Tràng An - hình mẫu về cân bằng giữa phát triển và bảo tồn di sản

NGUYỄN TRƯỜNG - XUÂN HÙNG |

Tại Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới tại Việt Nam được tổ chức tại Ninh Bình vào tháng 9.2022, Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay khẳng định, Khu Di sản Tràng An đã kết hợp thành công giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững mà vẫn có thể tôn trọng thiên nhiên. Nơi đây đã trở thành hình mẫu, câu chuyện thành công trong việc duy trì mối quan hệ cân bằng giữa phát triển và bảo tồn di sản.

Giữ gìn di sản cho mai sau

Quần thể danh thắng Tràng An với diện tích vùng lõi là 6.226ha chiếm hầu như toàn bộ khối núi đá vôi và vùng đệm bao quanh có diện tích khoảng 6.026ha. Năm 2014, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã chính thức đưa Quần thể danh thắng Tràng An vào danh mục Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới. Nơi đây trở thành di sản hỗn hợp thứ 11 ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và là di sản hỗn hợp duy nhất tại Việt Nam được UNESCO ghi danh.

Tỉnh Ninh Bình đã có nhiều chương trình, kế hoạch, chiến lược nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản thế giới gắn với phát triển du lịch. Để đảm bảo mục tiêu phát huy giá trị di sản kết hợp với bảo vệ tài nguyên, môi trường, cảnh quan và bảo tồn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, đảm bảo tính toàn vẹn, xác thực của di sản, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Quy chế quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An. Trong đó, tỉnh đã phối hợp với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thực hiện các dự án nghiên cứu khoa học, các dự án tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho công tác bảo tồn di sản và phát triển du lịch.

Thành công với mô hình "hợp tác công - tư" trong quản lý bảo tồn di sản, gắn với phát triển du lịch bền vững ở Ninh Bình cũng góp phần làm giảm tải gánh nặng ngân sách cho Nhà nước và giải quyết việc quản lý, khai thác kém hiệu quả di sản. Sự tham gia của doanh nghiệp trong quản lý Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An đã giúp Ninh Bình trở thành một trong những địa phương có tốc độ phục hồi và tăng trưởng du lịch nhanh sau đại dịch COVID-19.

Hiện, Quần thể danh thắng Tràng An được bảo tồn nguyên vẹn các giá trị tiêu biểu về địa chất, địa mạo, văn hóa và được quảng bá rộng khắp đến bạn bè trong nước và quốc tế. Ngoài ra, tỉnh cũng tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư, bảo vệ, khai thác hiệu quả giá trị của Di sản Tràng An nói riêng, danh thắng tại Ninh Bình nói chung với cam kết, mục tiêu cao nhất là quản lý, bảo tồn và giữ gìn các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản để trao truyền lại cho các thế hệ mai sau.

Tạo sinh kế cho người dân trong vùng di sản

Việc Tràng An được UNESCO vinh danh đã mang lại cho du lịch Ninh Bình một cơ hội và một diện mạo mới. Sự tác động của du lịch đã làm phong phú thêm sinh kế của cư dân địa phương. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh từ nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp sang dịch vụ. Hoạt động nông nghiệp chỉ chiếm hơn 15% trong cơ cấu kinh tế vùng di sản.

Du lịch phát triển đã mang lại cơ hội việc làm mới, nâng cao thu nhập và cải thiện cuộc sống của cộng đồng dân cư địa phương. Trong quá trình bảo tồn di sản và phát triển du lịch bền vững, tỉnh luôn quan tâm và xác định cộng đồng dân cư có vai trò đặc biệt quan trọng, được ví như "hạt nhân", góp phần tạo nên thành công trong công tác bảo tồn di sản ở Tràng An.

Quần thể danh thắng Tràng An hiện đang tạo việc làm cho khoảng 10 nghìn lao động trực tiếp, 20 nghìn lao động gián tiếp. UNESCO đánh giá việc doanh nghiệp và người dân được tham gia bảo vệ, khai thác du lịch tại di sản thế giới Tràng An là một mô hình mẫu mực, cần nhân rộng.

