Hội hoạ thổi hồn mới cho tờ giấy giang của người H’mông

HẢI AN |

Văn hoá nghệ thuật luôn gắn liền với văn hoá dân tộc như một cặp phạm trù có mối quan hệ mật thiết. Văn hoá nghệ thuật nảy sinh từ văn hoá dân tộc, đôi khi lại chắp cánh cho văn hoá dân tộc được phát triển dưới dạng thức mới. Câu chuyện về tờ giấy giang của người H’mông đã phản ánh rất rõ điều này.

GIÁ TRỊ CỦA GIẤY GIANG TRONG VĂN HOÁ CỦA NGƯỜI H’MÔNG

Giang, một loại cây thuộc họ tre nứa, vốn dĩ rất gần gũi với người dân Việt Nam. Lạt chẻ từ cây giang chính là một thứ không thể thiếu trong quy trình gói bánh chưng, gói giò bởi đặc tính mềm và dẻo. Tuy nhiên, người dân tộc H’mông của khu vực Hang Kia - Pà Cò tỉnh Hoà Bình còn sử dụng đặc tính này của giang để làm giấy.

Đã từ rất lâu, người H’mông đã biết làm lá giang để phục vụ cho tín ngưỡng văn hoá dân tộc. Hiếm có loại giấy nào có giá trị linh thiêng và quan trọng như thế. Đồng bào dân tộc H’mông có bộ chữ viết được soạn theo bộ vần quốc ngữ nhưng tờ giấy truyền thống họ lại làm theo kỹ thuật thủ công được truyền đời qua hơn 300 năm nay lại không phải để viết mà phục vụ cho đời sống tâm linh.

Giấy giang là thứ tối quan trọng trong đời sống tâm linh gắn liền với các hoạt động văn hoá của người H’mông. Giấy tự tay làm sẽ mang lại may mắn cho gia đình và dòng tộc. Mỗi gia đình có một gian để thờ cúng nhưng rất khiêm tốn, đơn giản bởi chỉ với tấm giấy giang dán lên bức vách hậu nhà đối diện với cửa chính đã đánh dấu làm nên không gian thờ cúng của gia đình.

Tất thảy mọi lễ cúng đều phải có giấy giang được cắt thành hình hoa lá mỏng cầu mong cho gia đình mạnh khoẻ, mưa thuận gió hoà, làm ăn thuận lợi...  Ngày Tết truyền thống của đồng bào H’mông, giấy được dán lên bàn thờ để thay sử ca, lót bàn thờ tổ tiên, trang trí nhà cửa, dán lên đồ dùng vật dụng như bùa bảo hộ không cho mà quỷ quấy nhiễu, cắt thành miếng nhỏ làm tiền âm phủ đốt cho người đã khuất hay đốt vía cúng vía.

Loại giấy này cũng được nhuộm thành màu xanh màu đỏ (màu đỏ tượng trưng cho màu máu, màu xanh tượng trưng cho cỏ cây hoa lá trên rừng) dùng cúng giải hạn ốm đau, tai nạn, bài trừ ma quỷ... Tết đến, toàn bộ giấy dán cũ trong năm được bóc đi hoá vàng thay bằng một lớp giấy mới vào đúng đêm giao thừa coi như giải hạn cho cả năm cũ, đón lộc cho cả năm mới.

Đồng bào xưa có truyền thuyết kể rằng, mỗi dịp Tết đều xin dán 3 sợi tóc của ông tổ người H’mông lên bàn thờ (sử ca) biểu trưng cho thổ công, thổ địa và tổ tông. Sau này khi ông tổ khuất thì đồng bào lấy 3 nhúm lông gà (gà trống hoa cúng đêm giao thừa) nhúng vào bát tiết của nó để gắn lên bản giấy giang bàn thờ của gia đình.

Trong lễ cưới, nhà nào chuẩn bị cưới vợ cho con đều treo lên đỉnh mắn trong phòng cưới một chiếc ô được trang trí hoa văn cắt tỉa cầu kỳ bằng giấy giang do chính gia đình tự tay làm. Trong ô phải có chén nước và giấy để cúng làm vía cho vợ chồng mới cưới bởi người H’mông quan niệm mỗi người sinh ra đều có hồn có vía.

