Về thăm đền Hùng linh thiêng ngày Giỗ Tổ

Vân Anh (Ảnh: Khu Di tích Lịch sử Đền Hùng) |

Hàng năm mỗi dịp Giỗ Tổ Hùng Vương người dân khắp mọi miền đất nước đều mong mỏi được về dâng hương ở đền Hùng tưởng nhớ về cội nguồn dân tộc.

Đền Hùng từ lâu đã được biết đến là một điểm đến tâm linh của mọi người con đất Việt. Trong tâm thức của người con đất Việt, vùng đất Tổ là cái nôi và cội nguồn của cộng động các dân tộc Việt Nam, vì thế người khắp nơi đổ về đây mỗi dịp Giỗ Tổ đều mong muốn được bày tỏ tấm lòng thành kính, biết ơn của thế hệ sau đến với các bậc tiền bối đã vất vả gây dựng nên non nước này.

Du khách thập phương trở về đền Hùng nhân ngày Giỗ Tổ. Ảnh: LĐO.
Du khách thập phươngvề đền Hùng nhân ngày Giỗ Tổ. Ảnh: LĐO

Đền Hùng được dựng trên núi Nghĩa Lĩnh có độ cao 175m, giữa đất Phong Châu, từ 40.000 năm trước, nay là thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Đến nay Di tích Lịch sử đền Hùng là nơi thờ các vị vua Hùng đã có công dựng nước, tổ tiên của dân tộc Việt Nam ta, nằm trên diện tích hơn 1.000 ha. Toàn bộ khu di tích có 4 đền, 1 chùa và 1 lăng hài hoà trong cảnh thiên nhiên, có địa thế cao rất ngoạn mục, hùng vĩ, đất đầy khí thiêng của sơn thuỷ hội tụ.

Đền Hùng cách trung tâm thành phố Việt Trì khoảng 7km, và cách Hà Nội 90km. Từ thủ đô du khách có thể đến đền Hùng bằng đường bộ theo quốc lộ 2 và mất hơn 1 giờ đồng hồ di chuyển để về đến Phú Thọ.

Các địa điểm du lịch tham quan tại Đền Hùng bao gồm:

Cổng đền

Cổng chính lối lên đền Hùng.
Cổng Đền Hùng được trang trí theo lối kiến trúc mái vòm, trên nóc có trang trí họa tiết lưỡng long chầu nguyệt.

Cổng Đền Hùng được xây dựng vào năm vua Khải Định thứ 2 (năm 1917) theo dạng vòng cuốn. Cổng cao 8,5m bao gồm 2 tầng và 8 mái, lợp giả ngói ống. Tầng dưới có một cửa vòm cuốn lớn, đầu cột trụ cổng tầng trên có cửa vòm nhỏ hơn, 4 góc tầng mái trang trí Rồng, đắp nổi hai con Nghê. Giữa cột trụ và cổng đắp nổi phù điêu hai võ sĩ, một người cầm giáo, một người cầm rìu chiến, mặc áo giáp, ngực trang trí hổ phù. Giữa tầng một có đề bức đại tự: “Cao sơn cảnh hành” là Lên núi cao nhìn xa rộng. Còn có người dịch là “Cao sơn cảnh hạnh” nghĩa là Đức lớn như núi cao. Mặt sau cổng đắp hai con hổ là hiện thân vật canh giữ thần.

Đền Hạ

Theo tương truyền, đền Hà là nơi mẹ Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng, nguồn gốc của dân tộc ta ngày nay. Dấu tích giếng “Mắt Rồng” là nơi mẹ Âu Cơ ấp trứng nằm ở phía sau đền. Đền được xây dựng vào cuối thế kỉ XVII đầu thế kỉ XVIII, với kiến trúc đơn sơ, không có quá nhiều họa tiết trang trí hay điêu khắc.

Đền Hạ được coi là nơi vết tích “mắt rồng” – nơi Mẹ ấp trứng hiện vẫn còn ở ngay sau Đền.
Đền Hạ được coi là dấu tích nơi Mẹ Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng hiện vẫn còn ở ngay sau Đền.

