Dresden - tráng lệ sau hơn 4.000 tấn bom hủy diệt!

Đỗ Doãn Hoàng |

Quả thật, nếu bảo người Việt Nam kể tên các thành phố ấn tượng của nước Đức, thì rất ít người biết đến cái tên Dresden. Nhiều người lãng mạn và yêu di sản quả quyết sự yêu chưa xứng tầm với không gian tuyệt bích và gợi nhiều xao xuyến như Dresden là một điều thậm vô lý.

 
 
Không ai nghĩ đây là các công trình tái thiết sau khi toàn thành phố Dresden bị hủy diệt. Ảnh: Đ.D.H

Thung lũng sông Elbe huyền thoại đã ám ảnh tôi bởi những xúc cảm rất là “tang hải thương điền’, vật đổi sao rời. Lớp lớp di sản quý, bao bi thương hủy diệt rồi cả ngạo nghễ hồi sinh đã diễn ra ở góc trời kỳ diệu ấy...

 
 

 

Thung lũng sông Elbe, tay nôi bảo bọc Dresden từng được công nhận là Di sản thế giới.  Ảnh:Đ.D.H

Cách Berlin (CHLB Đức) khoảng 2 giờ ô tô, Dresden vốn đẹp đến mức cả thế giới ngưỡng mộ, bỗng bị hủy diệt gần như 100% vào giữa tháng 2 năm 1945, khi mà cuộc chiến tranh Thế giới Thứ hai sắp vãn hồi chung cuộc. Liên quân Mỹ - Anh đã huy động tới 1.300 (xin nhắc lại là một nghìn ba trăm!) máy bay ném bom với quyết tâm đưa “nền văn minh lớn Dresden” trở về thời kỳ đồ đá. Khoảng 500 nghìn người, hầu hết phụ nữ và trẻ em bị tàn sát bởi bom đạn. Có tới 97% các công trình bị hủy diệt.

 
1.300 chiến đấu cơ đã oanh tạc Dresden trong nhiều lần!. Ảnh: TL

Ở Dresden bây giờ “trưng bày” một bức tường nhỏ, biểu trưng cho các “tàn tích” hiếm hoi còn lại sau hàng vạn tấn bom đạn.

 
 
Bức tường còn lại, được gắn biển năm tháng, như một dạng chứng tích về sự hủy diệt kinh hoàng trong Chiến tranh Thế giới thứ 2. Ảnh Đ.D.H

Trước khi bị “trở về thời kỳ đồ đá”, kinh thành Dresden từng là thủ đô của Vương triều Sachsen (Saxony), một trong bốn vương quốc sau này hợp nhất thành nước Đức thời hiện đại. Qua nhiều thế kỷ, các vị vua nơi này đã kỳ công xây đắp cho kinh thành của họ vô số công trình trác tuyệt. Con mắt xanh liên tài, sự trọng thị đến cuồng si, đến mức cả thế giới biết tiếng của vua August Der Starke (tức Augustes II The Strong, tạm dịch là Mãnh Vương) đối với các nghệ sỹ, nghệ nhân khắp mọi miền và trên nhiều lĩnh vực là yếu tố quan trọng tạo nên đô thành Dresden kỳ vĩ và mơ mộng. Ông vua toàn tài đã bảo trợ cho tất cả các môn nghệ thuật từ hội họa đến âm nhạc, điêu khắc, gốm sứ.

 
 
 
 
 
 
 
 
Sau hơn 4.000 tấn bom hủy diệt từ 1.300 máy bay chiến đấu, Dresden đã hồi sinh khiến bất cứ ai cũng ngạc nhiên. Vẫn hầu như giữ nguyên vẻ đẹp cổ kính và vương giả. Ảnh: Đ.D.H

Điều đáng khâm phục nhất là, sau cuộc hủy diệt trên, người Đức tái thiết Dresden với tốc độ thần kỳ, với phong cách nghệ thuật y như thời Mãnh Vương. Có lẽ họ muốn trả lời cho một nghìn ba trăm oanh tạc cơ của các cường quốc khác rằng: Thung lũng sông Elbe mới là lực lượng chiến thắng các ngươi.

Khi chúng tôi đến, các cuộc tái thiết vẫn đang tiếp tục ở nhiều nơi. Đến việc sửa sang cung điện đền đài, họ chen chắn công trình cũng bằng các tác phẩm nghệ thuật sững sờ!

 
 
 
 
 
 
   
Dresden, thu hút khách du lịch ngay cả khi đang tái thiết. Người ta đến để khâm phục một nghị lực hồi sinh và cả tinh thần lạc quan! Ảnh: Đ.D.H

Nhà hát lớn nhất Dresden có tên là Semperoper, với hệ thống đồ trang trí dát vàng tinh xảo ở bên trong. Nhà thờ Hofkirche chứa nhiều huyền thoại mang dấu ấn lịch sử. Hệ thống di sản mang tên Zwinger nữa. Khi vua của cả Dresden (đồng thời là Ba Lan) thời ấy đi công du vòng quanh châu Âu, qua Ý, rồi Pháp. Quá ngưỡng mộ kỳ quan lâu đài Véc-sây (Versaillers) của Pháp, ông yêu cầu tạo tác khu cung điện với hệ thống vườn mĩ miều nhất thế giới bao quanh.

 
 
 
Đây là bức tường vinh danh các vị vua huyền thoại của kinh thành Dresden, nó được làm bằng gốm sứ cứng, cao lớn và dài rộng nhất thế giới. Bí quyết chế tác gốm sứ cứng cũng ra đời từ Dresden rồi mới lan tỏa đi các quốc gia khác, với sự trân trọng của Mãnh Vương - một con người cuồng si đủ mô nghệ thuật và võ thuật. Ảnh: Đ.D.H

Thành phố tinh tươm cổ kính được cả nước Đức và châu Âu yêu quý kia, trong tôi, “nàng” còn có thêm vẻ đẹp của sự mạnh can trường. Nó là kết tinh của thứ phù sa màu nhiệm qua hàng triệu năm của sông Elbe vĩ đại.

Bài và ảnh: Đỗ Doãn Hoàng

Đỗ Doãn Hoàng