Mùa dã quì khoe sắc trên núi lửa Chư Đăng Ya

Phạm Ly |

Miệng núi lửa Chư Đăng Ya thuộc địa phận xã Chư Đăng Ya (Chư Păh, Gia Lai), cách trung tâm thành phố Pleiku khoảng 30 km. Khi thời tiết phố núi bước vào khoảng thời gian dễ chịu nhất trong năm cũng là lúc những vạt hoa dã quì bung nở mạnh mẽ trên sườn núi Chư Đăng Ya.

Miệng núi lửa Chư Đăng Ya được hình thành cách đây hàng triệu năm nay dấu tích còn lại của núi lửa nhìn từ trên cao giống như một lòng chảo lớn.

Dòng nham thạch phun trào đã làm nên một vùng đất bazan màu mỡ bốn bề quanh chân núi. Nơi đây đã trở thành nơi cư trú của một cộng đồng người Jrai thuộc buôn Plơi Iagri, quanh năm họ sinh sống nhờ vào canh tác các loại cây lương thực như lúa nước, khoai lang, khoai môn, bí đỏ, dong riềng… Sống giữa thiên nhiên trù phú, con người bản địa ở đây rất hiếu khách và luôn nhiệt tình chỉ dẫn cho mọi người khám phá vẻ đẹp Chư Đăng Ya.

 
Vùng trũng phì nhiêu dưới chân núi Chư Đăng Ya. Ảnh: Chu Thế Dũng 

Đầu tháng 11, trời Tây Nguyên dứt hẳn những cơn mưa cuối mùa, sương sớm giăng mắc qua những đồi chè, rừng cao su, cà phê cũng là lúc những cánh hoa dã quỳ nở rộ trên khắp các nẻo đường mù bụi đất đỏ. Trong khi các loại cây khác dần trở nên khô quắt dưới gió hanh thì bạt ngàn hoa dã quỳ lại vươn mình mạnh mẽ, tỏa sắc vàng mê đắm.

 
Đường lên lòng chảo Chư Đăng Ya. Ảnh: Chu Thế Dũng 

Hoa dã quỳ với nhiều tên gọi như cúc quỳ, sơn quỳ hay hướng dương dại. Nó được coi như một biểu tượng của vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ bởi trước đây khi đất đai để hoang còn nhiều,  trên những triền đồi hoa dã quì bung nở trải dài đến mút tầm mắt. Chính vì vậy, hoa dã quỳ mọc ở lòng chảo Chư Đăng Ya trở nên đặc biệt vì vẫn giữ được những vẻ đẹp tự nhiên trong âm vang rừng núi hoang dã.

 
Mùa thu ở Gia Lai là lúc nhiều loại hoa cỏ dại bung nở. Ảnh: Chu Thế Dũng

Việc canh tác các loại cây trồng quanh sườn núi Chư Đăng Ya cũng đã làm nên một vẻ đẹp “xanh” đầy sức sống cho vùng đất này. Nhìn xuống từ đỉnh núi, các thửa đất được chia vuông vắn và nhuộm những sắc xanh, vàng tự nhiên của các loại cây cung cấp lương thực cho người dân địa phương.

 
Khung cảnh buôn làng yên bình phía dưới chân Chư Đăng Ya. Ảnh: Chu Thế Dũng 

Khi hoa dã quì khoe sắc cũng là lúc rất nhiều hoa cỏ dại bung nở trên cao nguyên Pleiku như cỏ hồng, hoa cỏ mĩ, hoa muồng đen… trước khi các loại thực vật dần khô héo và bước vào sáu tháng mùa khô khắc nghiệt.

Đầu tháng 12/2017 vừa qua, Gia Lai đã lần đầu tiên tổ chức Lễ hội Hoa dã quỳ với tên gọi “ Lễ Hội Hoa Dã Quỳ - Núi Lửa Chư Đăng Ya 2017” và đang tiếp tục hướng tới một mùa Lễ hội Hoa dã quỳ trong mùa thu 2018.

Phạm Ly