"Tầm nhìn biển" được khắc lên đá núi Ngũ Hành Sơn từ thế kỷ XVIII

Thanh Hải |

Đầu tháng 3.2023, UBND TP.Đà Nẵng đã tổ chức lễ đón nhận bằng công nhận Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Di sản là tập hợp 78 văn bia, bi ký, thơ tự bằng chữ Hán, Nôm chạm khắc trên vách đá bia đá, hang động tại danh thắng Ngũ Hành Sơn từ nửa đầu thế kỷ XVII đến thế kỷ XX. Ngoài những giá trị về văn hóa, lịch sử, nội dung khắc trên đá còn thể hiện tầm nhìn chiến lược biển của cha ông từ thời Nguyễn...

Những ký sử độc đáo

Ông Phạm Tấn Xử - Giám đốc Sở VHTT TP.Đà Nẵng khẳng định, Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn là những dương bản duy nhất hiện còn lưu lại ở trên các vách đá. Tuy các văn khắc được hình thành vào các thời điểm khác nhau và nội dung cũng như hình thức đều khác nhưng chưa hề có tư liệu nào đề cập đến việc thay đổi, chỉnh sửa hay làm mới về hình thức cũng như nội dung.

Tính xác thực còn thể hiện ở việc các tư liệu này do chính các vị vua chúa triều Nguyễn, danh thần, tăng sư sáng tác, với thân thế con người, niên hiệu cụ thể, được ghi lại trong các bộ sử, địa lý của Quốc sử quán triều Nguyễn như Châu bản triều Nguyễn, Đại Nam Dư địa chí ức biên, Đại Nam Liệt truyện...

Đây là nguồn tư liệu độc đáo, quý hiếm, không thể thay thế, được giới nghiên cứu Việt Nam và nước ngoài rất quan tâm bởi nó mang hệ giá trị trên nhiều mặt: Lịch sử, địa lý, văn học, nghệ thuật, tôn giáo, ngôn ngữ, văn hóa - giáo dục. Những di sản này lưu trữ những "ký ức" về các mối quan hệ giao lưu, tiếp xúc kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội của Việt Nam với các quốc gia trong khu vực trên tuyến đường hàng hải cũng như vị thế, vai trò của người phụ nữ Việt Nam trong các cuộc hôn nhân quốc tế ở thế kỷ XVII dưới thể loại văn học của các vị vua, quan triều Nguyễn, cao tăng, tri thức...

Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng - ông Huỳnh Đình Quốc Thiện cho biết, từ lâu, danh thắng Ngũ Hành Sơn đã được bảo vệ đặc biệt, được quản lý trực tiếp bởi Ban quản lý di tích danh thắng, trực thuộc UBND quận Ngũ Hành Sơn và chịu quản lý về mặt chuyên môn của Sở VHTT TP. Đà Nẵng.

"Công tác quản lý di sản này đã được UBND TP. Đà Nẵng quan tâm từ những năm 1990 với các quyết định quan trọng cấm khai thác đá núi (1991), thành lập đội bảo vệ di tích Ngũ Hành Sơn (1992), thành Ban Quản lý di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn (2000), đồng thời cũng ban hành các quy chế quản lý di tích nói chung (năm 2007 và 2020), bộ quy tắc ứng xử trong du lịch tại di tích bằng hình ảnh (2017)..." - ông Thiện nói.

Những văn bản khắc trên vách núi, bia đá tại khu danh thắng Ngũ Hành Sơn.  Ảnh: Ánh Dương
Những văn bản khắc trên vách núi, bia đá tại khu danh thắng Ngũ Hành Sơn. Ảnh: Ánh Dương

Tầm nhìn chiến lược biển của cha ông

Theo các nhà nghiên cứu, di sản tư liệu này có giá trị trên nhiều phương diện, phản ánh nhiều mặt của đất nước Việt Nam dưới thời phong kiến như lịch sử, địa lý, văn học, nghệ thuật, tôn giáo, ngôn ngữ, văn hóa - giáo dục. Đặc biệt, từ nội dung bia khắc đá có thể tìm hiểu về ngoại giao văn hóa và kinh tế của Việt Nam - Trung Quốc - Nhật Bản; giao lưu hàng hải khu vực Châu Á - Thái Bình Dương từ thế kỷ XVII...

Những văn bản khắc đá ở danh thắng Ngũ Hành Sơn đã vượt ra ngoài ranh giới của một quốc gia, là di sản tư liệu quan trọng đối với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và thế giới. Nó đặc trưng cho giao lưu, tiếp xúc và tiếp biến văn hóa giữa các nước Đông Á, biểu hiện cho tầm nhìn chiến lược biển, chính sách ngoại giao rộng mở, mềm dẻo của Việt Nam từ thời trung đại được kế thừa cho tới ngày hôm nay.

Theo ông Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Hội sử học TP. Đà Nẵng, từ quá khứ cho đến hiện tại, Đà Nẵng luôn là một địa phương có vị trí địa kinh tế, địa chiến lược quan trọng của Việt Nam. Trong lịch sử thăng trầm của dân tộc, Đà Nẵng luôn là mảnh đất đầu sóng ngọn gió.

Từ năm 1858, trên chiến thuyền viễn chinh, người Pháp đã nổ phát súng đầu tiên vào Đà Nẵng, mở đầu cuộc chiến đô hộ Việt Nam gần 100 năm. Rồi năm 1965, những gót giày đầu tiên của thuỷ quân lục chiến Mỹ cũng đạp lên bờ biển Xuân Thiều, Đà Nẵng, bắt đầu cho cuộc xâm lược Việt Nam. Không chỉ là vị trí chiến lược mang tính yết hầu về quân sự, Đà Nẵng còn là thành phố cảng quan trọng trong việc phát triển kinh tế.

Chính vì vậy, từ thời vua Minh Mạng, khi đất nước bị "nhòm ngó", vua đã chọn vị trí đứng để cảnh giới, giữ gìn biên cương là trên đỉnh hòn Mộc sơn, Ngũ Hành Sơn để đặt vọng hải đài (1837). Đây là một trong những bia khắc đá, là trong nhóm các ký tích được công nhận di sản hiện nay, cũng chính là tầm nhìn chiến lược biển từ thời kỳ đó.

Thanh Hải