Chè Shan tuyết - "vàng xanh" trên sườn núi Tây Côn Lĩnh

Trang Ngọc |

Sườn núi Tây Côn Lĩnh (Hà Giang) không chỉ sở hữu vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ, hút khách du lịch mà còn là nơi sinh sống của gần 8.700 cây chè Shan tuyết cổ thụ.

5 thôn vùng cao nằm trên sườn núi Tây Côn Lĩnh (Hà Giang) gồm thôn Nà Thác, Khuổi My, Lùng Vài (xã Phương Độ), Gia Vài, Cao Bành (xã Phương Thiện). Các thôn có tổng cộng trên 320 hộ, gần 1.000 nhân khẩu và đều là người dân tộc Dao. Đây cũng là nơi tồn tại của những nương chè Shan tuyết quý giá, được ví như “vàng xanh” của núi rừng Tây Côn Lĩnh.

Khu vực Tây Côn Lĩnh có tổng số 315 ha chè, trong đó có gần 8.700 cây chè Shan tuyết cổ thụ từ 50 đến trên 400 năm tuổi. Những cây chè cổ thụ gắn bó mật thiết với cuộc sống của người dân nơi đây, trở thành một trong những cây trồng mũi nhọn giúp đồng bào 5 thôn giảm nghèo bền vững.

 
Chè Shan tuyết - "vàng xanh" trên sườn núi Tây Côn Lĩnh. - Ảnh: Nghệ nhân Nguyễn Cao Sơn

Trên địa bàn xã Phương Độ có 192 ha chè Shan tuyết, cho năng suất bình quân 25 tạ/ha, giá trị sản xuất đạt hơn 12 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, các thôn đã hình thành liên kết giữa các hộ trồng chè với doanh nghiệp, hợp tác xã chế biến chè cổ thụ, tiêu biểu như Tổ Hợp tác chè thôn Cao Bành (xã Phương Thiện), HTX Tây Côn Lĩnh, Công ty Cổ phần trà Shan Long, HTX chè toàn thôn Khuổi My, HTX chè Hòa An (xã Phương Độ).

Qua liên kết, cac hộ được bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ phân bón hữu cơ, vốn và đào tạo kỹ thuật để đảm bảo sản xuất chè đúng quy trình sản xuất hữu cơ. Nhờ đó, giá trị chè Shan tuyết từng bước được nâng cao.

Nghệ nhân trà Nguyễn Cao Sơn - Phó Giám đốc HTX Tây Côn Lĩnh chia sẻ: "Khi bắt tay cùng với bà con vùng cao, chúng tôi đã thay đổi cách thức thu hái, chế biến cũng như quy trình rõ ràng để làm ra các sản phẩm. Bên cạnh việc làm mô hình sản xuất trà Shan tuyết, chúng tôi phải hay đổi về nhận thức, thu nhập của người dân, từ 10.000 - 12.000 đồng đến 35.000, có loại lên tới 200.000 đồng/kg chè tươi".

Cây Shan tuyết có tuổi thọ lên đến 800 tuổi. - Ảnh: Nguyễn Cao Sơn
Cây chè Shan tuyết có tuổi thọ lên đến 800 tuổi. - Ảnh: Nguyễn Cao Sơn.

Không chỉ chăm sóc, thu hát chè tươi, các HTX, doanh nghiệp còn chế biến thành các sản phẩm chất lượng tốt, mẫu mã đẹp phục vụ khách hàng trong nước và quốc tế.

Bên cạnh việc sản xuất chè, tăng thu nhập của người dân, các nương chè Shan tuyết, cơ sở chế biến chè còn là nơi phát triển du lịch cộng đồng, sinh thái của 5 thôn vùng cao. Theo khảo sát của cơ quan chuyên môn thành phố Hà Giang, có gần 20% số hộ trong 5 thôn có đủ điều kiện để kết hợp làm du lịch, đón du khách từ khắp nơi đến tham quan, trải nghiệm tại đây.

Cụ thể, riêng 3 thôn của xã Phương Độ hiện có 15 hộ làm du lịch theo hình thức du lịch cộng đồng, sinh thái (ăn, nghỉ tại homestay). Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã cũng kinh doanh homestay, nông trại, vườn chè thu hút du khách thập phương.