Ngay chân Đền Hạ là Nhà bia với kiến trúc hình lục giác, có 6 mái. Trong nhà bia trước đây đặt tấm bia ghi lại việc tu sửa đường lên núi Hùng, hiện nay đặt bia đá, nội dung ghi lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm Đền Hùng ngày 19/9/1945:

“Các Vua Hùng đã có công dựng nước

Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”

Chùa Thiên Quang

Gần Đền Hạ có một ngôi chùa, xưa có tên là Sơn cảnh thừa long tự, sau đổi là Thiên Quang thiền tự, thờ Phật theo phái Đại thừa. Trước cửa chùa có cây thiên tuế 3 ngọn khoảng 800 tuổi, là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói chuyện với cán bộ và chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong trước khi về tiếp quản thủ đô Hà Nội.

Thiên Quang thiền tự nơi có cây
Thiên Quang thiền tự nơi có cây thiên tuế 3 ngọn tương trưng cho 3 miền Bắc - Trung - Nam.

Chùa có một gác chuông được xây dựng vào thế kỷ XVII. Trên gác chuông có treo quả chuông không ghi niên đại nhưng khác dòng chữ: “Đại Việt quốc, Sơn Tây dạo Lâm Thao phủ, Sơn Vi huyện, Hy Cương xã, Cổ Tích thôn cư phụng”. Qua đó có thể đoán quả chuông được đúc thời Hậu Lê. Hiện trong chùa còn giữ 32 pho tượng Phật bằng gỗ được sơn son thiếp vàng.

Đền Trung (Hùng Vương Tổ miếu)

Cây đại hơn 200 năm tuổi trên lối vào Đền Trung.
Cây đại hơn 200 năm tuổi trên lối vào Đền Trung. Ảnh: Báo Phú Thọ.

Tương truyền là nơi các Vua Hùng cùng các Lạc hầu, Lạc tướng du ngoạn ngắm cảnh thiên nhiên và họp bàn việc nước. Đây cũng là nơi vua Hùng thứ 6 đã nhường ngôi cho Lang Liêu - người con hiếu thảo vì đã có công làm ra bánh chưng, bánh dày. Đền được xây theo kiểu hình chữ nhất, có 3 gian quay về hướng nam, dài 7,2m, rộng 3,7m. Mái hiên cao 1,8m, không có cột kèo, cầu quá giang gối vào tường, bít đốc tường hậu, phía trước mở 3 cửa.

Đền Thượng

Đền Thượng được đặt trên đỉnh núi Hùng. Tương truyền rằng thời Hùng Vương, Vua Hùng thường lên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh để làm lễ cầu các vị thần cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhân khang vật thịnh. Trên đỉnh núi này cũng là nơi vùng Hùng thứ 6 lập đàn cầu trời ban cho người tài ra giúp nước đánh giặc Ân. Sau khi Thánh Gióng đánh tan giặc và bay về trời, vua Hùng cho lập đền thờ vọng trên đỉnh núi, về sau, nhân dân đặt thêm bài vị vua Hùng vào thờ cúng. Đền Thượng có tên chữ là “Kính thiên lĩnh điện” (Điện cầu trời) còn có tên là “Cửu trùng tiên điện” (Điện giữa chín tầng mây). Trong Đền Thượng có bức đại tự đề “Nam Việt triệu tổ” nghĩa là Tổ khai sáng nước Việt Nam. Đền được làm kiểu chữ Vương, kiến trúc đơn giản, kèo cầu, không có chạm trổ.

Đền Thượng là nơi diễn ra nghi lễ Dâng hương Giỗ Tổ vào mùng 10 tháng 3 hằng năm.
Đền Thượng là nơi diễn ra nghi lễ Dâng hương Giỗ Tổ vào mùng 10 tháng 3 Âm lịch hằng năm.

Bên phía tay trái Đền có một cột đá thề, tương truyền do Thục Phán dựng lên khi được Vua Hùng thứ 18 truyền ngôi để thề nguyện bảo vệ non sông đất nước mà Hùng Vương trao lại và đời đời hương khói trông nom miếu vũ họ Vương. Cột đá cao 1,3m, rộng 0,3m, hình vuông. Đến năm 1968, Ty Văn hoá Vĩnh Phú tôn tạo lên bệ như hiện nay.

