Ngày của tóc xanh và mắt ngân

Hoàng Văn Minh |

Rồi thì tôi cũng có được bức tranh hình người 4 chân, đầu toàn là dương xỉ và khuôn mặt cười như trẻ thơ nằm ở chỗ trái tim với hàm ý làm người phải biết đứng vững vàng trên mặt đất, không nhìn thế gian bằng trí tuệ mà luôn nhìn bằng trái tim… của một ông thầy mo đời thứ 9 tên Ketut của Bali như Elizabeth Gilbert đã kể trong “Ăn, cầu nguyện, yêu”. Nó giống như “tình người đôi mắt ngân”- như một câu thơ của Phật hoàng Trần Nhân Tông đã viết từ nhiều thế kỷ trước.

Để không thể hiện ra sự thô tục và thú tính

Trong số hơn 70 bài thơ mà Phật hoàng Trần Nhân Tông để lại cho hậu thế, có hai câu thơ tuyệt bút kiểu đọc một lần rồi nhớ mãi là “Số đời một màn kéo/ Tình người đôi mắt ngân”. Nó vừa là một định ngữ để ngăn cản cái ác, gợi mở sự hướng thiện, đồng thời cũng là một “tuyên ngôn” của Phật pháp bởi trên đời này chẳng có gì đẹp đẽ và thánh thiện hơn một ánh mắt nhìn trong trẻo đến mức nghe như có thể ngân lên thành tiếng hát, thành sự chia sẻ ngọt ngào, đồng cảm để tránh xa những thô tục và thú tính luôn tiềm ẩn trong mỗi con người.

Một ngôi đền ở Bali. Ảnh: H.V.M
Một ngôi đền ở Bali. Ảnh: H.V.M

Nghe hay như một phong tục đẹp đẽ ở Bali, mỗi đứa trẻ ở đây phải trải qua một nghi lễ của tuổi dậy thì rất quan trọng là dũa bằng răng nanh, hay còn gọi là “răng chó” để… làm đẹp! Vì ở Bali (hay ở đâu trên thế gian này cũng thế thôi), điều tệ hại nhất của con người là thể hiện ra sự thô tục và thú tính. Và những cái răng nanh được dũa bằng này chính là sự nhắc nhở về bản chất tàn bạo luôn trú ẩn trong chúng ta cần phải loại trừ.

Nhưng vấn đề là hình như tôi đã xa lâu lắm rồi cái thời của tóc xanh và “mắt ngân”. Và người Bali còn có một câu châm ngôn rất nổi tiếng là “Bhuta ia, dewa ia”. Nghĩa là con người là ma quỷ, con người là thánh thần. Và hiểu theo nghĩa nào thì cũng đều đúng!

Ví như mấy hôm lọ mọ ở vùng đất của các vị thần, không biết xui khiến thế nào tôi lại tìm đến đúng cái đền thờ rất nổi tiếng trên mạng với chuyện cách đây mấy năm, một cặp đôi người Estonia đã bị chính quyền địa phương phạt đến 2 ngàn USD vì tội lén làm chuyện người lớn trong đền.

Trung bình mỗi một người phụ nữ Bali dành đến 1/3 thời gian thức của mình cho việc thờ cúng. Ảnh: H.V.M
Trung bình mỗi một người phụ nữ Bali dành đến 1/3 thời gian thức của mình cho việc thờ cúng. Ảnh: H.V.M

Hôm đó trời chập choạng tối và đền thì vắng tới mức có thể nghe được tiếng gió len lỏi qua những thảm cọ ken dày trên mái đền. Nên tôi cứ đi tới đi lui rồi mỉm cười với những ý nghĩ miên man rằng nếu là mình của thời tóc xanh và “mắt ngân” qua đây, mà có khi cũng chả cần phải mắt xanh “tóc ngân, mình cũng chắc chắn phải đôi lần nộp phạt…

Là bởi ở Bali có đến hơn 20 ngàn ngôi đền lớn nhỏ khác nhau, nhưng chỉ có một số đền nổi tiếng, lớn, lâu đời có tên trong những cuốn cẩm nang hướng dẫn du lịch như Pura Besakih, Ulun Danu, Tanah Lot, Taman Ayun, Tirta Empul, Pura Luhur… luôn chật nêm khách du lịch. Còn lại những ngôi đền ở Bali thường rất vắng và gần như không có bảo vệ, còn bộ phần thu – bán vé chỉ loanh quanh ở ngoài cổng. Đã thế những ngôi đền thường rộng thênh thang và nhiều ngóc ngách, nên lang thang trong đó rất dễ bị phát khùng về cảm xúc.

Đền Pura Luhur bên bờ Ấn Độ Dương. Ảnh: H.V.M
Đền Pura Luhur bên bờ Ấn Độ Dương. Ảnh: H.V.M

Như hôm trước, trên bờ thành đá ở đền Pura Luhur, gần như tôi mộng du khi lần đầu tiên trong đời được chạm vào bờ biển Ấn Độ Dương đang hung dữ xô sóng vào bờ đá. Cũng như những lần đầu trong đời khác ở Biển Đen, biển Địa Trung Hải hay ở ngọn hải đăng Đại Lãnh – nơi đón bình minh đầu tiên ở Việt Nam dưới chân đèo Cả; là những địa đầu Sa Vỹ ngoài Móng Cái hay giữa hai bờ biển Đông –Tây ở cuối trời Cà Mau… Nơi đâu tôi cũng không biết làm sao để dằn xuống cảm giác muốn được làm chuyện gì đó khùng điên nhất trên đời mà mình có thể nghĩ ra được. Và tất nhiên những giây phút ấy, làm chuyện người lớn và nộp phạt cũng chỉ là chuyện vặt!