Tuy nhiên, trên thực tế, chưa có nhiều tour, tuyến du lịch khám phá vùng chè Shan tuyết cho du khách lựa chọn. Tại 5 thôn vùng cao cũng chưa có hệ thống giao thông thuận tiện, vườn chè chưa có nhiều điểm nghỉ chân, ngắm cảnh, thưởng thức chè tươi cho du khách... Bên cạnh đó, nhận thức về việc bảo tồn, phát triển chè Shan tuyết, chế biến các sản phẩm từ chè, du lịch gắn với bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Dao... của người dân nơi đây cũng còn hạn chế.

Vì thế, chính quyền TP Hà Giang đã triển khai nhiều biện pháp quy hoạch, bảo tồn, phát triển vùng chè Shan tuyết gắn với du lịch, phát huy giá trị văn hóa truyền thống để bảo tồn, nâng cao giá trị của cây chè cổ thụ. Cụ thể, các giải pháp về giống, quy trình kỹ thuật, chế biến và thị trường tiêu thụ chè phải được thực hiện đồng bộ, đưa sản phẩm chè Shan tuyết trở thành sản phẩm nông nghiệp đặc sản của thành phố. Chè có chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thị trường trong nước lẫn quốc tế.

 
Hà Giang lên kế hoạch phát triển chè Shan tuyết kết hợp du lịch. - Ảnh: Nguyễn Cao Sơn.

Ngoài ra, vùng chè Shan tuyết cần được trồng, bảo vệ và phát triển gắn liền với việc xây dựng các mô hình du lịch sinh thái tại các vườn chè cổ thụ. Từ đó, khách tham quan, du lịch có thể khám phá, tìm hiểu về cây chè cũng như văn hóa đặc sắc của cộng đồng dân tộc Dao.

Hà Giang đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 2.000 cây chè Shan tuyết cổ thục ở năm thôn vùng cao được công nhận là di sản. Đồng thời, việc sản xuất, chế biến chè theo hướng thâm canh, hữu cơ và có từ 3-5 sản phẩm đặc sản từ chè Shan tuyết. Song song với đó, 5 thôn cũng phấn đấu để có 25-30 hồ làm du lịch homestay, du lịch nông thôn thu hút 10.000 lượt khách/năm. Trong đó, lượng khách lưu trú đạt 3.000 lượt người/năm, tạo doanh thu từ 3-5 tỷ đồng/năm.

Trang Ngọc
TIN LIÊN QUAN

Thưởng thức chè sen nhãn lồng ngày hè ở Hà Nội

Nhật Hạ |

Mùa nhãn chín rộ, hạt sen đến độ là lúc thích hợp nhất để thưởng thức chè sen nhãn lồng.

Khám phá 'hố sụt tử thần' đẹp hùng vĩ tại Hà Giang

Trang Ngọc (Ảnh: gocamping.vn) |

Từ khi được phát hiện, "hố sụt tử thần" với vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ tại Hà Giang đã thu hút không ít du khách đến tận nơi để tham quan, khám phá.

Chuyến phượt Hà Giang hai ngày giữa cơn mưa rả rích

Trang Ngọc (Ảnh: Mai Phương Thảo) |

Những cơn mưa rả rích ngày hè tháng 6 chẳng thể cản chân du khách đến tham quan, khám phá Hà Giang.

Thưởng thức chè sen nhãn lồng ngày hè ở Hà Nội

Nhật Hạ |

Mùa nhãn chín rộ, hạt sen đến độ là lúc thích hợp nhất để thưởng thức chè sen nhãn lồng.

Khám phá 'hố sụt tử thần' đẹp hùng vĩ tại Hà Giang

Trang Ngọc (Ảnh: gocamping.vn) |

Từ khi được phát hiện, "hố sụt tử thần" với vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ tại Hà Giang đã thu hút không ít du khách đến tận nơi để tham quan, khám phá.

Chuyến phượt Hà Giang hai ngày giữa cơn mưa rả rích

Trang Ngọc (Ảnh: Mai Phương Thảo) |

Những cơn mưa rả rích ngày hè tháng 6 chẳng thể cản chân du khách đến tham quan, khám phá Hà Giang.