Những bí ẩn chưa được giải mã của dân tộc thiểu số Ainu, Nhật Bản

DI PY |

“Khám phá thời trang Nhật Bản” tập 3 đi tìm nền văn hoá lâu đời của dân tộc thiểu số Ainu tái hiện qua trang phục Attus và hé lộ những “bí ẩn” chưa được giải mã.

MC Hiền Shino và Minh Dũng đưa khán giả đến thăm cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ tại hòn đảo Hokkaido, phía Bắc Nhật Bản. Đồng thời, lần theo những vết tích còn sót lại ven bờ hồ Akan, mở ra bản đồ khám phá nền văn hoá bí ẩn lâu đời của người Ainu - một trong những dân tộc thiểu số tại xứ sở hoa anh đào.

Được biết, người Ainu là dân tộc thiểu số sống chủ yếu ở Hokkaido, sử dụng tiếng nói riêng của dân tộc, phát triển nền văn hoá độc đáo của riêng mình và tin vào tín ngưỡng: Mọi thứ trong tự nhiên đều có linh hồn. Ngày nay, mặc cho sự phát triển mạnh mẽ của thời đại, người Ainu vẫn lưu giữ truyền thống từ xa xưa như nghi lễ gửi lời cầu nguyện đến các vị thần Kamuynomi, lễ hội Marimo ở hồ Akan, điệu múa Ainu truyền thống Akan - di sản văn hoá phi vật thể được UNESCO công nhận,...

Theo chân Hiền Shino và Minh Dũng đến một cửa hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống, cả hai lấy làm ngạc nhiên khi nhìn những nét hoa văn quen thuộc lặp đi lặp lại trên các sản phẩm. “Đây là hoa văn trên trang phục của người Ainu, phần nhọn của hoa văn được gọi là Aiushi và phần tròn của hoa văn là Moreu. Người Ainu thêu hoa văn trên cổ tay áo và gấu quần để tránh những điều xấu do ma quỷ mang lại như bệnh tật” - ông Masaki, chủ cửa hàng cho biết.

v
v
v
v
Những hình ảnh trong hành trình khám phá làng Ainu của Nhật Bản. Ảnh: MCV.

Ông Takiguchi Kengo, một nghệ nhân khắc gỗ, người hiểu biết về văn hoá, thực vật xoay quanh người Ainu và luôn nỗ lực truyền bá văn hoá Ainu đến thế giới cũng nói thêm về loại hoa văn đặc biệt này: “Từ thời không có biên giới quốc gia, tôi cho rằng có sự cạnh tranh giữa các dân tộc để xem ai là chủ nhân của loại hoa văn này vì nhiều dân tộc vùng Okhotsk (vùng biển phía Tây Bắc Thái Bình Dương) cũng ở hữu những hoa văn dạng xoắn như thế này”.

Qua lời hướng dẫn của ông Takiguchi Kengo, khán giả được biết người Ainu làm tơ sợi từ lớp vỏ cây. Giải thích cho chiếc túi dệt thưa trên tay Minh Dũng, Hiền Shino chia sẻ: “Chiếc túi này là người Ainu cố tình dệt sợi thưa như vậy, bất cứ đồ vật nào để trong giỏ bị rớt xuống thì có nghĩa chúng là của thần, được lựa chọn để trở về với đất mọc thành cây và mang lại nhiều hạt hơn cho họ”. Được biết, từ xa xưa người Ainu luôn cố gắng để đưa ra những sáng kiến sử dụng tài nguyên bền vững nên thiên nhiên xung quanh luôn được bảo tồn toàn diện.

Tại nhà hàng truyền thống Poronno, khán giả được khám phá quy trình làm bánh Potce Pizza, một loại bánh kết hợp giữa nguyên liệu truyền thống và món ăn hiện đại.

Điểm đến tiếp theo của hành trình là làng Nibutani ở thị trấn Biratori, Hiền Shino và Minh Dũng đưa khán giả đến khám phá ngôi nhà truyền thống được làm thủ công và bảo tàng văn hoá Ainu. Tại đây, khán giả được chiêm ngưỡng những đồ vật lịch sử đặc biệt của dân tộc Ainu được lưu giữ đến ngày nay: giày được làm từ da cá hồi, giày được làm từ lòng bắp chân hươu, vải dệt Attus,....

Lần theo những dấu vết từ bảo tàng dân tộc Ainu, hai người bạn trẻ đã đưa khán giả tìm đến xưởng dệt của nghệ nhân Yukiko Kaizawa - người đã dệt Attus trong 60 năm, đạt giải thưởng Văn hoá dành cho uỷ viên phụ trách văn hoá và giải thưởng Văn hoá Hokkaido cho việc quảng bá văn hoá Ainu, để tìm hiểu về quá trình kiên nhẫn của người thợ dệt để cho ra đời loại vải truyền thống Attus từ việc đun sôi và làm mềm vỏ cây rồi tách thành từng sợi nhỏ để dệt thành một bộ trang phục hoàn chỉnh.

Khoác lên người bộ trang phục của dân tộc Ainu, cô nàng xinh đẹp Hiền Shino và anh chàng Minh Dũng cho biết hạnh phúc khi được học kỹ thuật thêu Ohokar - một kỹ thuật khá giống mũi thêu móc xích của Việt Nam và tự tay làm ra chiếc bùa may mắn cho chính mình dưới sự giúp đỡ của nghệ nhân Takano Keiko.

DI PY
TIN LIÊN QUAN

Những nhà vệ sinh độc lạ đến khó tin chỉ có ở Nhật Bản

Chí Long |

Nhật Bản đang nâng tầm các tiện ích công cộng thành những công trình kỳ quan về kiến ​​trúc, công nghệ và thẩm mỹ, từ đó biến chúng thành các "điểm đến".

Khám phá sự thần bí trong trang phục của Ninja của Nhật Bản

DI PY |

Trải nghiệm khoá huấn luyện khắc nghiệt để trở thành Ninja, Hiền Shino phải vượt qua những cung đường cheo leo, hiểm trở. Cô bất ngờ khi biết rằng Ninja không dùng phi tiêu, mà vốn quen dùng đá lở làm phương tiện chiến đấu.

Lý do CĐV Nhật Bản tình nguyện nhặt rác tại sân vận động World Cup

Thúy Ngọc |

Fan World Cup 2022 ấn tượng khi CĐV Nhật Bản thu dọn rác do người khác để lại trên khán đài, lý giải rằng đây là thói quen bình thường.