Lăng Hùng Vương

Lăng Hùng Vương tương truyền là mộ của Vua Hùng thứ 6. Lăng mộ nằm ở phía đông Đền Thượng, có vị trí đầu đội sơn, chân đạp thủy, mặt quay theo hướng Đông Nam. Xưa là mộ đất, thời Tự Đức năm thứ 27 (1870) cho xây mộ dựng lăng, đến năm 1922 trùng tu lại.

Lăng Hùng Vương
Được cho là lăng mộ của đời vua thứ 6, nằm phía đông đền Thượng, Lăng Hùng Vương có diện tích khá khiêm tốn trong khu Di tích Lịch sử Đền Hùng.

Lăng hình vuông, cột liền tường, có đao cong 8 góc, tạo thành 2 tầng mái. Tầng dưới 4 góc đắp 4 con rồng tư thế bò, tầng trên đắp rồng uốn ngược, đỉnh lăng đắp hình “quả ngọc” theo tích “cửu long tranh châu”. Mái đắp ngói ống, cổ diêm, 3 phía đều đắp mặt hổ phù. Ba mặt Tây, Đông, Nam đều có cửa vòm, 2 bên cửa đều đắp kỳ lân, xung quanh có tường bao quanh, trang trí hoa, chất liệu bằng đá. Trong lăng có mộ Vua Hùng có bia đá ghi: Biểu chính tức là Lăng chính. Phía trên ba mặt lăng đều có đề: Hùng Vương lăng.

Đền Giếng

Giếng ở bên trong hậu cung của đền Giếng, bốn mùa nước trong mát, không bao giờ cạn.
Giếng ở bên trong hậu cung của đền Giếng, bốn mùa nước trong mát, không bao giờ cạn.

Dân gian kể lại rằng, hai công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa (con gái của đời vua Hùng thứ 18) thường soi gương và buộc tóc khi theo cha đi công tác qua vùng này. Hai bà có công dạy người dân trồng lúa nước và điều chế nước nên người dân lập đền thờ phụng muôn đời.

Có tên chữ là Ngọc Tỉnh, đền được xây dựng vào thế kỷ XVIII, hướng Đông Nam, kiến trúc kiểu chữ công. Công đền có kiến trúc 2 tầng 8 mái, tầng dưới có cửa xây kiểu vòm, hai bên cột trụ lắp nghê chầu. Tầng trên giữa cổng có bức đại tự đề: “Trung sơn tiểu thất” nghĩa là Ngôi miếu nhỏ trong núi. Hai bên cổng có đề câu đối và tượng hai võ sỹ. Mặt sau cổng đắp hổ, mỗi con một bên.

Đền Tổ mẫu Âu Cơ

 
Để lên đến Đền Tổ Mẫu Âu Cơ đồng bào và du khách sẽ leo 553 bậc đá qua Tam quan, trụ biểu, nhà bia, lên tới đền chính.

Đền Tổ mẫu Âu Cơ được khởi công xây dựng vào năm 2001 và hoàn thành vào tháng 12 năm 2004. Đền Tổ Mẫu Âu Cơ được xây dựng trên núi Ốc với lối kiến ​​trúc truyền thống, cổ điển. Chính điện có diện tích 137m2, được xây dựng theo kiểu chữ Đinh.

Trong đền có tượng thờ Mẹ Âu Cơ và hai Lạc hầu, Lạc tướng. Đường đi lên đền được xây bằng 553 bậc đá Hải Lựu. Bên cạnh ngôi đền chính là nhà Tả vũ, nhà Hữu vũ, nhà Bia, Trụ biểu, Tứ trụ, cổng Tam quan, nhà tiếp khách và hoa viên.

Bảo tàng Hùng Vương

Hiện vật trong Bảo tàng Hùng Vương.
Hiện vật trong Bảo tàng Hùng Vương.

Việc xây dựng Bảo tàng Hùng Vương bắt đầu vào năm 1996 và hoàn thành vào ngày khai mạc Lễ hội Đền Hùng năm 2003. Với gần 700 hiện vật gốc trên tổng số hơn 4.000 hiện vật có trong Bảo tàng, 162 bức ảnh, 4 bức tranh gốm, 5 bức tranh sơn mài, 9 bức gò đồng, 5 hộp hình, một nhóm tượng lớn và nhiều hiện vật khác được trưng bày đã khắc hoạ chủ đề tổng quát: “Các Vua Hùng dựng nước Văn Lang trên mảnh đất Phong Châu lịch sử”.

