Ninh Bình có những lễ hội Xuân đặc sắc nào?

DIỆU ANH |

Ninh Bình - Là địa phương có nhiều lễ hội thu hút du khách, đặc biệt là vào dịp đầu Xuân năm mới, du khách đến với Ninh Bình không những được đắm mình trong cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp mà còn được trải nghiệm không gian xưa cũ, đậm nét truyền thống của các lễ hội.

Lễ hội Chùa Bái Đính

Mở đầu cho những lễ hội Xuân đặc sắc ở Ninh Bình, lễ hội Chùa Bái Đính chính thức khai hội vào ngày mùng 6 tháng Giêng và kéo dài cho đến hết tháng 3 âm lịch hằng năm.

Lễ hội Chùa Bái Đính được tổ chức tại Chùa Bái Đính (xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, Ninh Bình). Chùa Bái Đính cổ được xây dựng cách đây hàng nghìn năm, là một trong những danh lam nổi tiếng của vùng đất Cố đô. Mặc dù đã trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử nhưng chùa Bái Đính cổ vẫn được tăng ni, tín đồ phật tử và nhân dân trân trọng, gìn giữ cho đến ngày nay.

Chùa Bái Đính được mở rộng, xây dựng mới, trở thành biểu trưng của giá trị văn hóa, đạo đức, trung tâm tâm linh, tín ngưỡng hoằng pháp, là nơi thỏa nguyện yêu cầu tín ngưỡng tâm linh của đông đảo tín đồ phật tử; đồng thời là minh chứng về sự quan tâm đến quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta.

Lễ rước nước - nghi lễ quan trọng trong Lễ hội chùa Bái Đính (Ninh Bình). Ảnh: NT
Lễ rước nước - nghi lễ quan trọng trong Lễ hội chùa Bái Đính (Ninh Bình). Ảnh: NT

Từ nhiều năm nay, cứ vào mùng 6 tháng Giêng hàng năm, chùa Bái Đính lại đón hàng nghìn tăng ni, phật tử cùng du khách thập phương về trẩy hội, chiêm bái, lễ phật, cầu nguyện cho năm mới an khang thịnh vượng, quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa.

Lễ hội Hoa Lư

Lễ hội Hoa Lư là lễ hội lớn nhất tỉnh Ninh Bình và được công nhận là lễ hội truyền thống cấp quốc gia vào năm 2015. Lễ hội Hoa Lư diễn ra từ ngày 8 - 10.3 âm lịch, tại xã Trường Yên, huyện Hoa Lư. Lễ hội được tổ chức để tưởng nhớ công lao to lớn của Vua Đinh Tiên Hoàng và Vua Lê Đại Hành.

Phần lễ gồm hai nghi lễ trang nghiêm là lễ rước nước và lễ tế. Ngoài ra, tham dự lễ hội, du khách còn được tham gia các hoạt động của phần hội với các trò chơi dân gian như: Đánh cờ người, đua thuyền, kéo co, chọi gà, đu bay, thi đấu các môn thể thao...

Lễ Tiến phẩm - một trong những nghi lễ quan trọng tại Lễ hội Hoa Lư. Ảnh: NT
Lễ Tiến phẩm - một trong những nghi lễ quan trọng tại Lễ hội Hoa Lư. Ảnh: NT

Lễ hội đền Đức Thánh Nguyễn 

Lễ hội đền Thánh Nguyễn diễn ra từ ngày 8 - 10.3 âm lịch hàng năm. Trong phần lễ chính có tục rước nước từ sông Hoàng Long về đền; tế lục khúc, tế nam quan, nữ quan... phần hội có tổ chức các trò chơi dân gian kéo co, cờ 32 quân, chọi gà, thi bóng chuyền, bóng đá.

Lễ hội được tổ chức nhằm tưởng nhớ công lao của đức Thánh Nguyễn Minh Không, ông được triều đình nhà Lý phong là Lý Quốc Sư (vị cao tăng có chức vị đứng đầu triều nhà Lý trong lịch sử Việt Nam). Ông có nhiều công lớn trong việc chữa bệnh cho vua Lý và nhân dân. Ngoài ra, ông còn có công tìm hiểu kỹ thuật nung, pha chế đồng để phục hưng nghề đúc đồng - tinh hoa của nền văn minh Đông Sơn - văn minh Việt cổ.

Ông đã được người dân tôn vinh là Đức Thánh Nguyễn. Đền thờ Đức Thánh Nguyễn là một ngôi đền cổ thuộc làng Điềm, phủ Tràng An xưa (nay thuộc hai xã Gia Thắng, Gia Tiến, huyện Gia Viễn, Ninh Bình).

Lễ hội đền Thái Vi 

Đền Thái Vi ở thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư. Đền thờ 4 vị vua đời Trần là Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông và Hiển Từ Hoàng Thái Hậu. Lễ hội được tổ chức để tưởng nhớ công ơn của các vị vua Trần, đặc biệt là vua Trần Thái Tông- người đã có công chiêu dân lập ấp ở xã Ninh Hải.

Lễ hội thường được diễn ra từ ngày 14 - 16.3 âm lịch hàng năm. Sáng ngày 15.3 âm lịch là ngày chính hội, các đồ tế khí được mang ra, lau chùi sạch sẽ, rước đặt ở sân rồng cùng các lễ vật khác: một chiếc bánh dày to bằng một chiếc mâm, trên bánh có vẽ hình một con chim phượng hoàng rất đẹp. Ngoài ra lễ vật còn có hoa quả, oản chuối, thủ lợn, gà luộc, xôi...

Đặc biệt là xôi phải trắng tượng trưng cho sự thanh bạch, cao khiết. Nhân dân còn cúng lên vua một bát cơm gạo tám và một bát canh rau sắng (rau vi) bởi lẽ trước kia, khi vua Trần Thái Tông tới đây thì xung quanh khu vực đền là những rừng rau sắng tốt tươi.

Lễ hội Tràng An 

Được tổ chức vào ngày 18.3 âm lịch hàng năm, lễ hội Tràng An (lễ hội Đức Thánh Quý Minh Đại Vương). Đây là một trong những lễ hội truyền thống độc đáo của Ninh Bình, bởi nó diễn ra trong không gian của những thung nước trong xanh, những hang động lung linh kỳ ảo và giữa bốn bề núi non hùng vĩ...

Đức thánh Quý Minh Đại Vương, theo truyền thuyết dân gian, là một trong ba anh em - ba vị tướng đã được phong Thánh (Đức thánh Tản Viên, Đức thánh Cao Sơn và Đức thánh Quý Minh), là người có công trấn ải Sơn Nam, bảo vệ đất nước thời vua Hùng Duệ Vương (tức Hùng Vương thứ 18). Ngài là một "thượng đẳng thần", được các triều vua qua nhiều triều đại ban chiếu sắc phong, được nhân dân khắp nơi thờ phụng, trở thành Thành hoàng làng ở nhiều nơi.

DIỆU ANH