Dã quỳ bung nở những ngày đầu đông, khách nườm nượp đổ về thưởng ngoạn

HƯNG THƠ |

Khi mùa đông về, cũng là lúc những bông hoa dã quỳ khoe sắc vàng rực rỡ dọc đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đoạn qua huyện miền núi Hướng Hóa của tỉnh Quảng Trị.

Hoa dã quỳ thuộc họ hoa Cúc, có nguồn gốc từ Trung Mỹ và được người Pháp mang đến trồng tại Việt Nam trong khoảng thế kỷ thứ 19. Hoa sinh trưởng và phát triển mạnh mẽ, đặc biệt ở những vùng núi như Đà Lạt, Ba Vì…

Hoa dã quỳ bung nở trên đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đoạn qua huyện Hướng Hóa. Ảnh: Minh Hiển.
Hoa dã quỳ bung nở trên đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đoạn qua huyện Hướng Hóa. Ảnh: Minh Hiển.

Tại Quảng Trị, lâu nay hoa dã quỳ mọc dại, đến mùa lại khoe sắc, nhưng chỉ lác đác từng cụm ở trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua các xã Hướng Linh, Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị).

Đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đi qua nhiều bản làng, có đoạn uốn lượn theo núi, nay còn được phủ vàng bởi hoa dã quỳ nên rất cuốn hút. Ảnh: Nguyễn Khiêm.
Đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đi qua nhiều bản làng, có đoạn uốn lượn theo núi, nay còn được phủ vàng bởi hoa dã quỳ nên rất cuốn hút. Ảnh: Nguyễn Khiêm.

Tháng 3.2019, từ ý tưởng trồng hoa tạo cảnh quan trên đường Hồ Chí Minh nhánh Tây của ông Nguyễn Đức Chính - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, một số cá nhân đã thành lập “Quỹ phát triển những con đường hoa dã quỳ” để vận động kinh phí trồng hoa.

Dã quỳ lâu nay mọc hoang, nay được trồng thành từng đám lớn nên rất hút khách. Ảnh: Hưng Thơ.
Dã quỳ lâu nay mọc hoang, bây giờ được trồng thành từng đám lớn nên rất hút khách. Ảnh: Hưng Thơ.

Sau khi phát động, việc trồng hoa dã quỳ nhận được nhiều sự ủng hộ, từ các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn, đến chính quyền địa phương, các trường học, các mạnh thường quân... Đến nay, quỹ này đã nhận được 127 triệu 700 nghìn đồng ủng hộ, và đã ươm trồng tổng cộng 17.800 cây hoa dã quỳ, trồng dọc 4,5km đường Hồ Chí Minh và một số đường dân sinh. Do thời tiết không thuận lợi, nên không ít cây giống bị chết, nhưng nhiều đoạn đường được chăm sóc cẩn thận, nên dã quỳ phát triển rất nhanh.

“Con không được hái nhé. Phải biết gìn giữ cho những người đến sau” - nữ du khách nhờ người đi đường bấm hộ bức ảnh, và căn dặn đứa con nhỏ như vậy. Ảnh: Minh Hiển.
“Con không được hái nhé. Phải biết gìn giữ cho những người đến sau” - nữ du khách nhờ người đi đường bấm hộ bức ảnh, và căn dặn đứa con nhỏ như vậy. Ảnh: Minh Hiển.

Cuối tháng 10.2019 này, dã quỳ trồng bắt đầu bung nở. Đặc biệt, đoạn đường Hồ Chí Minh ở thôn Xary (xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa) và đoạn qua trung tâm xã Hướng Phùng hoa nở từng khóm hoa vàng rực đầy sức sống.

Các bạn trẻ vượt chụp ảnh lưu niệm với hoa dã quỳ trên đường Hồ Chí Minh. Ảnh: Nguyễn Khiêm.
Các bạn trẻ vượt chụp ảnh lưu niệm với hoa dã quỳ trên đường Hồ Chí Minh. Ảnh: Nguyễn Khiêm.

Chỉ trong 2 ngày cuối tuần vừa rồi, đã có hàng trăm lượt người đến thưởng ngoạn hoa dã quỳ ở nơi này. Tuy nhiên, không ít du khách đã hái hoa để phục vụ việc check-in, khiến nhiều cây hoa chỉ còn lá.

