Ký sự 10 ngày ở Myanmar

Kỳ 1: Chạm ngõ vùng đất Phật vàng

Trung Hiếu |

Đoàn chúng tôi gồm 6 người, “phượt” Myanmar từ Đà Nẵng. Đây là đất nước xinh đẹp, người dân hiền hòa hiếm có. Dù phát triển du lịch muộn, nhưng Myanmar đang có những bước đi vững chắc, bằng các dịch vụ du lịch tiện ích hơn hẳn so với nhiều nước trong khu vực.

Hãy theo chân nhóm chúng tôi "phượt" một vòng quanh đất nước từ Yangon đi hồ Inle đến cánh đồng tháp Bagan, thẳng tiến Madalay và trở về Golden Rock…

Myanmar, tên cũ là Burmar và Việt hóa ta quen gọi Miến Điện. Gần đây, nhiều người còn gọi vùng đất Phật vàng, do hàng trăm nghìn tượng Phật ở các chùa lớn, nhỏ trên khắp đất nước đều được phủ lớp kim loại vàng, không ít thì nhiều. Myanmar có thời tiết đẹp nhất cho các chuyến du lịch trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 4 năm sau.

Số lượng người đi cùng tốt nhất từ 4 người trở lên, vì dễ chia sẻ các chi phí chung. Ví dụ di chuyển bằng taxi, chúng ta có thể đi bao nhiêu người trên một chiếc xe cũng được, miễn sao “ đừng thò đầu và chân ra ngoài”.

Chùa Phật ShweDagon- nơi lưu giữ báu vật thiêng liêng đối với các tín đồ Phật giáo, đó là tám sợi tóc của Phật Thích Ca Mâu Ni (ảnh Ng.Phong)
Chùa Phật ShweDagon- nơi lưu giữ báu vật thiêng liêng đối với các tín đồ Phật giáo, đó là tám sợi tóc của Phật Thích Ca Mâu Ni (ảnh Ng.Phong)

Kể cả phòng khách sạn, nhà nghỉ cũng vậy. Tiết kiệm có thể thuê phòng lớn và tha hồ lăn lóc trên sàn nhà, mà chủ không hề phàn nàn chút nào.

Thú vị nhất các phương tiện cơ giới ở Myanmar tay lái thuận nghịch đều được Chính phủ cho phép lưu hành. Anh Mintha, tài xế Taxi cho biết, do trước khi giành được độc lập năm 1948, Myanmar thuộc Anh, đi bên trái đường. Nay luật giao thông sửa lại đi bên phải đường, nên tay lái thuận nghịch gì đều có thể lái được cả.

Nhóm với người dân địa phương, luôn luôn đón du khách với thái độ thân thiện, tận tụy (ảnh Trung Hiếu)
Nhóm với người dân địa phương, luôn luôn đón du khách với thái độ thân thiện, tận tụy (ảnh Trung Hiếu)

Đồng tiền Myanmar có tên Myanmar Kyat (MMK), gọi là Chạt. Điều bất tiện lớn nhất là các quầy đổi tiền gần như không có khả năng phân biệt các đồng tiền thế giới, nên chỉ chấp nhận đổi từ đồng đo la Mỹ ra đồng nội tệ, nhưng với điều kiện, phải là 100 USD mới, không có nếp gấp (!). Một đô la Mỹ hiện nay đổi khoảng 1.500 Kyat.

Xe đạp là một trong những phương tiện du khách ưa thích di chuyển trên cánh đồng tháp Bagan (ảnh Ng.Phong)
Xe đạp là một trong những phương tiện du khách ưa thích di chuyển trên cánh đồng tháp Bagan (ảnh Ng.Phong)

Chúng tôi chọn hãng Jetstar để đến Myanmar, lúc 15g cùng ngày. Visa được cấp miễn phí ngay tại cửa nhập cảnh với hạn 15 ngày. Rất ít khách Trung Quốc (TQ) như thường thấy ở các nơi.

Sau này hỏi vài người bản xứ mới biết, chính phủ không khuyến khích du khách đến từ Trung Quốc, nên điều kiện nhập cảnh hạn chế khá ngặt nghèo. Cách đây vài năm, chính phủ Miến Điện đã từ chối, đình chỉ nhiều công trình xây dựng lớn của các doanh nhân TQ trên khắp đất nước.

Một du khách chìm đắm ngắm cảnh hoàng hôn, trên cánh đồng tháp Bagan (ảnh Trung Hiếu)
Một du khách chìm đắm ngắm cảnh hoàng hôn, trên cánh đồng tháp Bagan (ảnh Trung Hiếu)

Có ba quầy đổi tiền của ngân hàng nội địa, đặt ngay sảnh trước mặt cửa nhập cảnh, nên du khách không cần phải hỏi han nhiều để có những đồng Kyat tiêu dùng trong những ngày trên đất nước Phật vàng.

Tôi thử đưa tờ 100 Nhân dân tệ, ngay lập tức, cô gái đổi tiền xua tay, ra hiệu chỉ lấy đô la Mỹ. Cách quầy đổi tiền vài bước chân, một tiệm tạp hóa bán hàng hầu hết nhập khẩu từ Thái Lan hay Ấn Độ, gần như không có đồ “Made in China”.

Cảnh thường thấy những đoàn sư sãi khất thực mỗi buổi sáng sớm trên khắp đất nước Myanmar (ảnh Trung Hiếu)
Cảnh thường thấy những đoàn sư sãi khất thực mỗi buổi sáng sớm trên khắp đất nước Myanmar (ảnh Trung Hiếu)

Trả lời câu hỏi của chúng tôi, cô bán hàng cho biết, do có sự gần gũi về tôn giáo nên hàng hóa xuất xứ hai nước nói trên dễ bán hơn. Quả là lạ lùng ! Từ một nước cách đây không lâu, lệ thuộc khá lớn vào Trung Quốc, thì nay Myanmar thoát khỏi ảnh hưởng, ít nhất của nền kinh tế Trung Quốc một cách khá dễ dàng.

Có một điểm khá giống Ấn Độ nơi tôi đã từng đi qua, là tại đây dường như không có sự cạnh tranh. Ba quầy đổi tiền niêm yết ba tỷ giá cao thấp khác nhau Du khách có thể tùy thích đổi tiền với giá cao nhất, mà không gặp phải sự bất tiện nào giữa các bên.

Những ngôi làng nổi trên hồ Inle (ảnh Trung Hiếu)
Những ngôi làng nổi trên hồ Inle (ảnh Trung Hiếu)

Kể cả đón taxi về khách sạn, sau khi trả giá sát sàn sạt, người tài xế taxi đầu tiên vui vẻ nhường cho bạn đưa chúng tôi đi, với giá rẻ hơn cả 200 Kyat.

Đó là đặc điểm ban đâu, không dễ tìm thấy ở nhiều nước mà chúng tôi đã từng lang thang đi qua. Và trong suốt hành trình 10 ngày đi bụi khắp các ngõ ngách Myanmar, chúng tôi đi từ ngạc nhiên này, đến sự kính trọng khác, trước cách xử sự vô cùng văn hóa của người dân đất nước Phật vàng này.

Kỳ 2: Từ Yangon đến Cánh đồng tháp Bagan

Trung Hiếu