Nằm trên bờ phía bắc của sông Dương Tử, Nghi Xương chỉ cách dự án đập Tam Hiệp 40 km. Đây là địa danh thu hút du khách từ trong và ngoài Trung Quốc.
Nghi Xương từng là cửa ngõ vào sông Dương Tử. Phần lớn du khách sẽ đặt đây là chặng cuối của chuyến du ngoạn gần đập Tam Hiệp.
Các chuyến du ngoạn trên sông sẽ kéo dài khoảng 3 đêm từ Trùng Khánh đến Nghi Xương, thường kết thúc bằng một chuyến đi nhanh đến Vũ Hán và các thành phố lớn khác của Trung Quốc mà không cần qua đêm ở Nghi Xương.
Dù vậy, Nghi Xương lại là nơi có vô số điểm tham quan với lịch sử khoảng 4.000 năm. Trong đó, có rất nhiều di tích văn hóa cũng như cảnh đẹp tự nhiên, tựa như một tác phẩm nghệ thuật trong phim cổ trang.
Tận dụng vị trí đắc địa gần đập Tam Hiệp, Nghi Xương được kỳ vọng sẽ thu hút khách du lịch đến trải nghiệm các điểm tham quan. Có thể kể đến sông Thanh, phụ lưu của sông Dương Tử. Nằm ở quận tự trị dân tộc Changyang Tujia của Nghi Xương, địa điểm này được vinh danh là một trong những danh thắng cấp 5A - cấp cao nhất của Trung Quốc vào năm 2013.
Có một câu nói cổ của Trung Quốc rằng, “Sông Thanh dài 800 lý và đẹp như một bức tranh" (“lý” là đơn vị đo chiều dài bằng 0,5 km). Khu vực này nổi tiếng với những ngọn núi và dòng sông hùng vĩ.
Sông Thanh cũng được coi là dòng sông cội nguồn của người Thổ Gia trong khu vực. Họ nổi tiếng với tài năng ca hát và điệu múa Baishou truyền thống.
Nằm ở hẻm núi Tây Lăng, giữa đập Tam Hiệp và đập Cát Châu Bá (Gezhouba) là những ngọn núi và dòng suối tạo nên một bức tranh phong cảnh khiến du khách đã tới một lần sẽ nhớ mãi. Nơi này có ba khu vực chính: làng trên mặt nước, làng bên dòng suối và làng trên đỉnh núi. Đây cũng là một trong 10 điểm thu hút khách du lịch hàng đầu ở tỉnh Hồ Bắc với những ngọn núi xanh được bao phủ bởi sương mù trên nền nước trong xanh lung linh.
Du khách có thể bắt gặp những cô gái trẻ ca hát khi họ đi thuyền ngang qua, những người đàn ông thả lưới xuống nước để bắt cá hoặc một phụ nữ giặt quần áo bên bờ sông.
Gần đập Tam Hiệp còn có động Tam Du, cách Nghi Xương khoảng 10 km. Các bức tường trong hang động được khắc bằng thơ với một câu chuyện đằng sau.
Tương truyền Bạch Cư Dị, một trong những nhà thơ vĩ đại nhất của Trung Quốc thời nhà Đường (618-907), đã sống tại động Tam Du một thời gian để sáng tác thơ cùng em trai của ông và Nguyên Chẩn - một nhà thơ nổi tiếng khác cùng thời. Câu chuyện này truyền cảm hứng cho các nhà thơ và học giả khác đến hang động để khắc lên những vần thơ của riêng họ.