Độc đáo bản du lịch người Dao ở vùng cao Hoà Bình

Khánh Linh |

Hoà Bình - Người Dao vùng cao Đà Bắc nay đã biết tận dụng những món quà thiên nhiên ban tặng thành bản du lịch cộng đồng thu hút du khách.

Ngược lên những con dốc ngoằn ngoèo dựng đứng men theo những sườn núi ở vùng cao Hoà Bình, PV đã có mặt tại bản Dao xóm Sưng, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình.

Sau cánh cổng bản, những nếp nhà gỗ truyền thống lợp bằng lá cọ màu nâu trầm lần lượt hiện ra. Bản Dao nằm yên bình trong nắng. Những gia đình dựng nhà sát cạnh nhau, không đắp tường ngăn vách mà quây quần đoàn tụ.

 
Những ngôi nhà gỗ lợp mái cọ, mái tranh của bản Sưng nằm yên bình dưới chân núi Biều hùng vĩ.

Dẫn PV đi một vòng quanh xóm, anh Lý Văn Nghĩa - Trưởng xóm Sưng chia sẻ: "Bản Dao xóm Sưng, xã Cao Sơn có 77 hộ với 380 nhân khẩu. Tại đây, 100% người dân là đồng bào dân tộc Dao Tiền cùng chung sống".

Theo vị trưởng thôn, trước đây, đời sống của người Dao ở bản Sưng rất khó khăn do thu nhập chủ yếu từ khai thác nông lâm sản.

Năm 2017, với sự trợ giúp của tổ chức Action on Poverty (AOP - tổ chức phi chính phủ Australia), người Dao bản Sưng đã bắt tay vào làm du lịch.

Tận dụng những điều kiện sẵn có được tự nhiên ban tặng, người dân bản Sưng đang cùng nhau làm du lịch.
Người Dao bản Sưng nấu lá tắm theo công thức cổ truyền phục vụ du khách.

"Bản Sưng chọn ra 3 hộ gia đình thử nghiệm làm du lịch cộng đồng. Các hộ dân được tập huấn kỹ năng làm du lịch, từ bài trí homestay, nấu ăn, cho đến cách phục vụ du khách" - anh Nghĩa vừa nói, vừa đưa PV đến thăm homestay Xuân Lan của gia đình anh Đặng Văn Xuân.

Homestay Xuân Lan nằm giữa những ngôi nhà trệt của người Dao trên sườn đồi cao ráo. Trong căn nhà khoảng 60m2, 13 chiếc giường ngủ được sếp san sát nhau, ngăn cách bởi những tấm rèm. Trước nhà là khu nhà ăn dành cho khách du lịch.

Anh Đặng Văn Xuân chia sẻ: "Gia đình bắt đầu làm homestay từ năm 2017. Cùng với số tiền 80 triệu đồng được tổ chức AOP cho vay, gia đình vay mượn thêm đầu tư giường, đệm, máy giặt, nóng lạnh để phục vụ nhu cầu du khách. Hiện homestay có sức chứa khoảng 16 khách".

Bên cạnh việc đầu tư xây dựng homestay, người dân ở đây còn cùng nhau nuôi lợn bản, gà đồi, trồng rau hữu cơ phục vụ du khách.
Bên cạnh việc đầu tư xây dựng homestay, người dân ở đây còn cùng nhau nuôi lợn bản, gà đồi, trồng rau hữu cơ phục vụ du khách.

Cũng theo anh Xuân, trước đây khi chưa có dịch bệnh COVID-19, trung bình mỗi tuần homestay gia đình đón ổn định 3-4 đoàn khách, mỗi đoàn khoảng 10 người, cho thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng.

"Năm nay khách đã quay trở lại nhờ việc điều phối khách của doanh nghiệp xã hội Đà Bắc CBT, khoảng 4-5 đoàn/tháng. Bà con lại cùng nhau trồng rau, nuôi thêm lợn bản, gà rừng và trồng rau hữu cơ để phục vụ du khách" - anh Xuân nói.

Thích thú trải nghiệm văn hoá và cuộc sống ở bản Sưng, ông Alex Dean (du khách Quốc tịch Anh) chia sẻ: "Khung cảnh ở bản Sưng hùng vĩ và cuộc sống ở đây rất yên bình. Tất cả đã hấp dẫn chúng tôi. Đến đây, du khách còn được trải nghiệm những văn hoá độc đáo của người dân bản địa và sản phẩm truyền thống của họ, rất thú vị".

Sau lưng là núi Biều che chở, trước mặt là những thửa ruộng bậc thang uốn lượn xếp tầng tầng tầng lớp lớp. Bảng lảng trong làn khói bếp là hình ảnh các bà, các mẹ ngồi thêu thổ cẩm, nhuộm chàm. Những hình ảnh bình dị mà ấm áp đã níu chân du khách đến đây.

Trao đổi với PV, ông Ngô Văn Cường - Bí thư Đảng uỷ xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình cho biết: "Người dân bản Sưng đã biết tận dụng những nét hoang sơ mà thiên nhiên ban tặng cùng nét văn hoá độc đáo để thu hút du khách".

 
Du khách hoà mình vào đêm diễn văn nghệ do người dân bản Dao tổ chức.

Theo vị lãnh đạo, đến bản Sưng, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những tán cây cổ thụ tương truyền đã vài trăm năm tuổi, băng qua tán rừng già để tới hang Sưng.

"Thời gian tới, bản Sưng sẽ thành lập thêm tổ dệt thổ cẩm, khôi phục nghề làm giấy dó của dân tộc Dao. Đồng thời, phát triển thêm một số hộ tham gia hoạt động dịch vụ du lịch cộng đồng để đáp ứng nhu cầu của du khách" - ông Cường nói thêm.

Khánh Linh