Khám phá bảo tàng điêu khắc Chăm lớn nhất Việt Nam

Nguyễn Linh |

Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng là bảo tàng lớn nhất Việt Nam hiện đang bảo tồn và trưng bày nhiều nhất hiện vật quý hiếm về nghệ thuật điêu khắc Champa ở vùng duyên hải miền Trung Việt Nam.

Lịch sử Bảo tàng điêu khắc Chăm

Toạ lạc tại trung tâm Đà Nẵng, Bảo tàng điêu khắc Chăm là địa chỉ du lịch văn hoá tâm linh không thể bỏ qua của du khách trong và ngoài nước trong những năm gần đây. Nơi đây lưu giữ số lượng lớn hiện vật của nền văn hoá Champa.

Bồ tát Tara được làm bằng đồng đen- là một bảo vật quốc gia đánh dấu sự thay đổi của triều đại Champa.
Bồ tát Tara được làm bằng đồng đen- là một bảo vật quốc gia đánh dấu sự thay đổi của triều đại Champa.

Bảo tàng điêu khắc Chăm được khánh thành từ năm 1919 theo thiết kế của hai kiến trúc sư người Pháp là Delaval và Auclair kết hợp cùng với công lao thu thập các hiện vật của những người Pháp yêu khảo cổ và những đồng nghiệp Việt Nam vào cuối thế kỉ XIX.

Sau gần 100 năm xây dựng, năm 2016 Đà Nẵng thực hiện trùng tu, thống nhất thành một hệ thống thăm quan tổng thể. Theo đó, các lối kiến trúc ban đầu vẫn được giữ nguyên vẹn chỉ phân chia bảo tàng thành khu vực trưng bày và các phòng chuyên đề trưng bày văn khắc, gốm, âm nhạc, lễ hội và các làng nghề truyền thống của dân tộc Chăm… tạo nên sự đa dạng khi tham quan, khám phá kho tàng văn hoá Champa tại bảo tàng.

Hiện nay, có gần 300 hiện vật lớn nhỏ đang trưng bày tại bảo tàng và được phân chia thành 12 phòng ban khác nhau. Ngoài ra, có 187 hiện vật trưng bày ngoài vườn và 1200 hiện vật được lưu giữ trong kho.

Năm 2011 Bảo tàng điêu khắc Chăm là 1 trong 12 bảo tàng được xếp hạng 1 tại Việt Nam.

Bước vào khuôn viên bảo tàng, du khách sẽ ngạc nhiên bởi lối kiến trúc độc đáo mang phong cách cổ điển phủ màu rêu phong của những thập kỷ 20. Sau lần trùng tu năm 2002, diện tích sử dụng của bảo tàng gồm 2.000 mét vuông dành cho phòng trưng bày và 500 mét vuông dùng để làm kho, xưởng phục chế và phòng làm việc.

Đài thờ là một trong những sản vật quý hiếm của văn hoá Champa được tìm thấy tại Đồng Dương, Quảng Nam vào cuối thế kỷ IX- đầu thế kỷ X.
Đài thờ (cuối thế kỷ IX- đầu thế kỷ X) là một trong những sản vật quý hiếm của văn hoá Champa được tìm thấy tại Đồng Dương, Quảng Nam.

Du lịch văn hoá tại Bảo tàng điêu khắc Chăm

Tuỳ theo vị trí địa lý của hiện vật mà bảo tàng bố trí thành từng khu vực khác nhau.

Phòng Trà Kiệu được bố trí khu vực trưng bày ngay lối vào của bảo tàng. Trà Kiệu ở thế kỉ IV là kinh đô cổ của người Champa nay thuộc huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Tại đây các nhà khảo cổ đã thu thập được rất nhiều hiện vật có giá trị lịch sử như Đài thờ vũ nữ Trà Kiệu, Đài thờ Trà Kiệu, Thần hộ pháp (Siva)…

Phòng Mỹ Sơn hiện đang trưng bày 18 hiện vật gồm 3 nhóm: tháp chính, tháp phụ và các nhóm hiện vật được trang trí trên cửa tháp hay tường tháp. Mỹ Sơn từng là trung tâm tín ngưỡng quan trọng nhất của người Champa cổ vì vậy nơi đây đã xây dựng hơn 70 tháp để thờ cúng vị thần Siva.

