Khám phá lễ hội Yến sào ở xứ Trầm hương

Phương Linh |

Được tổ chức vào ngày 10.5 âm lịch hàng năm, lễ hội Yến sào Khánh Hòa là lễ hội giỗ tổ ngành nghề tưởng nhớ các bậc tiền nhân duy nhất được tổ chức ngoài đảo của Vịnh Nha Trang



Theo sử sách ghi lại, năm 1328 trong chuyến công cán phương Nam Lê Văn Đạt- đề đốc thủy quân nhà Trần đã tình cờ phát hiện ở các đảo ngoài khơi Vịnh Nha Trang có nhiều tổ yến. Đề đốc Lê Văn Đạt đã thành lập đội quân bảo vệ, khai thác và phát triển nguồn tài nguyên này. Nghề yến sào ra đời từ đó, đề đốc Lê Văn Đạt được suy tôn là thủy tổ nghề yến sào Việt Nam.

Là người có công gìn giữ và phát triển nghề yến sào đại đô đốc Lê Thị Huyền Trâm được tôn vinh là thánh mẫu đảo chủ. Ảnh: P.L
Là người có công gìn giữ và phát triển nghề yến sào đại đô đốc Lê Thị Huyền Trâm được tôn vinh là thánh mẫu đảo chủ. Ảnh: P.L

Dưới thời Tây Sơn bà Lê Thị Huyền Trâm được giao chỉ huy đội thủy quân tại dinh Bình Khang kiêm tổng quản quần đảo Hòn Tre và các đảo yến trong vùng. Bà đã tổ chức khai thác xuất khẩu yến sào làm nguồn tài chính hậu cần cho nhà Tây Sơn. Ngày 10.5 năm Quý Sửu (1793) trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền lãnh hải tổ quốc và các đảo yến đại đô đốc Lê Thị Huyền Trâm hi sinh. Nghi nhớ công ơn của bà vào ngày này người làm nghề yến tổ chức cúng giỗ bà và các vị tiền nhân tại đền thờ tổ trên các đảo.

Đảo yến Hòn Nội nơi thờ thủy tổ nghề yến sào. Ảnh: P.L
Đảo yến Hòn Nội nơi thờ thủy tổ nghề yến sào. Ảnh: P.L

Nếu như lễ hội Tháp bà Ponaga, lễ hội Cầu ngư tại Khánh Hòa được tổ chức trên các đền tháp lăng tự ở đất liền thì lễ hội Yến sào được tổ chức lại đền thờ tổ nghề yến ở đảo Hòn Nội, cách đất liền hơn 13 hải lý. Điểm chính ở lễ hội là phần nghi lễ cúng có đầy đủ ban bệ: thầy xướng, chánh tế, bồi tế...khoảng 20 người; lễ vật heo, gà… Chủ tế là người phải hội đủ điều kiện am hiểu mọi điều về ngành nghề- thường là hậu duệ của các gia đình có truyền thống khai thác yến sào trăm năm qua ở Khánh Hòa. Lễ cúng tống na cũng là điểm nhấn trong phần lễ với con thuyền lễ vật chuyển ra biển lớn.

Lễ cúng thánh mẫu và nghi lễ cúng tống na là 2 nghi lễ quan trọng trong lễ hội yến sào hàng năm. Ảnh: P.L
Lễ cúng thánh mẫu và nghi lễ cúng tống na là 2 nghi lễ quan trọng trong lễ hội yến sào hàng năm. Ảnh: P.L

Theo ông Lê Văn Hùng, hậu duệ nhà Lê nhánh Vĩnh Nguyên- một trong 2 hậu duệ của thủy tổ nghề yến Lê Văn Đạt : "từ sáng sớm con cháu chúng tôi tụ họp, kính nén nhang thơm bẩm báo với tổ tiên những việc đã làm được trong năm qua rồi sau đó ra đảo tham gia nghi thức cúng bà".

Sản vật tổ Yến Sào được khai thác từ hang đá cheo leo được dâng lên thủy tổ nghề. Ảnh: P.L
Sản vật tổ Yến Sào được khai thác từ hang đá cheo leo được dâng lên thủy tổ nghề. Ảnh: P.L

Lễ hội Yến sào Khánh Hòa năm 2018, đảo yến Hòn Nội đón gần 1.000 người làm nghề quy tụ về cùng thực hiện các nghi lễ tưởng nhớ đảo chủ thánh mẫu, tưởng nhớ tổ nghề. Ông Nguyễn Anh Hùng, Tổng giám đốc Công ty Yến Sào Khánh Hòa cho biết, tiếp nối truyền thống nghề yến sào 28 năm qua đơn vị đã từng bước đưa ngành phát triển từ 7 đảo yến ban đầu nay đã có 33 điểm đảo và 137 hang yến được bảo vệ.

Tôn vinh các công nhân bảo vệ đảo yến luôn phải làm việc trong điều kiện khó khăn. Ảnh:P.L
Tôn vinh các công nhân bảo vệ đảo yến luôn phải làm việc trong điều kiện khó khăn. Ảnh:P.L

Thành công của công trình đưa chim yến vào đất liền sống cùng dân đã mở ra nhiều hướng phát triển cho nghề yến sào. Từ món ăn bổ dưỡng cao cấp đến nước uống thông thường với hơn 1.000 đại lý phân phối trong và ngoài nước. Và sắp tới công ty sẽ ra mắt dòng sản phẩm mĩ phẩm từ Yến Sào...Hướng đến nghề yến bền vững, song hành khai thác, bảo vệ và phát triển chính là chỉ nam trong mỗi mùa lễ hội được những người làm nghề yến truyền nối cho hậu duệ nghề.



Phương Linh