Bạn nữ tạo dáng chụp ảnh bên hoa dã quỳ. Ảnh: Nguyễn Khánh.
Bạn nữ tạo dáng chụp ảnh bên hoa dã quỳ. Ảnh: Nguyễn Khánh.

Theo ông Lâm Chí Công – Trưởng ban vận động “Quỹ phát triển những con đường hoa dã quỳ”, từ sự ủng hộ kinh phí của 55 đơn vị, cá nhân và sự chung tay góp sức của rất nhiều người tâm huyết, ban vận động sẽ tiếp tục ươm trồng thêm dã quỳ trên đường Hồ Chí Minh. Cụ thể, tới đây ban vận động sẽ trồng hoa dã quỳ tập trung trên diện tích 1,3ha đất có vị trí thuận lợi.

Câu lạc bộ “Xe đạp thể thao Lao Bảo” (huyện Hướng Hóa) ủng hộ 10 triệu đồng để phát triển những con đường hoa dã quỳ. Ảnh: Nguyễn Khiêm.
Câu lạc bộ “Xe đạp thể thao Lao Bảo” (huyện Hướng Hóa) ủng hộ 10 triệu đồng để phát triển những con đường hoa dã quỳ. Ảnh: Nguyễn Khiêm.

“Một giáo viên ở Hướng Phùng đã cho mượn 1,3 ha đất ở ngay bên suối, đường sá đi lại thuận tiện. Khi triển khai trồng chúng tôi sẽ làm cả bãi để xe cho khách đến. Mục đích là tạo một điểm nhấn, một điểm đến để từ đó có thể khai thác các điểm du lịch tuyệt đẹp dọc trên con đường huyền thoại Hồ Chí Minh này” – ông Lâm Chí Công, nói.

Giữa những cung đường uốn lượn với màu xanh của lau lách bên đường, thi thoảng xuất hiện vài cụm dã quỳ khoe sắc đem lại cảm giác thú vị. Ảnh: Nguyễn Khánh.
Giữa những cung đường uốn lượn với màu xanh của lau lách bên đường, thi thoảng xuất hiện vài cụm dã quỳ khoe sắc đem lại cảm giác thú vị. Ảnh: Nguyễn Khánh.

Được biết, cũng trên cung đường khám phá hoa dã quỳ này, còn có nhiều điểm khám phá, check-in hấp dẫn khác như cánh đồng điện gió Hướng Linh, đèo Sa Mù, thác Tà Puồng, cây cô đơn, hồ thủy điện Rào Quán, đỉnh Cu Vơ… Ngoài ra, vào mùa này, trên những ngọn đồi dọc các cung đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, hoa lau trắng xóa bung nở rất đẹp…

Du khách đến đường hoa dã quỳ để chụp ảnh vào dịp cuối tuần. Ảnh: Minh Hiển.
Du khách đến đường hoa dã quỳ để chụp ảnh vào dịp cuối tuần. Ảnh: Minh Hiển.
HƯNG THƠ
TIN LIÊN QUAN

Dã quỳ bừng sáng, gọi mùa đông đến xứ mộng mơ

THUỲ TRANG - ẢNH: HỒ QUỐC |

Nếu ở phía Bắc có hoa cải, tam giác mạch thì núi rừng Tây Nguyên lại có một mùa hoa Dã quỳ như gọi mùa đông về. Chỉ có điều rằng lạ thay, loài hoa ấy lại nở vàng rực rỡ và giữa một thành phố mộng mơ như Đà Lạt, chẳng ai có thể quên được cái cảm giác giá rét nhưng lại ngọt ngào vô cùng bên loài hoa Dã quỳ.

Những tuyến đường hoa đa sắc màu ở miền tây xứ Nghệ

ANH ĐỨC |

Ngược Quốc Lộ 7 lên miền Tây xứ Nghệ, qua địa phận huyện Con Cuông chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi hai bên tuyến đường với một gam màu tươi mới. Những tuyến đường được tô điểm thêm bởi rất nhiều hoa đa màu sắc.

Quảng Trị và giấc mơ 60 vạn bước đường hoa

HOÀNG HẢI LÂM |

Mảnh đất với con người Quảng Trị được nhiều người trong nước, thậm chí nhiều nơi trên thế giới biết đến bởi… khói lửa chiến tranh. Hơn 40 mươi năm bước ra khỏi cuộc chiến, người ta vẫn nhắc đến Quảng Trị bởi… khói lửa chiến tranh!