Tết Trung thu: nguồn gốc và ý nghĩa

Lý Viết Trường |

Tết Trung thu diễn ra vào ngày rằm tháng Tám âm lịch, gắn liền với nhiều ý nghĩa khác nhau.

Tết Trung thu là một lễ tiết gắn với sản xuất nông nghiệp

Theo sách Bách khoa thư làng Việt cổ truyền (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành, năm 2021), của tác giả Bùi Xuân Đính thì Trung thu là giữa mùa thu, là thời điểm thời tiết đã chuyển sang mát mẻ, nắng vàng và gió heo may bắt đầu thổi làm vàng khóm lá. Đây cũng là lúc công việc nhà nông đã bước vào thời kỳ nông nhàn, lúa hè – thu đang làm đòng, hoa quả như bưởi, na, chuối, hồng… bắt đầu chín.

Tháng Tám đẹp nhất là ngày rằm trăng sáng và tròn, nhân lúc rảnh rỗi người dân làm cỗ trông trăng. Tùy theo màu sắc cùng dáng vẻ của trăng mà đoán định tương lai: Nếu trăng sáng vằng vặc, sẽ có mùa vụ bội thu; trăng sáng màu vàng, tằm sẽ nhả nhiều tơ, đất nước thái bình; trăng có màu xanh hay màu lam, vụ mùa tới sẽ thất bát và nạn đói xảy ra…

Trung thu rực rỡ sắc màu trên phố Hàng Mã. Ảnh: Nhật Hà
Trung thu rực rỡ sắc màu trên phố Hàng Mã. Ảnh: Nhật Hà

Tết Trung thu là tết Đoàn viên

Trung thu là dịp con cháu biếu quà ông bà và cha mẹ, học trò biếu thầy cô, người bệnh biếu thầy thuốc… để tỏ lòng kính trọng, biết ơn. PGS.TS Bùi Xuân Đính cho biết: “Một số làng có tục biếu đặc biệt, như làng Tống Xá (xã Yên Xá, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định), vào dịp Trung thu, nam nữ thanh niên chưa vợ chưa chồng phải mua bánh kẹo, tặng đồ chơi cho các cháu ruột của mình; dù làm ở xa cũng phải về thăm và tặng quà cho các cháu, nếu không về được phải gửi quà về”.

Viết về ý nghĩa của tết Trung thu, sách Tìm hiểu các ngày lễ tết trong năm (Nhà xuất bản Dân trí ấn hành, năm 2016), của tác giả Bùi Sao có đoạn viết: “Các thành viên trong gia đình, vào ngày này, dù đi đâu, làm gì, ở đâu cũng cố gắng về nhà ăn bữa cơm sum họp, vì vậy nên tết Trung thu cũng gọi là tết Đoàn viên”.

Tết Trung thu là tết Thiếu nhi

Sách Lễ tục trong gia đình người Việt xưa và nay (Nhà xuất bản Hồng Đức ấn hành, năm 2021), tác giả Bùi Xuân Mỹ cho rằng: Tết Trung thu cũng gọi là tết Trông trăng hay tết Trẻ con, vì sắm đồ chơi cho con trẻ ngắm trăng. Trẻ em có những cuộc rước đèn và nhiều nơi mở cuộc thi đèn. Đèn làm hình mặt trăng, hình các linh vật trên cung trăng. Nhiều gia đình bày cỗ riêng cho trẻ em, trên đó thường có ông tiến sĩ giấy. Các em chơi cỗ trông trăng đến khuya, rồi cùng nhau phá cỗ. Ngày nay, vào tết này, trẻ em có rất nhiều đồ chơi hiện đại, nhưng bên cạnh đó vẫn không thiếu những đồ chơi truyền thống như đèn xếp, đèn sao, đèn đẩy, đèn kéo quân và những hội rước đèn đón trăng.

Như vậy tết Trung thu gắn liền với những quan niệm khác nhau, đó có thể là tết gắn liền với nghi lễ nông nghiệp, tết Đoàn viên, tết Thiếu nhi… Dù ở bất kỳ quan niệm nào thì đây vẫn là dịp tết gắn với mặt trăng, các hoạt động chính vẫn xoay quanh hoạt động trông trăng, với mong ước cuộc sống bình an và hạnh phúc.

Lý Viết Trường
TIN LIÊN QUAN

Ngàn đèn lồng rực rỡ trước thềm Tết Trung thu ở Huế

ĐÀO HƯỞNG |

THỪA THIÊN HUẾ - Không gian trưng bày đèn lồng truyền thống là dịp đặc biệt để các bạn thiếu nhi có cơ hội vui chơi, khám phá đêm Tết Trung thu cổ truyền.

Bảo tàng Dân tộc học tổ chức chương trình Trung thu

Thanh Hương |

Trong hai ngày 3 và 4.9 (tức ngày 8 và 9.8 Âm lịch), Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tổ chức chương trình “Trung thu 2022: Sức sống đồ chơi dân gian”.

"Làng đèn ông sao" lớn nhất miền Bắc trước thềm Trung thu

Duy Phong |

Những ngày này, ở làng Báo Đáp (xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, Nam Định), người dân đang tất bật để cho ra thị trường những chiếc đèn ông sao màu sắc sặc sỡ.