Đài thờ Mỹ Sơn E1 được Thủ tướng Chính phủ Nước CHXHCN Việt Nam công nhận là bảo vật Quốc gia vào tháng 10 năm 2012.
Đài thờ Mỹ Sơn E1 được Thủ tướng Chính phủ Nước CHXHCN Việt Nam công nhận là bảo vật Quốc gia vào tháng 10 năm 2012.
Vị thần Hộ Pháp được làm bằng Sa Thạch từ cuối thế kỷ IX- đầu thế kỷ X của người Champa cổ.
Vị thần Hộ Pháp được làm bằng Sa Thạch từ cuối thế kỷ IX- đầu thế kỷ X của người Champa cổ.

Phòng Đồng Dương là khu vực trưng bày cuối cùng của văn hoá điêu khắc nghệ thuật Champa thuộc tỉnh Quảng Nam. Chính tại nơi đây các nhà khảo cổ đã phát hiện ra sự thay đổi của triều đại Champa từ tín ngưỡng thờ Thần hộ pháp (Siva) qua thờ các vị phật và bồ tát. Tiêu biểu là vị Bồ tát Tara cao 114cm, là hiện thân của vị bồ tát quan âm.

Ngoài ra, Bảo tàng điêu khắc Chăm còn trưng bày các hiện vật của vương quốc Champa tại các khu vực vùng duyên hải miền Trung như phòng Tháp Mẫn trưng bày 67 hiện vật được phát hiện tại tỉnh Bình Định- Trung tâm chính trị của Champa cổ; Phòng trưng bày mở rộng trưng bày hơn 150 tác phẩm thuộc nhiều phong cách nghệ thuật khác nhau, sưu tầm sau năm 1975.

Các phòng hành lang Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị lần lượt trưng bày các hiện vật sưu tầm được tại các vùng của địa phương. Tiêu biểu là tượng các vị thần Siva, Phù Điêu, Đài thờ…

Bộ sưu tập Bình, Nồi và hình ảnh lễ hội Kate của người Chăm tại Ninh Thuận.
Bộ sưu tập Bình, Nồi và hình ảnh lễ hội Kate của người Chăm tại Ninh Thuận.

Chấtt liệu chủ yếu được người Champa sử dụng để điêu khắc là đồng, đất nung và sa thạch có niên đại từ thế kỉ VII đến thế kỉ XV. Mỗi hiện vật được trưng bày tại bảo tàng điêu khắc Chăm điều thể hiện niềm tin tín ngưỡng của người Champa qua từng thời kì.

Không những vậy, từng đường nét điêu khắc, chất liệu, hình khối đều mang những câu chuyện, dấu ấn lịch sử đời sống tinh thần và vật chất của con người Champa ở những thế kỷ trước.

Nguyễn Linh
TIN LIÊN QUAN

Đi chợ Tết ở thành cổ Đà Nẵng

THUỲ TRANG |

Nhân dịp chào xuân mới Nhâm Dần 2022, Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức chương trình “Phiên chợ ngày Tết” với nhiều hoạt động thú vị. Đây là nơi công chúng có thể hòa mình vào khung cảnh tươi vui, hối hả, rực rỡ sắc màu cùng các phong tục, trò chơi truyền thống trong dịp lễ tết của dân tộc và đắm mình trong những ký ức, hoài niệm đẹp đẽ của tuổi thơ.

Đà Nẵng nâng cấp sân bay quốc tế, xúc tiến du lịch hàng không

THUỲ TRANG |

Để triển khai hoạt động khôi phục đường bay, Sở Du lịch TP.Đà Nẵng vừa tổ chức Chương trình hợp tác du lịch – hàng không và xúc tiến đường bay đến Đà Nẵng. Chương trình cung cấp đến đối tác du lịch và hàng không của du lịch Đà Nẵng kế hoạch mở cửa đường bay quốc tế trong năm 2022 cùng các chính sách hỗ trợ hàng không hiện hành.

Đến Đà Lạt ghé thăm Bảo tàng trà đầu tiên ở Việt Nam

Nguyễn Huế |

Bảo tàng Trà cổ Cầu Ðất Farm là không gian nghệ thuật sắp đặt thú vị gắn với câu chuyện về thương hiệu trà Cầu Ðất gần 100 năm tuổi.