Phê phán mặc áo dài chạy marathon: Có quá khắt khe?

Nguyên Đức |

Dư luận hai ngày qua đã có những bình luận đối chiều về việc một số cá nhân mặc áo dài ngũ thân tham gia chạy Marathon Huế 2020 (do báo điện tử VNExpress tổ chức), bình luận như là một hiện tượng “trái khoáy”. Nhìn nhận vấn đề này, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc sở Văn hóa Thể thao Thừa Thiên Huế đã có cuộc trao đổi với Vivu 24/7.

Ông Phan Thanh Hải cho rằng: Cá nhân tôi, thì chúng ta không nên có cái nhìn quá khắt khe với hiện tượng một số vận động viên (tạm gọi như vậy) mặc áo dài ngũ thân chạy marathon.

Đây không phải là chuyện cá biệt trong mô hình thể thao cộng đồng này, ở cả nước ta lẫn thế giới. Rất nhiều giải marathon tổ chức ở Châu Âu, các vận động viên đẩy cả xe nôi, mặc quần áo chú hề, lính cứu hỏa, kể cả một số trang phục kỳ quặc khi tham gia, là rất phổ biến. Thậm chí nhiều giải marathon còn tặng thưởng bình chọn cho những người tham gia mặc trang phục ấn tượng nhất.

Bởi lẽ, những giải thể thao này không nhằm tranh đua về thành tích, mà cổ động phong trào chạy thể thao để rèn luyện sức khỏe ở mỗi người. Những người tham gia chỉ cần đạt đến vạch đích mình đăng ký, là đã thể hiện sự thành công trong ý chí phấn đấu cá nhân, làm được điều mình muốn làm.

Cho nên, làm sao để họ có được sự hứng khởi tốt nhất, niềm vui lớn nhất với thành quả có được, là điều quan trọng. Mà đã như vậy, cá nhân mỗi vận động viên mặc trang phục gì, chạy nhanh hay chạy chậm… đều không phải vấn đề suy xét, miễn đừng vi phạm các tiêu chuẩn thuần phong mỹ tục hay đả kích ai cực đoan là được.

- Tuy nhiên, thưa ông, nhiều người cho rằng việc những người chạy mặc áo ngũ thân là không nên, bởi cả hai lẽ, hoặc họ quá cực đoan trong cổ súy về mẫu áo dài truyền thống, hoặc họ giễu cợt một nét văn hóa truyền thống, và qua đó làm ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín chiếc áo dài cũng như văn hóa Huế. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Tôi là người chủ động cổ súy phục hưng áo dài truyền thống tại Huế và cả trong phong trào áo dài Việt thời gian qua. Cho nên, cá nhân tôi ủng hộ các bạn trẻ mặc áo dài truyền thống nói chung và áo dài Huế nói riêng, bất cứ bạn nào mặc áo dài tôi đều hoan nghênh. Việc các bạn mặc áo dài chạy thể thao càng cho thấy một thực tế tiện dụng của chiếc áo dài, mẫu áo ngũ thân đã đi vào văn hóa Việt và trước đây, phổ biến trong cuộc sống. Mặc chiếc áo dài đó, cha ông ta hoạt động, sinh hoạt trong mọi lĩnh vực đều rất thoải mái, từ sản xuất cày bừa, xẻ gỗ, cho đến tập võ, đánh trận… Do đó, mặc áo dài chạy marathon cũng là điều bình thường, không có gì là lạ lẫm.

Có điều, như mọi người thấy, chiếc áo dài ngũ thân trong nhiều năm qua đã xuất hiện trong mắt công chúng với vị thế một mẫu trang phục tề chỉnh, sử dụng trong tế lễ cúng bái, trong những hoàn cảnh trang nghiêm hệ trọng. Tôi không nói đến khía cạnh tiêu cực, mà nhấn mạnh là ngay ở góc độ tích cực nhất, chiếc áo dài ngũ thân đã được cộng đồng xem là mẫu mực khuôn thước văn hóa trang phục lễ giáo xưa. Người ta chưa quen với chiếc áo này xuất hiện nơi xô bồ, sinh hoạt xã hội thường nhật. Mẫu áo ngũ thân được mọi người quen thấy, cũng là mẫu áo tay thụng, đi kèm khăn vấn… chuyên về lễ lạt nghi thức.

Do đó, khi một số bạn trẻ mặc loại áo ngũ thân chuyên dụng cho tế lễ nghi thức này để chạy trên đường marathon, thật ra cũng không phải đúng cách thức. Thậm chí nếu lạm dụng những chiếc áo này, sẽ tạo phản cảm với xã hội. Điều này là đúng và cần được điều chỉnh.

Bởi ai cũng biết, dù là mẫu trang phục gì, cũng phải định vị rõ người mặc là ai, mặc trong hoàn cảnh nào và thời điểm nào, để có sự canh chỉnh phù hợp. Bản thân tôi cũng thường xuyên mặc áo dài ngũ thân, nhưng cũng luôn cân nhắc chọn loại áo nào, trong không gian nào cho phù hợp. Tôi mong các bạn trẻ hiểu và chia sẻ điều này

Tôi cho rằng, một số bạn trẻ yêu văn hóa Huế, ủng hộ áo dài Huế, để chọn trang phục này trong sân chơi đó, là nên ghi nhận. Nhưng các bạn đó cần được tư vấn, hỗ trợ để lựa chọn trang phục, màu sắc, cách thức phù hợp, để tránh những sơ suất đáng tiếc và hình ảnh không tương thích. Vấn đề này, cá nhân tôi ghi nhận và sẽ cùng các nhà chuyên môn, những người tư vấn, sớm có ý kiến, đánh giá chính thức, để mẫu áo dài ngũ thân truyền thống sớm đi vào cộng đồng với những cách thức, tiêu chuẩn, màu sắc phù hợp hơn, thật sự thể hiện đúng và đủ những giá trị văn hóa cha ông hòa nhập vào cuộc sống hôm nay.

Nguyên Đức