Theo tin từ Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, có 5 điểm tham quan được triển khai gồm: Đại Nội, Minh Mạng, lăng vua Tự Đức, lăng vua Khải Định và chùa Thiên Mụ.
Mức kinh phí đầu tư ban đầu cho hệ thống thuyết minh này dự kiến khoảng 17 tỷ đồng, từ nguồn xã hội hóa. Và điều đặc biệt là dịch vụ này hoạt động hoàn toàn không xung đột và ảnh hưởng đến mô hình hướng dẫn – thuyết minh truyền thống đang được tổ chức tại Quần thể Di tích Cố đô Huế.
Ngoài tiếng Việt, những nội dung thuyết minh được chuyển dịch ra 11 ngôn ngữ khác, gồm: Anh, Pháp, Trung, Nhật, Hàn, Thái, Đức, Tây Ban Nha, Nga, Ý và Bồ Đào Nha.
Đây là dịch vụ rất phù hợp để đáp ứng được nhu cầu đa dạng của du khách, nhất là những khách quốc tế đi lẻ và khách sử dụng ngôn ngữ hiếm mà lực lượng hướng dẫn – thuyết minh tại điểm chưa đáp ứng được.
Tại Đại Nội, gói thuyết minh tự động có thời lượng từ 150-180 phút, chùa Thiên Mụ 40 phút, các điểm còn lại như lăng vua Khải Định, lăng vua Tự Đức và lăng vua Minh Mạng dài 60 phút.
Riêng Đại Nội do có diện tích rộng và nhiều công trình kiến trúc nên sẽ có ba gói thuyết minh tự động dành riêng. Theo đó, khách vào Đại Nội cả ngày, khách vào một buổi hay khách chỉ có một thời gian ngắn cho khu di sản này, đều có thể chọn lựa gói thuyết minh tự động phù hợp.
Ở Việt Nam, hiện nhiều điểm tham quan trong nước triển khai ứng dụng công nghệ hỗ trợ việc thuyết minh tự động. Ở Hà Nội có Khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam và ở TP. Hồ Chí Minh có Dinh Độc Lập.
Dịch vụ này được đánh giá cao ở khả năng giải quyết, bổ sung cho công tác truyền thông, thuyết minh truyền thống, đồng thời đảm bảo việc quản lý, khai thác, vận hành chất lượng hơn.