Lễ mừng cơm mới trên các bản làng người Thái

Bài và ảnh VĂN THÀNH CHƯƠNG |

Vào khoảng tháng 9-10, khi những bông lúa bắt đầu chín rộ, khắp các bản làng người Thái lại rộn ràng trong không khí của lễ mừng cơm mới.

Buổi tiệc với các sản vật thơm ngon nhất

Lễ mừng cơm mới theo tiếng của dân tộc Thái, ngành Thái Đen là Pạt tông khẩư mấư - đây là một nghi thức độc đáo mang nhiều giá trị đặc sắc về văn hóa của đồng bào Thái Đen ở Tây Bắc.

Lễ mừng cơm mới là dịp để người Thái thể hiện lòng biết ơn tổ tiên và cầu mong cho những vụ mùa tiếp theo gặp mưa thuận gió hòa, cây trái tốt tươi. Đây cũng là dịp để người dân trong bản thắt chặt tình đoàn kết và chúc cho nhau những lời tốt đẹp.

Theo ông Tòng Văn Hân - nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc Thái thì lễ mừng cơm mới của dân tộc Thái có những nét riêng, không giống với nghi thức mừng cơm mới của một số dân tộc khác ở vùng Tây Bắc. Theo đó, người Thái cúng cơm mới ở từng gia đình chứ không cúng theo dòng họ hay theo cộng đồng, làng, bản.

Mọi người dự bữa cơm cùng gia chủ và cùng chúc cho nhau những lời may mắn.
Mọi người dự bữa cơm cùng gia chủ và cùng chúc cho nhau những lời may mắn theo phong tục của người Thái.

“Trong nghi thức cúng mừng cơm mới của người Thái Đen chỉ cúng tổ tiên chứ không cúng thần linh. Lễ mừng cơm mới cũng được tổ chức vào buổi trưa vì theo quan niệm của người Thái, sau các nghi lễ thì đến buổi chiều tổ tiên sẽ trở về Mường Then (Mường Trời) trước khi trời tối” - ông Tòng Văn Hân nói.

Trong lễ cúng mừng cơm mới, ngoài cơm được làm từ lúa mới, phải có đầy đủ các đồ cúng theo nghi thức truyền thống, như: Xôi trắng (khẩu ón), xôi cốm (khẩu hang), cốm non (khẩu mảu), xôi tím (khẩu cắm), xôi màu vàng (khẩu bó phón), bánh trưng, cơm lam, rượu (lẩu)...

Mâm lễ cúng tổ tiên.
Mâm lễ cúng tổ tiên.

Trong mâm lễ cúng mừng cơm mới, các gia đình đều phải mổ 1 con gà, 1 con vịt, với gia đình có điều kiện hơn thì sẽ mổ 1 con lợn. Ngoài ra còn có thịt lợn, trâu, bò sấy, cá sấy, thịt chim sấy... và các loại rau, củ, quả là các sản vật từ nông nghiệp.

Cũng theo nhà nghiên cứu Tòng Văn Hân, trong văn hóa của dân tộc Thái, mỗi gia đình có 1 ngày cúng tổ tiên riêng (theo lịch của người Thái), do vậy mỗi gia đình cũng tổ chức lễ mừng cơm mới vào những ngày khác nhau theo ngày cúng tổ tiên của gia đình đó.

Những nghi thức độc đáo

Khi các đồ cúng đã được nấu chín, chủ nhà sẽ đặt mâm vào trong gian thờ, sau đó bày tất cả các đồ lễ lên mâm, rót đầy các chén rượu và chuẩn bị đầy đủ bát, đũa, thìa... Trong văn hóa ẩm thực của người Thái, cùng với mỗi bộ bát đũa bao giờ cũng có 1 thìa nhỏ để múc canh. Trong mâm cơm gia đình cũng không thể thiếu các món canh nấu từ các loại rau rừng.

Khi bày xong lễ vật lên mâm, chủ nhà sẽ tự làm lễ khấn mời tổ tiên chứ không phải mời thầy mo như trong các lễ cúng cho cộng đồng.

Mâm cơm trong lễ mừng cơm mới.
Mâm cơm trong lễ mừng cơm mới.

