Nên từ bỏ thú vui du lịch trên lưng voi

Hoàng Văn Minh |

Thú vui cưỡi voi dạo hồ Lăk hay Buôn Đôn của du khách từ nhiều năm nay đã mang đến nguồn thu rất lớn cho du lịch tỉnh Đắk Lắk. Tuy nhiên, thú vui này ngày càng cho thấy sự “kém sang”, thậm chí bị lên án bởi nó đã và đang góp phần “tận diệt” đàn voi nhà vốn đang ít ỏi.

Thống kê mới nhất của cơ quan chức năng cho thấy, cùng với sự giảm sút nhanh chóng của đàn voi rừng ở Đắk Lắk, thì đàn voi nhà trên địa bàn Buôn Đôn và Lắk chỉ còn 45 cá thể.

Đáng nói là theo Ban nghiên cứu, khảo sát và đánh giá hiện trạng đàn voi nhà Đắk Lắk (thuộc Dự án Bảo tồn voi của tỉnh), trong số 45 con voi hiện còn, không có con nào là không bị xâm hại, nhất là phần lông đuôi của chúng hầu hết đều không còn nguyên vẹn, nhiều con bị cụt đuôi làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và mọi hoạt động liên quan đến quá trình sinh tồn của từng cá thể voi.

 

Theo ông Huỳnh Trung Luân, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk thì đây là thực trạng đáng báo động, bởi con số này trong giai đoạn 1975 - 1978 là trên 250 con, sau đó từ năm 1979 - 1985 sụt xuống dưới 200 con và trong những năm tiếp theo, số lượng đàn voi nhà ở đây giảm dần với tốc độ đáng kinh ngạc.

Nguyên nhân giảm, một phần là vì không được bổ sung từ đàn voi rừng hằng năm do Nhà nước nghiêm cấm săn bắt loài động vật này từ những năm 1997. Một phần do công tác quản lý, giám sát không tốt, thậm chí còn buông lỏng nên để xảy ra vấn nạn xâm hại voi bất hợp pháp tồn tại trong từng gia đình và cả cộng đồng sở hữu đàn voi. Phần quan trọng nhất đến từ tình trạng khai thác voi một cách bất chấp, vô tội vạ của chủ voi lẫn người sử dụng voi trong hoạt động du lịch hiện nay.

Mặc dù Công ước CITES và Nghị định 06/2019 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp đều nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại với các loài động vật rừng nguy cấp, quý hiếm. Tuy nhiên, thực tế nhiều năm qua lại khác hẳn.

 

Còn nhớ, từ đầu năm 2010, trong một hoạt động “Tuần lễ Văn hóa voi” được tổ chức tại Đắk Lắk, trong đó vùng đất nổi danh về nghề săn bắt, thuần dưỡng voi rừng Buôn Đôn được chọn làm tâm điểm, ban tổ chức đã kêu gọi hãy thay đổi cách hành xử với đàn voi nhà (cũng như voi rừng) bằng cách khai thác, giới thiệu và quảng bá văn hóa voi trong đời sống các cộng đồng dân tộc thiểu số tại chỗ thông qua các nghi thức, nghi lễ (cúng sức khỏe cho voi, tái hiện lễ voi nhập buôn, kể công voi, khóc voi gắn với việc thực hành văn hóa, luật tục liên quan) thay vì chỉ chăm chăm “bóc lột” voi trong hoạt động du lịch như hiện nay.

Đáng tiếc, thông điệp ấy không được đón nhận, hoặc vì việc tổ chức thực hiện lời kêu gọi trên không được quan tâm đến đúng mực. Một phần vì chủ trương bảo tồn đàn voi ở đây chưa được xây dựng, triển khai đúng mức và kịp thời nên thực trạng voi bị “bóc lột” không có dấu hiệu thay đổi tích cực.  

