Báo nước ngoài hết lời khen ngợi chuyến tàu 350 USD/vé ở Việt Nam

Trang Ngọc (Ảnh: SCMP) |

Du khách nước ngoài thích thú khi trải nghiệm trên toa tàu hạng sang đi Đà Nẵng - Quy Nhơn.

Mới đây, trang SCMP (South China Morning Post) chia sẻ bài viết của tác giả Chris Dwyer khi ở toa tàu sang trọng đi Đà Nẵng - Quy Nhơn có giá lên đến 350 USD/chiều (hơn 8 triệu đồng). Tuy nhiên, Chris Dwyer vẫn dành lời khen ngợi cho chuyến đi dài 6 tiếng với những trải nghiệm "nhẹ nhàng, siêu thực" trong hành trình này.

Báo nước ngoài hết lời khen ngợi chuyến tàu hơn 350 USD/vé ở Việt Nam. - Ảnh: Danang Fantasticity
Báo nước ngoài hết lời khen ngợi chuyến tàu hơn 350 USD/vé ở Việt Nam. - Ảnh: Danang Fantasticity

Chris Dwyer đi toa tàu The Vietage - toa tàu sang trọng kéo chầm chậm giữa hai thành phố biển Đà Nẵng và Quy Nhơn. Toa tàu này được thiết kế riêng với chất lượng cao, nối vào tàu SE5 tại ga Đà Nẵng vào buổi sáng và quay về từ ga Diêu Trì (Bình Định) bằng tàu SE8 vào buổi chiều. The Vietage bắt đầu khai trương vào năm 2020 nhưng bị tạm ngưng hoạt động vì dịch bệnh, đến tận tháng 4 năm nay mới mở cửa đón khách trở lại.

Từ khu nghỉ dưỡng Anantara đến ga Đà Nẵng bằng xe BMW sang trọng, Chris được nhân viên niềm nở giúp đỡ cất hành lý lên tàu. Trong khi đó, chính quản lý toa tàu ra tiếp đón khách và mời anh một ly wisky.

Hành khách được mời 1 ly wisky trước khi lên tàu.
Hành khách được mời 1 ly wisky trước khi lên tàu.

Vietage chỉ là một toa trong chuyến tàu theo lịch trình thông thường, nên du khách có thể hòa mình vào dòng người gồm dân địa phương và du khách bình dân ở nhà ga. Chris chia sẻ bầu không khí tại nhà ga: "Bên ngoài cổng lên tàu, những người bán hàng cung cấp đồ ăn nhẹ, đồ chơi và đồ uống, bao gồm cả cà phê địa phương siêu đậm vị với sữa đặc cho hành khách và các gia đình đã tụ tập, nói lời từ biệt lẫn nhau. Còn trẻ em trên tàu thì thích thú áp mũi vào cửa sổ toa tàu".

Chris cho biết mặc dù bên ngoài toa Vietage được sơn sạch sẽ, trông giống những toa tàu khác nhưng bên trong lại là một thế giới hoàn toàn khác. Toa tàu được tân trang lại với điều hòa, nội thất bằng gỗ đẹp mắt và rèm che màu caramel.

Nội thất bên trong tàu.
Nội thất bên trong toa tàu.

Trong toa, Chris được mời vào 1 trong 12 chỗ ngồi riêng, nơi đã được gắn sẵn thẻ tên của hành khách. Cả toa chỉ có 12 ghế, chia thành 6 khoang, mỗi khoang 2 ghế ngồi đối diện nhau với một chiếc bàn nhỏ đặt ở giữa.

Chris cho biết, rượu là một chủ đề rõ ràng trên chuyến tàu The Vietage. Trong hành trình 6 tiếng, du khách có thể thưởng thức rượu, bia, sâm panh, rượu vang và ăn cùng trứng cá muối hoặc một số món cao cấp phục vụ trên tàu.

Đồ ăn và rượu được phục vụ trên tàu.
Đồ ăn và rượu được phục vụ trên tàu.

Tàu xuất bến từ ga Đà Nẵng lúc 8h30 sáng, đi qua ngoại ô và nhanh chóng tiến vào các vùng nông thôn dọc tuyến đường Đà Nẵng - Quy Nhơn. Đường đi không có bờ biển, nhưng lại có vô vàn cảnh sinh hoạt chung của nông thôn Việt Nam như trâu cày ruộng, trồng lúa hoặc thu hoạch,... Quang cảnh thiên nhiên, núi non hùng vĩ cũng khiến du khách thích thú, ngắm nhìn không chán mắt.

Trước bữa trưa, Chris được phục vụ một ly cà phê cùng miếng bánh ngọt lịm. Nhưng trước đó, điều khiến anh ấn tượng hơn cả là dịch vụ mát xa miễn phí phục vụ trên tàu.

Ghế phục vụ mát xa miễn phí trên tàu.
Ghế phục vụ mát xa miễn phí trên tàu.

Chris thích thú chia sẻ: "Tôi được dẫn qua khu vực quầy bar để đến các khoang nhỏ dùng làm khu vực mát xa. Người nhân viên đặt tôi lên một chiếc ghế mát xa quay mặt ra cửa sổ lớn. Bạn có lẽ nên nhắm mắt lại nhưng làm như vậy có nghĩa là sẽ bỏ lỡ quang cảnh Việt Nam đang trôi qua trước mắt".

Tàu chạy êm ru, nhẹ nhàng khiến Chris cảm thấy thư thái, chỉ có chút rung rinh khi đi qua các bến đón trả khách.

Đồ ăn phục vụ cho bữa trưa trên tàu.
Đồ ăn phục vụ cho bữa trưa trên tàu.
Đồ ăn phục vụ cho bữa trưa trên tàu.

Chris được phục vụ bữa trưa với salad, hải sản Quy Nhơn, dâu tây Đà Lạt và nhiều món ăn đặc sắc khác. Phần còn lại của hành trình trôi qua rất nhanh, Chris nhàn rỗi lên mạng xã hội rồi ngủ một giấc trong chiếc chăn mềm mại, chờ tàu đến bến ở Quy Nhơn.

Trang Ngọc (Ảnh: SCMP)