Độc đáo tục "bắt chồng" của các cô gái dân tộc Chu Ru ở Lâm Đồng

Trần Thảo |

Lâm Đồng - Không như các dân tộc khác, thiếu nữ Chu Ru đến tuổi lấy chồng phải mang lễ vật đi hỏi nhà trai. Nếu không đủ điều kiện làm đúng phong tục truyền thống, cô gái có thể "bắt chồng".

Người Chu Ru ở Lâm Đồng theo chế độ mẫu hệ. Khi cô gái Chu Ru đến tuổi lấy chồng, nếu đã để ý được chàng trai mà mình thích, họ sẽ thưa với cha mẹ để nhờ người mai mối, cùng với cậu của mình đem lễ vật đến nhà trai làm lễ xem mắt.

Trong trường hợp đàng trai không đồng ý, đàng gái sẽ ra về và hẹn sẽ lại đến, cho đến khi nào đàng trai đồng ý gả con mới thôi.

f
Ngày 5.6, trong khuôn khổ Tuần lễ vàng Du lịch Lâm Đồng năm 2024, tại Bảo tàng tỉnh Lâm Đồng đã diễn ra lễ tái hiện nghi lễ cưới của dân tộc Chu Ru. Ảnh: Trần Thảo

Lần đến kế tiếp, đàng gái sẽ đi đông người hơn lần trước, và thường đi vào ban đêm để tránh tiếng. Lần này, cô gái sẽ không đi cùng đoàn, nhằm tránh trường hợp chàng trai từ chối lần nữa, xấu mặt với dân làng.

Ở lần đến sau này, nhà gái sẽ vừa thuyết phục, vừa cố gắng đeo nhẫn vào tay chàng trai. Nếu chàng trai vẫn từ chối, những người đàn ông của nhà gái sẽ cố gắng bằng mọi cách đeo nhẫn vào tay chàng trai cho bằng được. Khi trên tay chàng trai có chiếc nhẫn của nhà gái, lúc này chàng trai chính thức trở thành chàng rể.

ff
Lễ tái hiện nghi lễ cưới của dân tộc Chu Ru. Chương trình do huyện Đơn Dương xây dựng kịch bản, thành lập đoàn nghệ nhân tham gia thực hiện phần nghi lễ của lễ cưới. Huyện Di Linh và TP Đà Lạt thành lập đội cồng chiêng, múa xoang tổ chức tập luyện và tham gia thực hiện phần hội của lễ cưới. Ảnh: Trần Thảo

Chàng trai nếu muốn tháo nhẫn trả lại, phải chuẩn bị trâu, rượu để trả lễ cho nhà gái. Trường hợp chàng trai thuận tình, nhà gái sẽ chuẩn bị các lễ vật cần thiết để đón rể. Nhà trai sẽ được quyền đưa ra các yêu cầu về lễ vật dẫn cưới.

Nhẫn cưới của người Chu Ru là vật khá quan trọng đối với họ. Vì thế, người Chu Ru thường tốn khá nhiều công sức để làm nên cặp nhẫn này. Vật liệu chính để làm nên cặp nhẫn này, gồm: bạc, sáp ong, một ít đất sét trong rừng già và phân trâu.

Theo quan niệm của người Chu Ru, trâu là một linh vật mang sức mạnh của sự sung túc, đầm ấm. Trong khi đó, sáp ong thể hiện sự chăm chỉ, cần mẫn.

ee
Mâm cỗ trong lễ cưới. Ảnh: Trần Thảo

Mỗi năm, mùa "bắt chồng" của đồng bào Chu Ru ở Lâm Đồng nói riêng, Tây Nguyên nói chung được bắt đầu từ mùng một Tết Âm lịch cho đến hết tháng Ba.

Người Chu Ru ở Việt Nam hiện có khoảng 20.000 người, tập trung chủ yếu ở tỉnh Lâm Đồng. Trong rất nhiều nghi lễ cổ truyền đặc sắc trong đời sống xã hội, tâm linh của người Chu Ru, như lễ cúng thần Đập nước, thần Mương nước, thần Lúa khi gieo hạt..., tục "bắt chồng" là một nghi lễ độc đáo và khác biệt.

Trần Thảo
TIN LIÊN QUAN

Bảo tàng Lâm Đồng tấp nập khách dịp Tuần lễ vàng Du lịch

Trần Thảo |

Trong suốt Tuần lễ vàng Du lịch, Bảo tàng Lâm Đồng mở cửa buổi tối, phục vụ du khách miễn phí đến 21h từ ngày 31.5 – 6.6.

Tuần lễ vàng Du lịch Lâm Đồng năm 2024 khai mạc ấn tượng

Trần Thảo |

Tối 31.5, Tuần lễ vàng Du lịch Lâm Đồng lần thứ 3 năm 2024 với chủ đề “Lâm Đồng – Điểm hẹn của Hoa và Âm nhạc” đã được khai mạc tại TP Đà Lạt.

Khuyến mại dành riêng cho khách đến Lâm Đồng dịp Tuần lễ vàng Du lịch

Mai Hương |

Tuần lễ vàng Du lịch Lâm Đồng năm 2024 được tổ chức vào cuối tháng 5, đầu tháng 6 với nhiều chương trình khuyến mại, nhằm đón đầu mùa du lịch hè.