Mới đây, Tổ chức Động vật châu Á đã tài trợ cho Dự án Bảo tồn voi Việt Nam tại Đắk Lắk 60.000 USD nhằm nâng cao nhận thức chăm sóc, bảo vệ loài động vật này với thông điệp rõ ràng: Thay đổi cách hành xử với voi theo hướng chia sẻ, thân thiện hơn trong mọi hoạt động liên quan, nhất là du lịch voi được doanh nghiệp móc nối, liên kết với chủ voi tổ chức, khai thác ngày càng đa dạng hơn trên địa bàn tỉnh.

Trước đó hồi tháng 7 này, hai con voi nhà già yếu được thả vào thiên nhiên để chăm sóc, cải thiện sức khỏe theo một thỏa thuận giữa Tổ chức Động vật châu Á với Công ty TNHH Ánh Dương (Buôn Đôn, Đắk Lắk).

Theo đó, Tổ chức Động vật châu Á sẽ trả cho chủ voi một khoản kinh phí, đổi lại hai con voi cái P’Lú (60 tuổi) và Bun Kon (37 tuổi) của Công ty Ánh Dương sẽ được đưa vào Vườn quốc gia Yok Đôn tự do sinh sống, không phải chở du khách nữa. Điều này giúp voi cải thiện thể trạng, sống lâu hơn, tăng khả năng sinh sản, tránh nguy cơ tuyệt chủng voi nhà tại Đắk Lắk.

Đó là những nỗ lực rất đáng ghi nhận từ các cơ quan chức năng để cứu những con voi nhà ít ỏi còn sót lại. Về phía khách du lịch, chúng ta cũng cần nỗ lực và chung tay, bằng cách nói không với thú vui cưỡi voi dạo hồ…

Hoàng Văn Minh
TIN LIÊN QUAN

Xây dựng thương hiệu Đà Nẵng - đem nợ chia đều đầu dân?

Thanh Hải |

Cuộc đua thuyền buồm quốc tế Clipper Race 2015-2016 được cho là đã mang lại giá trị quảng cáo và PR cho thương hiệu Đà Nẵng gần 600 tỉ. Công cụ mà ban tổ chức "đo đếm" là qua 1.500 tin bài viết về sự kiện. Tuy vậy, con số nợ 22 tỷ đồng mà Đà Nẵng chưa thanh toán cho ban tổ chức thì rất cụ thể, rõ ràng...

Du lịch miền Trung đang lãng phí thiết chế văn học nghệ thuật

Hoàng Văn Minh |

Thiết chế văn học nghệ thuật, rộng hơn là các thiết chế văn hóa như vườn tượng, công viên, nhà thờ, nhà lưu niệm, khu nghĩa trang văn nghệ sĩ, các vườn tượng, các tác phẩm, hiện vật liên quan đến văn nghệ sĩ nổi tiếng, hệ thống di sản văn nghệ trong chốn thiền môn… là những "chất liệu" tuyệt vời để phát triển du lịch nhưng đang bị các tỉnh miền Trung bỏ phí

Xây dựng thương hiệu Đà Nẵng - đem nợ chia đều đầu dân?

Thanh Hải |

Cuộc đua thuyền buồm quốc tế Clipper Race 2015-2016 được cho là đã mang lại giá trị quảng cáo và PR cho thương hiệu Đà Nẵng gần 600 tỉ. Công cụ mà ban tổ chức "đo đếm" là qua 1.500 tin bài viết về sự kiện. Tuy vậy, con số nợ 22 tỷ đồng mà Đà Nẵng chưa thanh toán cho ban tổ chức thì rất cụ thể, rõ ràng...

Du lịch miền Trung đang lãng phí thiết chế văn học nghệ thuật

Hoàng Văn Minh |

Thiết chế văn học nghệ thuật, rộng hơn là các thiết chế văn hóa như vườn tượng, công viên, nhà thờ, nhà lưu niệm, khu nghĩa trang văn nghệ sĩ, các vườn tượng, các tác phẩm, hiện vật liên quan đến văn nghệ sĩ nổi tiếng, hệ thống di sản văn nghệ trong chốn thiền môn… là những "chất liệu" tuyệt vời để phát triển du lịch nhưng đang bị các tỉnh miền Trung bỏ phí