Nhiều loại hình du lịch mới mẻ
Với địa hình vừa có đồng bằng, vừa có đồi núi cùng với những đặc trưng riêng, trải nghiệm du lịch xanh khi đến An Giang đang trở thành xu hướng hiện nay, đặc biệt là cuộc sống bình thường mới sau đại dịch Covid - 19.
Tham gia đoàn trekking (đi bộ đường dài) tại Núi Cấm, An Giang vào đầu tháng 2.2023, anh Anh Tú (25 tuổi, TP.HCM) chia sẻ: “Lần đầu có cơ hội trekking Núi Cấm, tôi thấy rất thích thú. Bản thân mình chưa bao giờ nghĩ có thể cùng bạn bè trải nghiệm chuyến du lịch tuyệt vời như thế này.
Sở dĩ nói thế là vì leo núi, tôi được nhìn thấy thiên nhiên vẫn còn hoang sơ, dân dã. Tôi đặc biệt ưa chuộng những điểm du lịch như thế này bởi được hòa mình vào núi rừng, lắng nghe tiếng chim hót, trở lại với cuộc sống nguyên thủy ngày xưa. Tôi nghĩ loại hình này đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, không chỉ ở An Giang mà còn ở nhiều tỉnh khác của nước ta".
Cũng trong những năm gần đây, nhiều mô hình camping đang phát triển mạnh mẽ tại cho thấy sức hút của du lịch xanh ở An Giang. Trong đó, Nhà của Mây, An Suối Garden, Ganesha - camping Ô Thum là những điểm đến nhận được sự quan tâm của du khách địa phương và ngoài tỉnh.
Đa số, các điểm lưu trú này có thiết kế dựa trên thiên nhiên hoặc phong cách thiết kế tạo cảm giác gần gũi với thiên nhiên, qua đó giúp du khách tìm lại sự hài hòa giữa con người và cảnh sắc đặc trưng của vùng ĐBSCL.
Trải nghiệm tham quan tại An Suối Garden, bạn Kiều Nguyễn Anh Thư (1999, Cà Mau) cho biết: "Thời gian gần đây, đặc biệt là sau dịch Covid - 19, khi du lịch tôi thường tìm đến những điểm thiên nhiên như thế này để được gần với cuộc sống tự nhiên. Cứ nhìn cây cỏ, núi rừng là mình lại thấy thoải mái.
Sống xanh và du lịch xanh giúp chúng ta quên hết buồn phiền trong cuộc sống. Tôi nghĩ trong thời gian tới, An Giang nên phát triển nhiều hơn nữa những điểm đến thế này để người dân có nhiều lựa chọn".
Hứa hẹn bùng nổ trong thời gian tới
Với phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt”, thời gian gần đây, tỉnh An Giang đã tập trung xây dựng, làm mới các sản phẩm du lịch nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế, đưa ngành “công nghiệp không khói” phát triển bền vững.
Kết quả, năm 2022 tỉnh ước đón hơn 7,3 triệu lượt khách du lịch, tăng 127% so với cùng kỳ và đạt 163% kế hoạch. Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 4.700 tỉ đồng, tăng 119% so cùng kỳ.
Trong những ngày Tết Quý Mão 2023 vừa qua, An Giang tiếp tục giữ vững “ngôi vị” đứng đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long về số lượng khách du lịch.
Qua thống kê, số lượng khách đến các khu điểm du lịch trên địa bàn tỉnh trong các ngày nghỉ Tết ước đạt trên 500.000 lượt. Trong đó, một số điểm có số lượng khách tăng cao như Khu du lịch Núi Sam, Khu du lịch Núi Cấm, Điểm du lịch đồi Tức Dụp, các điểm tham quan trên cù lao Giêng, các điểm tham quan cụm hồ ở huyện Tri Tôn,...
Theo ông Trần Anh Thư - Phó chủ tịch UBND tỉnh, để An Giang trở thành một sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng, địa phương đã có kế hoạch giữ lại tất cả bản sắc địa phương gồm sinh cảnh, văn hóa chùa Khmer trên đỉnh núi Tà Pạ, hồ Soài Chek, cánh đồng trâm đan xen cánh đồng lúa, tăng thu nhập cho người dân.
Dự kiến giai đoạn 2021-2025, ngành du lịch tỉnh đón 42 triệu lượt khách với doanh thu 27.800 tỉ đồng.