẫn phòng chống dịch và đánh giá nguy cơ lây nhiễm COVID-19 đối với hoạt động du lịch; và tổ chức tập huấn cho các doanh nghiệp để kiểm soát tốt tình hình.

Thứ hai, sở phối hợp báo chí, các tổ chức tư vấn, triển khai kế hoạch truyền thông điểm đến Đà Nẵng theo từng giai đoạn, sẽ mời người nổi tiếng, báo chí, đoàn khảo sát của công ty lữ hành các tỉnh thành đến trải nghiệm du lịch Đà Nẵng.

Thứ ba, sở tổ chức miễn phí các lớp đào tạo, tập huấn kiến thức, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng nghề, ngoại ngữ chuyên ngành cho các nguồn nhân lực phục vụ ngành du lịch; triển khai áp dụng 11 bộ tiêu chí chuẩn chuyên nghiệp trong hoạt động kinh doanh du lịch tại các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch.

Thứ tư, sở cùng các doanh nghiệp nghiên cứu, khai thác và xúc tiến thị trường, cơ cấu lại thị trường khách, theo hướng đẩy mạnh khai thác, phát triển thị trường nội địa song hành với cơ cấu lại thị trường quốc tế, tránh bị hạn chế phụ thuộc vào 1 số thị trường. Định hướng là phải tăng tỷ lệ khách đến từ các thị trường xa (Bắc Mỹ, châu Âu và Châu Úc), giảm tỷ lệ khách khu vực Đông Bắc Á và phân khúc giá rẻ, phát triển thị trường tiềm năng Ấn Độ, Trung Đông…

- Xin cảm ơn ông đã trao đổi.

Thụy Bất Nhi (thực hiện).