Đền Hùng vừa là thắng cảnh đẹp, vừa là một di tích lịch sử - văn hóa đặc biệt quan trọng đối với người Việt Nam. Về với Đền Hùng là về với cội nguồn dân tộc, để tự hào về dòng giống tiên rồng đang chảy trong huyết mạch của mỗi người dân Việt Nam!

Các hoạt động chính dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay

Ngày giỗ Tổ Hùng Vương diễn ra vào ngày mùng 10 tháng 3 Âm lịch hằng năm tại đền Hùng. Năm nay ngày giỗ Tổ Hùng Vương, mùng 10 tháng 3 Âm lịch diễn ra vào 29.4 Dương lịch, sát dịp nghỉ lễ 30.4 và 1.5.

Lễ giỗ Tổ và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm 2023 được tổ chức từ ngày 20 đến 29.4, với nhiều hoạt động vui chơi chào đón du khách.

Phần lễ (tại khu Di tích Lịch sử đền Hùng)

Ngày 20 đến 29.4: Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Ngày 25.4: Lễ giỗ Đức Quốc tổ Lạc Long Quân và dâng hương tưởng niệm Tổ mẫu Âu Cơ.

Ngày 29.4 (từ 8h): Lễ dâng hương giỗ Tổ Hùng Vương.

Phần hội

20h ngày 21.4: Khai mạc Lễ hội đền Hùng và Tuần văn hóa Du lịch đất Tổ 2023 tại quảng trường Hùng Vương, thành phố Việt Trì.

19h30-22h ngày 22-24.4: Liên hoan trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi tại quảng trường Hùng Vương.

Ngày 23.4: Giải bơi chải và trình diễn ván chèo đứng trên hồ Công viên Văn Lang, thành phố Việt Trì.

Ngày 24 đến 30.4: hát Xoan, dân ca Phú Thọ tại sân Trung tâm lễ hội, khu Di tích lịch sử đền Hùng và tổ chức Hội trại Văn hóa tại khu núi Phú Bùng.

Ngày 25 đến 29.4: Liên hoan Văn hóa Ẩm thực Đất Tổ tại Khu dịch vụ ngã 5 Đền Giếng - khu DTLS đền Hùng.

Ngày 20 đến 29.4: Trưng bày tư liệu, hình ảnh, hiện vật và tín ngưỡng thời đại Hùng Vương tại bảo tàng, thuộc khu Di tích Lịch sử.

Ngoài ra, tỉnh Phú Thọ còn tổ chức các hoạt động khác nằm trong khuôn khổ Giỗ Tổ gồm: trình diễn hát Xoan phục vụ khách du lịch tại miếu Lãi Lèn, đình An Thái, đình Hùng Lô (20-29.4), chương trình âm nhạc đường phố, trình diễn trang phục áo dài và xác lập kỷ lục "Non sông gấm vóc" (22.4) tại công viên Văn Lang, hội thi gói và nấu bánh chưng, bánh giày (ngày 27.4) tại khu Di tích Lịch sử.


Vân Anh (Ảnh: Khu Di tích Lịch sử Đền Hùng)
TIN LIÊN QUAN

Độc đáo văn hóa, đặc sản dân tộc tại hội trại Đền Hùng

Trọng Lộc |

Đến với Lễ hội Đền Hùng - Giỗ Tổ Hùng Vương, du khách thập phương được chiêm ngưỡng hội trại văn hoá đa sắc màu của 13 huyện, thị, thành phố.

5 sự kiện lớn tại Lễ hội Đền Hùng, Tuần Văn hoá - Du lịch đất Tổ 2023

TAM NGUYÊN |

Dự kiến có khoảng 8 triệu du khách đến tham dự Lễ hội Đền Hùng, Tuần Văn hoá - Du lịch đất Tổ năm 2023.

Không gian nổi bật ở lễ hội đền Hùng qua các năm

Vân Hoa |

Vào dịp tháng 3 hàng năm, những người con đất Việt lại về với lễ hội đền Hùng như một hành trình trở về nguồn cội dân tộc linh thiêng. Trong những ngày này, nhiều hoạt động được tổ chức như rước kiệu truyền thống, thi hát xoan, thi giã bánh giầy, gói bánh chưng… được phục dựng.