Sau gần ba năm gián đoạn do đại dịch, chương tình “Hội ngộ 3 miền” do CLB Lữ hành Unesco Hà Nội diễn ra từ 23 đến 24.3 đem đến cơ hội giao lưu, xúc tiến giữa 600 đại biểu từ các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, hàng không...
Các hoạt động kết nối doanh nghiệp - B2B, tọa đàm, famtrip khảo sát điểm đến... nhằm tăng cường kết nối, chia sẻ kinh nghiệm, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Ông Trương Quốc Hùng, Chủ tịch CLB Lữ hành Unesco Hà Nội, cho biết: “Sau thời gian dài chờ đợi, Chương trình UTF 2023 đã trở lại với quy mô lớn hơn, được chuẩn bị kỹ càng và đầu tư công phu hơn các năm trước nhằm tạo “sân chơi” lành mạnh, thiết thực, bổ ích cho các doanh nghiệp lữ hành, du lịch trên khắp 3 miền”. Ông kỳ vọng chương trình mang lại sự hứng khởi cho những người làm du lịch, đồng thời mở ra cơ hội kết nối, hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Chia sẻ tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Mai Anh – Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội nhận định, ngành du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Hà Nội nói riêng cần phải tạo ra những sản phẩm du lịch mới, độc đáo, mang bản sắc chỉ Việt Nam mới có. Điều này sẽ thu hút khách tìm đến, ở lại Việt Nam lâu hơn.
Chương trình còn tổ chức tọa đàm “Kinh nghiệm xúc tiến du lịch và phát triển thị trường trong tình hình mới” để các doanh nghiệp thảo luận về tình hình phục hồi hoạt động, phát triển hậu COVID-19. Phát biểu tại tọa đàm, bà Trần Nguyện, phó tổng giám đốc Sun World (Tập đoàn Sun Group) cho rằng hậu COVID, doanh nghiệp gần như phải đánh một ván cờ “xóa đi làm lại từ đầu”.
Điểm sáng của hai năm COVID là Phú Quốc – điểm đến tăng trưởng vượt năm 2019. Đến tháng 11.2022, lượt khách đến Phú Quốc đã vượt 25% kế hoạch cả năm 2022. Một điểm đến khác có mức tăng trưởng bất ngờ là Tây Ninh. Tính từ 1.1 đến nay, lượng khách đến núi Bà Đen đã đạt 2,5 triệu lượt, tăng trưởng 200% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo bà, kết quả này đến từ chất lượng sản phẩm, khi sản phẩm được đầu tư, cộng thêm công ty lữ hành tìm tòi cách làm mới, sản phẩm đi kèm dịch vụ. “Khách ngày càng chịu chi, chi một đồng họ muốn dịch vụ xứng đáng một đồng”, bà Trần Nguyện nói.
Ba bài học rút ra là đầu tư sản phẩm nghiêm túc, làm marketing vì điểm đến và cuối cùng là liên kết hợp tác cùng phát triển. “Tôi luôn phản đối giá rẻ, cạnh tranh bằng giá. Cuộc chiến phá giá sẽ không bền vững. Chúng ta có thể lựa chọn các thị trường chiến lược để thúc đẩy cuộc chơi với các điểm đến”, bà Trần Nguyện khẳng định.
Đồng quan điểm, ông Triệu Quốc Thịnh - Giám đốc công ty du lịch và tổ chức sự kiện Triệu Hoàng Travel, cho rằng các doanh nghiệp không nên cạnh tranh lẫn nhau về giá mà bằng chất lượng dịch vụ và sản phẩm khác biệt.
Ông Triệu Quốc Thịnh bày tỏ: “Hiện nay xu hướng khách đi theo nhóm nhỏ, gia đình nên chúng tôi tập trung vào phân khúc này, thiết kế tour riêng cho từng đoàn với những trải nghiệm mới lạ, nhất là luôn chăm sóc khách trong quá trình tour. Du khách giờ cũng rất chủ động tìm hiểu và tự đặt dịch vụ, nên mỗi doanh nghiệp cần tiếp cận khách sâu sát hơn, tư vấn và cung cấp dịch vụ tốt hơn nữa”.