Nội dung lời khấn, đại ý như sau:

- Thóc trên nương, thóc ngoài ruộng đã chín, con cháu đã gặt về, hôm nay con cháu chúng con có mâm cơm dâng cúng tổ tiên. Qua một năm, con cháu đã tìm được, kiếm về, miếng cơm trắng, nắm cơm ngon, cơm cốm ăn ngọt, cơm cốm ăn thơm, cơm đồ từ gạo cốm, có cả bát cốm non, con vịt khéo đẻ, con gà khéo gáy, gà to như con công, đùi gà cao như con ngỗng, cá chiên con mắc đó, cá chép con mắc chài, cá và thịt sấy khô trên bếp...

- Có cả thịt con dúi, con hon, con dơi, dúi đuôi hoa, sóc đuôi xòe, thịt con chim con sóc, nõn ngọn cây mây cây song, hoa quả đủ đầy, quả bí nặng cân, bí xanh trên nương, củ khoai sọ khoai thơm, mía cả cây bóc vỏ, chuối cả nải chín vàng, rượu cất còn thơm cay, có cả các loại bánh ngon bánh ngọt.

Món “Cá Mọk” được chế biến từ cá suối, sau khi tẩm ướp gia vị được gói trong lá chuối tươi và nướng trên bếp than.
Món “Cá Mọk” được chế biến từ cá suối, sau khi tẩm ướp gia vị được gói trong lá chuối tươi và nướng trên bếp than.

Sau khi kể hết tên các loại lễ vật, chủ nhà khấn tiếp: “Chúng con chúng cháu, đem đến cúng đến dâng, mời tổ mời tiên đến ăn đến uống, xin phù hộ con cháu, không đau ốm, làm gì cũng tốt, mong gì cũng được cũng thành. Nuôi lợn nuôi gà, nuôi bò nuôi trâu, nuôi cá sinh sôi nảy nở; làm nương cho nhiều lúa, làm ruộng cho bông trĩu hạt...”

Sau khi làm lễ, báo cáo tổ tiên và cầu xin những điều may mắn cho gia đình, cho con cháu. Chủ nhà sẽ xin từ mâm lễ 1 chút cốm non và đem đi rắc vào các gốc cây, chuồng gà, chuồng lợn, chuồng trâu, ao cá... để mỗi vật nuôi, cây trồng đều được hưởng lộc của tổ tiên.

Sau phần nghi lễ, chủ nhà sẽ đặt mâm mời anh em, họ hàng và khách cùng dự liên hoan. Trong số những người được mời dự lễ mừng cơm mới, những người đến giúp gia đình làm cỗ sẽ không phải đem theo gì, còn những khách mời khác sẽ đem theo chút rượu để cùng góp cỗ với gia chủ.

Lễ mừng cơm mới là nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Thái ở Tây Bắc mang tính nhân văn sâu sắc và vẫn được lưu truyền cho đến ngày nay. Các nghi lễ đã thể hiện được truyền thống tôn kính tổ tiên, uống nước nhớ nguồn.

Đây còn là dịp để cảm ơn ông bà, tổ tiên đã luôn luôn dõi theo, phù hộ cho con cháu trong gia đình được khỏe mạnh, làm ăn, chăn nuôi phát triển, ruộng đồng được xanh tốt, đồng thời đây cũng là dịp để người thân trong gia đình, làng bản chung vui, chia sẻ với nhau về cuộc sống và thắt chặt tình đoàn kết cộng đồng.

Bài và ảnh VĂN THÀNH CHƯƠNG
TIN LIÊN QUAN

Đỉnh Phượng Hoàng - "Tây Bắc thu nhỏ" ở Quảng Ninh

Hoàng Xuyến |

Được ví như "Tây Bắc thu nhỏ" ở Quảng Ninh bởi vẻ đẹp lãng mạn, đỉnh Phượng Hoàng đang là một điểm đến mới nổi dành cho các bạn trẻ đam mê check-in, cắm trại.

Đỉnh Phượng Hoàng - "Tây Bắc thu nhỏ" ở Quảng Ninh

Hoàng Xuyến |

Được ví như "Tây Bắc thu nhỏ" ở Quảng Ninh bởi vẻ đẹp lãng mạn, đỉnh Phượng Hoàng đang là một điểm đến mới nổi dành cho các bạn trẻ đam mê check-in, cắm trại.