Doanh nghiệp lo tụt hậu, Quảng Ninh chỉ đạo mở sản phẩm du lịch mới

Nguyễn Hùng |

Quảng Ninh - UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu mở các sản phẩm du lịch mới trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long ngay trong năm 2023 sau khi các doanh nghiệp du lịch cảnh báo về nguy cơ tụt hậu của du lịch Quảng Ninh bởi thiếu sản phẩm độc đáo trong khi có nguồn tài nguyên vượt trội.

Sẽ có sản phẩm mới ngay?

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh vừa ký công văn gửi các sở, ban, ngành, địa phương, yêu cầu phối hợp đề xuất để mở thêm các sản phẩm du lịch mới ngay trong năm 2023 để phục vụ du khách.

Trung tâm khu du lịch Bãi Cháy vắng tanh trong những ngày Tết Quý Mão 2023. Ảnh: Nguyễn Hùng
Trung tâm khu du lịch Bãi Cháy vắng vẻ trong những ngày Tết Quý Mão 2023. Ảnh: Nguyễn Hùng

Chia sẻ với Lao Động, đại diện một số doanh nghiệp làm du lịch, dịch vụ bày tỏ vui mừng trước chủ trương trên của tỉnh Quảng Ninh, nhưng cho rằng các cấp chính quyền, cơ quan chức năng cần phải quyết tâm, chứ không nên “đánh trống, bỏ dùi”.

Bởi thực tế, những năm qua, nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã đề xuất, làm hồ sơ xin mở các sản phẩm du lịch mới nhưng đến nay hầu như chưa sản phẩm nào được phê duyệt. Hiện, để xin mở một sản phẩm mới, các DN đều phải tự xoay sở trong những những quy trình rất phức tạp, với nhiều thủ tục.

Theo những người làm du lịch ở Quảng Ninh, có lẽ trước thực trạng tình hình du lịch ảm đạm trong dịp Tết vừa qua, nhất là tại thủ phủ Hạ Long, với việc nhiều nhà hàng, khách sạn đóng cửa vì không có khách, chính quyền các cấp mới quyết tâm hành động như vậy.

Trong đó, TP.Hạ Long cũng đã họp bàn để mở lại núi Bài Thơ và một số sản phẩm du lịch mới.

Nguy cơ tụt hậu

Ông Trần Văn Minh – Giám đốc Khu du lịch Sunworld Hạ Long – cho biết, trong 7 ngày Tết, từ 29 đến 5 Tết, Sun World Ha Long đón được hơn 11.000 lượt khách, chỉ đạt khoảng 25% so với cùng kỳ năm 2019 và thuộc diện thấp nhất trong hệ thống Sun World trên cả nước.

Năm 2022, theo thống kê thông qua vé cáp treo, lượng khách đến Sun World Ha Long chỉ đạt 40% so với kế hoạch mục tiêu, dù Việt Nam đã mở cửa trở lại đón thị trường khách quốc tế.

Du khách quốc tế chèo kayak trên vịnh Hạ Long. Ảnh: Nguyễn Hùng
Du khách quốc tế chèo kayak trên vịnh Hạ Long. Ảnh: Nguyễn Hùng

Theo ông Minh, đây là thực trạng đáng suy ngẫm về sức hút của điểm đến, trong khi Quảng Ninh lại là một trong những thị trường du lịch trọng điểm của cả nước khi sở hữu những lợi thế hiếm có về thiên nhiên, văn hóa cùng hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại, thuận lợi bậc nhất cả nước..

“Trong năm 2023, nếu chỉ dừng lại ở những lợi thế sẵn có, mà thiếu đi sự đột phá trong làm mới, phát triển sản phẩm, du lịch Quảng Ninh có thể đứng trước nguy cơ tụt hậu so với nhiều điểm đến khác trên cả nước như Phú Quốc, Đà Nẵng… và khó có sự bứt phá về tăng trưởng khách du lịch” – ông Minh cho biết.

Đồng quan điểm với ông Minh, đại diện các nhà hàng, khách sạn, tàu du lịch trên vịnh Hạ Long cũng cho rằng cần phải nhìn nhận vào thực tế thì mới có giải pháp hiệu quả để thu hút khách, trong bối cảnh phải cạnh tranh quyết liệt với các điểm đến khác trên toàn quốc.

Các doanh nghiệp còn kiến nghị nên mở các tour tham quan mỏ than ở Hạ Long. Trong ảnh là một moong than tại Hạ Long vừa kết thúc quá trình khai thác. Ảnh: Nguyễn Hùng
Các doanh nghiệp còn kiến nghị nên mở các tour tham quan mỏ than ở Hạ Long. Trong ảnh là một moong than tại Hạ Long vừa kết thúc quá trình khai thác. Ảnh: Nguyễn Hùng

Câu chuyện sản phẩm du lịch của Quảng Ninh, nhất là ở những vùng trọng điểm như Hạ Long, đã được dư luận nói đi nói lại nhiều lần và từ nhiều năm qua nhưng hầu như không biến chuyển.

“Hãy hỏi chính những nhà quản lý xem liệu họ có tham quan vịnh Hạ Long lần 2, lần 3 khi mà biết chắc chắn đều giống lần 1: Lên tàu, ngắm vịnh, vào hang rồi lên tàu và về bờ?” – anh Nguyễn Đình Thắng, quê Hải Dương, trả lời khi được hỏi về du lịch vịnh Hạ Long. “Về bờ rồi cũng chỉ ăn nhậu, cà phê chứ biết làm gì, nhất là vào buổi tối”.

Theo ông Lê Hồng Lân – Giám đốc điều hành Luxperia, công ty chuyên dòng khách châu Âu, Mỹ, Australia – nếu như Quảng Ninh không có nguồn tài nguyên du lịch lớn như vậy thì lại là một lẽ. “Quảng Ninh có vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, Yên Tử, Bình Liêu… cùng vô số các tài nguyên du lịch, cả vật thể và phi vật thể khác – mà tài nguyên nào cũng đẳng cấp, và hiện tại đã được kết nối thuận tiện bằng hệ thống giao thông hiện đại. Nhưng kết nối thế nào khi ở các điểm đến lại không có nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn và mới” – ông Lân chia sẻ.

Nguyễn Hùng