Với quyết tâm quản lý, bảo tồn di sản gắn với phát triển du lịch, dịch vụ, tỉnh Ninh Bình coi trọng đặc biệt đến việc nâng cao nhận thức, tạo sinh kế bền vững, phát huy vai trò của cộng đồng dân cư trong công tác bảo tồn và quản lý giá trị di sản. Từ việc sở hữu di sản, được hưởng lợi từ di sản, người dân sẽ chung tay bảo vệ, coi di sản là tài sản của mình. Đồng thời tham gia đóng góp ý kiến xây dựng cơ chế, chính sách, đảm bảo sự cân bằng giữa bảo tồn di sản với sinh kế bền vững cho người dân.

Du lịch phát triển không chỉ tạo sinh kế bền vững cho người dân nơi đây mà còn góp phần khôi phục lại các giá trị văn hóa truyền thống có nguy cơ mai một, trong đó, có nghề thêu truyền thống ở xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư. Năm 1994, toàn xã Ninh Hải chỉ có khoảng 10 hộ làm thêu tay với mục đích gia công sản phẩm cho các công ty xuất khẩu thủ công mỹ nghệ. Nhờ du lịch phát triển, hàng trăm hộ trong xã đã khôi phục và phát triển nghề thêu ren truyền thống.

Đặc biệt, sau năm 2014, khi Quần thể danh thắng Tràng An trở thành Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, khách du lịch tăng mạnh, nhất là khách quốc tế, hoạt động du lịch trở thành kênh xúc tiến thương mại quan trọng giúp nhiều công ty xuất, nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ trên thế giới biết đến làng nghề thêu ren Ninh Hải, tìm về đặt hàng, thu mua sản phẩm. Từ đó, nghề thêu truyền thống ở nơi đây có cơ hội khôi phục và phát triển theo hướng phục vụ du lịch. Hiện nay, nghề thêu truyền thống ở xã Ninh Hải giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.

Để tiếp tục bảo tồn di sản, bên cạnh việc tạo sinh kế bền vững cho người dân trong vùng di sản, ông Bùi Thiện Thi - Bí thư Huyện ủy Hoa Lư - cho biết, thời gian tới, huyện chủ động rà soát, lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết khu, điểm dân cư trong vùng đệm, vùng lõi di sản làm cơ sở quản lý đất đai, trật tự xây dựng, quản lý di sản và làm cơ sở quy hoạch xây dựng, hình thành khu, điểm du lịch cộng đồng. Qua đó, tạo điều kiện cho cá nhân, hộ gia đình tham gia phát triển du lịch, tạo sinh kế cho người dân gắn với bảo vệ di sản bền vững.

NGUYỄN TRƯỜNG - XUÂN HÙNG
TIN LIÊN QUAN

Xuân về vang tiếng cồng, chiêng ở các bản Mường tại Ninh Bình

DIỆU ANH |

Ninh Bình - Khi những bông đào phai đang đua nhau khoe sắc, cũng là lúc đồng bào dân tộc Mường ở miền núi (huyện Nho Quan, Ninh Bình) tạm gác lại những khó khăn để tận hưởng không khí mùa Xuân. Lúc này, những tiếng cồng, chiêng quen thuộc lại vang lên khắp các bản Mường. 

Ninh Bình có 2 điểm đến được bình chọn Top 7 Ấn tượng Việt Nam 2022

DIỆU ANH |

Ninh Bình2 điểm đến của Ninh Bình được độc giả bình chọn là Nhà hàng tre Vedana ở hạng mục "Top 7 công trình kiến trúc độc đáo" và Khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long ở hạng mục "Top 7 điểm du lịch sinh thái".

5 ngôi chùa cổ kính ở Ninh Bình thu hút du khách dịp xuân về

Quỳnh Nga |

Ninh Bình không chỉ có danh lam thắng cảnh, còn có những ngôi chùa cổ kính, linh thiêng, hút du khách đến hành hương, tham quan mỗi dịp xuân mới.

Lý do UNESCO chọn Ninh Bình thí điểm dự án du lịch bền vững

Thúy Ngọc |

UNESCO ủng hộ những người phụ nữ chủ đò truyền thống tại Tràng An (Ninh Bình) tiếp tục phát huy cách thức tham quan di sản thân thiện với sinh thái này.