Trong kỳ nghỉ Tết Dương lịch 2024, nhiều địa phương ở TPHCM rộn ràng các hoạt động văn hóa - nghệ thuật đặc sắc chuẩn bị đón năm mới. Vốn là một trong những điểm du lịch nổi bật ở khu người Hoa - Chợ Lớn, tối 31.12, chợ Bình Tây (Quận 6) cũng trở nên sôi động với các hoạt động ca nhạc, ăn uống, vui chơi.
Trước cổng chính của chợ là những chiếc xe tải lưu động nhiều màu sắc, có trang trí bảng đèn, dây đèn rực rỡ, bày bán đủ món ăn, thức uống phong phú.
Dọn hàng ra bán từ lúc 5h30 chiều, anh Trung Hiếu - quản lý xe bán hàng tại chợ, cho biết: “Ngày cuối năm, lượng khách đông gấp đôi ngày thường. Giờ cao điểm rơi vào khoảng 20 - 21h”.
Xe của anh phục vụ trà trái cây, trà sữa, nước ép và cá viên chiên, mức giá dao động từ 16.000 - 35.000 đồng, không phụ thu dịp lễ. Đây cũng là chiếc xe lưu động đầu tiên bắt đầu hoạt động kinh tế đêm ở chợ Bình Tây vào cuối năm 2021.
Đứng tại quầy xiên nướng, chị Nguyễn Thị Phượng, nhân viên xe bán hàng ở chợ, cho biết hôm nay khách đến sớm và đông gấp đôi ngày thường.
“Bình thường khoảng 8h tối mới có khách nhưng hôm nay tầm 7h đã bắt đầu thấy đông, hơn 20 bàn đều được lấp kín”, chị vui vẻ.
Các món nướng ở đây có mức giá từ 20.000 - 40.000 đồng, thức uống từ 25.000 đến 30.000 đồng. Gian hàng của chị phục vụ xuyên suốt tới Giao thừa, sau đó các nhân viên tụ họp liên hoan cùng nhau để đón chào những giây phút đầu tiên trong ngày đầu năm mới.
Chương trình ca nhạc tại chợ Bình Tây bắt đầu lúc 21h, trình diễn nhiều ca khúc xuân và những bài nhạc trẻ thịnh hành. Ngoài ra, khách có mặt còn được tham gia hoạt động giải câu đố với phần thưởng là những phong bao lì xì.
Có mặt tại chợ Bình Tây vào khoảng 21h30, hai chị em họ Kim Anh (16 tuổi) và Mỹ Linh (16 tuổi), nhà Bình Tân, gọi món bánh tráng trộn và trà sữa để vừa nhâm nhi, vừa trò chuyện. Với Mỹ Linh, đây là lần đầu tiên cô bạn đến chơi chợ Bình Tây.
“Chúng em chọn đến đây thay vì các quận trung tâm vì ngại chỗ đông người, chen lấn. Ở đây có nhiều món ăn phong phú để lựa chọn, có ban nhạc khuấy động không khí rất vui”, bạn chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Lan, 50 tuổi cùng người nhà cũng ít khi đến các tụ điểm lớn vào dịp lễ vì sợ kẹt xe. “Nhà tôi ở ngay trên đường Tháp Mười, chỉ cách chợ Bình Tây chưa tới 300m nên dùng cơm tối xong thì cả nhà đi bộ ra đây hóng gió, uống nước trái cây và nghe nhạc”, chị chia sẻ.
Ngoài các gian hàng ăn uống, phía bên phải cổng chính còn có khu trò chơi nhỏ gồm lắp ráp mô hình, xây lâu đài cát, xe điện đụng… dành cho trẻ em. Anh Trần Thế Long, cùng cháu gái Lita (4 tuổi) đến đây uống nước và chơi xây lâu đài cát. “Lúc 6h tối, tôi có chở cháu ra phố đi bộ Quận 1 để tham gia lễ hội countdown (đếm ngược mừng năm mới), nhưng đến nơi thì bất ngờ vì quá đông, nên tôi đưa cháu đến đây chơi cho thoáng hơn”.
Các sự kiện văn hóa - kinh tế đêm là nét độc đáo, thu hút du khách của chợ Bình Tây. Ngôi chợ gần trăm năm nằm ở cửa ngõ phía Tây thành phố này luôn là một trong những dấu ấn văn hóa đặc sắc, mang đậm phong cách Á Đông.
Dù ngày cuối năm nhộn nhịp, nhưng nhìn chung lượng khách vẫn vắng hơn rất nhiều so với năm trước.
Anh Trung Hiếu - Quản lý The Phin chia sẻ với Lao Động: “Dịp lễ Tết và cuối tuần chính là lúc buôn bán được nhất. Nhưng hiện tại, lượng khách đến vào cuối tuần chỉ tương đương lượng khách ngày thường của những năm trước”.
Chị Phượng cũng bày tỏ hy vọng rằng tình hình kinh tế năm 2024 sẽ khởi sắc hơn, việc buôn bán của các tiểu thương ở chợ sẽ được xuôi chèo mát mái.