Khu di tích Đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tọa lạc ở thôn Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng. Trước kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, hàng nghìn học sinh, sinh viên cùng phụ huynh từ các nơi đổ dồn về đền tham quan, dâng hương, dâng lễ cầu suôn sẻ, thuận lợi trong học tập, thi cử.


Đặc biệt, các học sinh, sinh viên háo hức khi có cơ hội tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp con đường học vấn của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Khánh Linh, học sinh lớp 12 (Hải Phòng) chia sẻ rằng năm nào em cũng được bố mẹ đưa đến đây để dâng hương. Mỗi khi đọc lại những tấm bia, những trang sử sách viết về cuộc đời và sự nghiệp của vị quan yêu nước thương dân, Khánh Linh vô cùng ngưỡng mộ đức tính cương trực và tinh thần ham học, chăm chỉ cần cù không ngại khó của ông.

Theo hồ sơ di tích của Cục Di sản văn hóa, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà nho yêu nước, nhà lý học đại tài được các học giả kính phục, sử sách ghi lại và lưu truyền trong nhân gian về tài tiên đoán hậu vận (sấm ký)... Ông còn là một nhà thơ lớn, để lại cho hậu thế trên 1.000 bài thơ (620 bài thơ chữ Hán,153 bài thơ Nôm), tiêu biểu như các tập thơ “Bạch Vân am thi tập" (chữ Hán) và Bạch Vân quốc ngữ thi tập (chữ Nôm).
Thi phẩm của Nguyễn Bỉnh Khiêm mang giá trị nghệ thuật cao, bút pháp tinh thâm, đề cập đến nhiều vấn đề của cuộc sống, như: tình yêu quê hương, đất nước, châm biếm đả kích tham quan...
“Ông chính là tấm gương sáng về tinh thần hiếu học mà thế hệ trẻ chúng em cần noi theo và phải không ngừng cố gắng học tập” - Khánh Linh nói.
“Đây là một bậc đại hiền, đại trí cả đời liêm chính, ngay thẳng suốt đời tận tụy vì dân vì nước không màng đến danh lợi tiền tài” – Quốc Huy, sinh viên (Hà Nội) chia sẻ.


Khu di tích Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm được Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2015. Đây là nơi tưởng nhớ và vinh danh bậc tri thức lớn của cả dân tộc, danh nhân văn hóa đã để lại cho đời sau kho tàng tác phẩm văn thơ, triết lí đối nhân xử thế và nhiều tư liệu lịch sử quý giá.