Theo sử sách, sau khi lãnh đạo nghĩa quân đốt tàu Pháp trên vàm Nhật Tảo (Long An) năm 1861, cụ Nguyễn Trung Trực (1838-1868) cùng nghĩa quân rút về Kiên Giang xây dựng căn cứ mới. Tại đây, cụ đã lập nên chiến công lưu danh vạn thế.
Rạng sáng 16.6.1868, ông chỉ huy nghĩa quân đánh chiếm, làm chủ đồn Rạch Giá trong nhiều ngày. Bị thua đau, giặc Pháp và tay sai điên cuồng đánh phá.
Biết khó đương đầu với quân thù vượt trội về vũ khí và lực lượng, Nguyễn Trung Trực và nghĩa quân rút ra đảo Phú Quốc để xây dựng căn cứ tiếp tục chống Pháp. Quân địch tiếp tục ra Phú Quốc tấn công, bao vây, khủng bố…
Nguyễn Trung Trực cùng nghĩa quân kéo về vùng đầu nguồn sông Cửa Cạn ở bắc đảo Phú Quốc làm căn cứ gầy dựng lực lương. Tại đây, ông tổ chức những đoàn thuyền nhỏ, lợi dụng địa hình sông ngòi chằng chịt để tấn công kẻ thù. Và cũng tại đây, ông đã chiến đấu trận cuối cùng trước khi bị địch bắt, đưa về đất liền.
Trước mưu chước mua chuộc, dụ dỗ của kẻ thù, ông hiên ngang nói lời bất hủ: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây". Ngày 27.10.1868, giặc Pháp đã xử chém ông tại Rạch Giá.
Sau khi người anh hùng này mất, cảm mến lòng quả cảm, yêu nước của ông, nhân dân nhiều nơi lập cơ sở thờ và suy tôn Nguyễn Trung Trực là Anh hùng dân tộc. Chỉ riêng tại TP Phú Quốc có đến 2 ngôi đình: một ở xã Gành Dầu, một ở xã Cửa Cạn. Trong đó, đền thờ ở Cửa Cạn được xây cất tại khu vực búng Ghe Lương, tương truyền xưa kia là một trong những địa điểm của nghĩa quân…
Đến năm 2017, nhân kỷ niệm 149 năm (1868-2017) ngày hy sinh của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, người dân và chính quyền địa phương xây cất lại ngôi đình mới với tổng chi phí trên 7 tỉ đồng từ nguồn xã hội hóa. Đình nằm cạnh cánh rừng nguyên sinh, nên du khách còn có dịp tận hưởng không khí trong lành xung quanh.