Ngày hội do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (BVHTTDL), Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu chủ trì, phối hợp với các tỉnh có các dân tộc có số dân dưới 10.000 người tổ chức. Ngày hội có sự tham gia của các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên quần chúng đồng bào các dân tộc 11 tỉnh Lai Châu, Cao Bằng, Thái Nguyên, Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Nghệ An, Quảng Bình và Kon Tum.
Thông tin về Ngày hội, Thứ trưởng BVHTTDL Trịnh Thị Thuỷ cho biết sự kiện nhằm cụ thể hoá sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với công tác dân tộc, công tác phát triển chính sách, văn hoá, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các dân tộc có số dân dưới 10.000 người; cũng như tập trung quảng bá tiềm năng, thế mạnh văn hóa, du lịch của các dân tộc này.
“Ngày hội năm nay lấy chủ đề Bảo tồn, phát huy và lan tỏa bản sắc văn hoá truyền thống của các dân tộc rất ít người, góp phần vào giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc”, bà Trịnh Thị Thủy khẳng định trong cuộc họp báo ngày 23.10.

“Đây cũng là dịp để lan tỏa, quảng bá bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số, nhất là các dân tộc có số dân dưới 10.000 người tới bạn bè trong nước và quốc tế; góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ban, bộ, ngành và mọi tầng lớp nhân dân trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam”, bà Nhung nói.
Các nội dung hoạt động của Ngày hội sẽ có sự tham gia và biểu diễn các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng thuộc 14 dân tộc có số dân dưới 10.000 người như Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Si La, Pu Péo, Bố Y, Mảng, Lô Lô, Cờ Lao, Ngái… Lễ khai mạc với chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc diễn ra vào 20h ngày 3.11 tại Quảng trường Nhân dân tỉnh Lai Châu, truyền hình trực tiếp trên sóng VTV2 (Đài Truyền hình Việt Nam), Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài PT-TH tỉnh Lai Châu.
Đáng chú ý là phần trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống; Liên hoan văn nghệ quần chúng và trình diễn trang phục truyền thống; không gian trưng bày giới thiệu sản phẩm văn hóa đặc trưng; trình diễn nghề thủ công truyền thống các dân tộc có số dân dưới 10.000 người. Bên cạnh hoạt động văn hóa, còn có các hoạt động thể dục thể thao truyền thống với các môn như kéo co, bắn nỏ và đẩy gậy.
Ông Lương Chiến Công, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu, cho biết nhiều hoạt động lồng ghép trong Tuần Du lịch - Văn hoá Lai Châu năm 2023 thuộc khuôn khổ của Ngày hội. Đơn cử như chương trình Famtrip khảo sát và kết nối các doanh nghiệp lữ hành trong nước với 3 tỉnh Phongsaly, Oudomxay, Luang Prabang ở phía bắc Lào và Châu Hồng Hà thuộc tỉnh Vân Nam ở Trung Quốc, Tọa đàm đánh giá khả năng khai thác, phát triển các sản phẩm du lịch của tỉnh Lai Châu…

“Đến nay các công đoạn để tổ chức Ngày hội, kế hoạch tổ chức các giải thể thao đúng tiến độ. Các điều kiện chuẩn bị cho sự kiện cơ bản hoàn thành”, ông Lương Chiến Công khẳng định.
Ông Tống Thanh Hải, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lai Châu, khẳng định thông qua Ngày hội và Tuần Du lịch – Văn hóa Lai Châu 2023, Lai Châu mong muốn trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước. Ngày hội cũng là dịp để Lai Châu tăng cường quảng bá về vùng đất, văn hoá, con người Lai Châu và Việt Nam đến với du khách.