Chiếc ô là phúc đức của cha mẹ, tổ tiên che chở bảo vệ cho con cái. Đồng bào H’mông cần cù làm lũ quanh năm với cái nương cái rẫy nên mỗi dịp Xuân về là dịp để họ nghỉ ngơi báo công với tổ tiên ông bà, con người, con vật trong nhà đều được nghỉ ngơi đón năm mới.

Trong 3 ngày Tết không đụng dao thớt giết thịt gia súc gia cầm, ăn rau chủ đạo với mong muốn cả năm thóc ngô đầy sân, rau quả đầy vườn. Ngày Tết từ con dao cái cuốc đến mọi công cụ lao động, xoong nồi, bếp lò, kho lẫm, chuồng gà chuồng lợn... đều được dán giấy giang mới.

Những miếng giấy giang này được cắt tỉa hình răng cưa ngụ ý như hàng rào bảo vệ cho mọi thứ đồ vật không bị ma ám mà được nghỉ ngơi đón Tết, cũng là để báo cáo thành quả lao động trong năm cũ với tổ tiên và chuẩn bị cho một năm mới ấm no.

Bếp lò của người H’mông không thể thiếu cái bễ kéo thổi gió, lá gió của bễ cũng thường được làm bằng giấy giang bởi độ bền, mềm và dai rất khó rách của nó. Đời sống tâm linh của người H’mông không thể thiếu đi hình bóng của tờ giấy giang, nó là sợi dây gắn kết giữa người sống với người chết, là sự kết nối của con cháu với tổ tiên.

Có thể nói giấy giang là vật thể lưu giữ cô đọng văn hoá phi vật thể của đồng bào dân tộc H’mông. Tờ giấy giang còn là một đam mê cho nhiều khám phá của bản thân trên con đường đồng hành cùng những người anh em H’mông. Tuy nhiên, những khám phá mới về mặt nghệ thuật đã chắp cánh cho giấy giang có cuộc đời mới.

Trừu tượng giấy giang. Ảnh: Hải An
Trừu tượng giấy giang. Ảnh: Hải An
Trừu tượng giấy giang. Ảnh: Hải An

CHẤT LIỆU HỘI HOẠ ĐẦY QUYẾN RŨ

Chúng ta đã biết vai trò quan trọng của giấy giang trong đời sống tâm linh và nghệ thuật của người dân H’mông. Tuy nhiên, suốt 300 năm qua, chức năng của lá giang chỉ gói gọn trong phạm vi đó, chưa thể tạo ứng dụng cho những công năng khác, cho đến khi nó được thử nghiệm bởi những hoạ sĩ Việt Nam.

Chất của giấy giang khi thành hình khá sần sùi, không nhẵn như loại giấy khác, độ thấm rất tốt, loang, phù hợp với vẽ màu nước. Bột của giấy khi chưa seo vẫn như hình của ống măng giang từng đoạn được luộc lên và ngâm với vôi nên tránh bị mối mọt và mốc.

Khá nhiều hoạ sĩ đã tiếp cận đến chất liệu giấy vẽ mới này và đều cảm thấy ngỡ ngàng về hiệu ứng loang màu, chảy màu của giấy giang, tạo ra những hình khối, khối màu đầy ngẫu hứng và hoàn toàn khác biệt.

Trong 5 năm qua, đã có nhiều cuộc triển lãm tranh vẽ trên giấy giang đến với công chúng như hoạ sĩ Bảo Toàn trong triển lãm “Làng”, hoạ sĩ Thu Trần với triển lãm “Giấy giang và lụa” hay các tác phẩm của hoạ sĩ Lê Thị Minh Tâm.

Với các hoạ sĩ, giấy giang là một sản phẩm của miền sơn cước, hoàn toàn có thể kể được một câu chuyện mới lạ, hấp dẫn về mình thông qua giấy và bột giấy trên các tác phẩm với những miền trừu tượng biểu hiện khá rõ ràng và mạch lạc trong ngôn ngữ hội hoạ của mình.

Chất liệu này chính là nguồn cảm hứng để các hoạ sĩ tìm về cảm giác của ngôn ngữ phương Đông đầy những ẩn dụ và bí mật như dưới lòng đất, mạch nước ngầm hay núi lửa nằm im trong đó đang chứa đựng những bí ẩn gì. Giấy giang đã thực sự lôi cuốn cảm giác tìm kiếm của bản thân các hoạ sĩ trong nhu cầu làm mới mình và thổi một cuộc sống mới vào tờ giấy giang.

HẢI AN