Những miền trú ẩn

Kỷ niệm là miền trú ẩn tuyệt vời nhất cho những buồn đau trong cuộc sống. Là khi tự nhiên tôi nghe nhớ vợ chồng nghệ sĩ Camille Huyền- những người đã từ bỏ cuộc sống nhiều người them muốn ở Châu Âu để trở về Huế sống một cuộc sống có phần lặng lẽ cùng cách lưu giữ quá khứ theo cách chẳng giống ai.

Kiểu như toàn bộ phần gạch, sành sứ… để xây lên “cung phủ” có tên là Bến Xuân rộng hơn 5 ngàn m2 ở thượng nguồn sông Hương để lưu giữ và quảng bá văn hóa Huế với bạn bè trong, ngoài nước là gạch cổ có tuổi đời hơn 300 năm được sưu tần, thu mua từng viên từ các công trình cổ loại ra ở Huế trong suốt hơn 10 năm ròng rã, phần lớn còn vẹn nguyên cả những dấu triện xuất xứ.

Camile Huyền đã lưu giữ thầy mình trên khung cửa như thế này ở Bến Xuân. Ảnh: H.V.M
Camile Huyền đã lưu giữ thầy mình trên khung cửa như thế này ở Bến Xuân. Ảnh: H.V.M

Và năm đó khi Bến Xuân sắp hoàn thành. Camille Huyền nhìn vào những cánh cửa gỗ ở phòng vẽ của mình và chợt thấy “nó trống vắng sao đó”. Một ý nghĩ lóe lên, bà phác thảo ra giấy chân dung 3 người thầy âm nhạc của mình (hai người Nhật và một người Thụy Sỹ) bằng… thứ ngôn ngữ âm nhạc kiểu như mặt người gắn lên thân một cây đàn nhìn rất lạ và sinh động. Xong bà nhờ những người thợ điêu khắc gỗ tạc lên những cánh cửa “để mình có thể sống với họ hàng ngày”.

Hôm khánh thành Bến Xuân, bà mời bằng được 3 người thầy trong tranh về Huế và tự tay họ ký tên mình vào những bức tranh trên khung của bên cạnh chữ ký của tác giả Camille Huyền. Tôi vẫn còn lưu giữ ánh mắt rưng rưng hạnh phúc cùng đôi tay run run của ông Walther Giger - nghệ sĩ Tây Bán Cầm danh tiếng trong ban nhạc ban nhạc thính phòng cổ điển Orches Trio Zurich (Thụy Sỹ) giây phút ông ký tên mình vào khung cửa. “Ở đây, chúng tôi sẽ được sống lâu hơn cuộc đời của mình” - Walther Giger nghĩ thế.

Minh họa của Hoàng Đặng
Minh họa của Hoàng Đặng

Hơn 10 năm trước, tôi há hốc mồm khi lần đầu tiên nghe Camille Huyền hát nhạc Cung Tiến bởi những bản phối cùng tiếng đàn Tây Ban Cầm quá đẹp, lạ cùng cách nhả chữ điêu luyện dù bà chỉ là một “tay mơ” âm nhạc. Mãi sau đận ký tá mới biết, Walther Giger chính là người thầy âm nhạc đầu tiên của Camille Huyền và cũng chính là tác giả những bản phối về Cung Tiến được làm cầu kỳ tới mức “tôi hoà âm sao cho phù hợp với tính tình của cô học trò".

Walther Giger luôn lắng nghe và nhìn Camille hát rồi muốn biết Camille nghĩ gì, thấy gì trong những ca khúc của Cung Tiến. Để rồi tiếng đàn và tiếng hát là cuộc đối thoại cùng vui cùng buồn cùng màu sắc, cùng nhịp đập, là tình cảm kín đáo của phương Đông và là sự xáo động phản kháng của phương Tây...

Walther Giger quá xứng đáng để sống dài hơn trên những khung cửa của Bến Xuân và trong tim Camille Huyền. Nhưng tôi vẫn thấy lo lo khi bất chợt nghĩ về những bức tranh khác – những bài báo của mình đã lỡ in thành sách về những nhân vật mình từng yêu quý và ngưỡng mộ bất ngờ thay đổi như sấp ngữa bàn tay; hay những kỷ niệm có lúc tưởng đủ để sống cùng mình hơn một cuộc đời bỗng dưng thành đắng chát. Và thế là miền trú ẩn của tôi tan vỡ…

Bên trong một nhà ông thầy mo Kutet giả. Ảnh: H.V.M
Bên trong một nhà ông thầy mo Kutet giả. Ảnh: H.V.M

Nhưng có vẽ như tôi lo thừa khi Camille Huyền bảo rằng: “Em à, yêu thương ai đó nghĩa là không hối tiếc. Vậy nên cuộc sống mới có chuyện buồn đong đưa…”. Rồi bất ngờ bà đong đưa thân mình trên tràng kỷ, miệng ậm ừ một giai điệu trong “Ca Dao Mẹ” của Trịnh Công Sơn trong “mẹ ngồi ru con, đong đưa võng buồn, đong đưa võng buồn…”. Bà hỏi “Minh có biết buồn đong đưa là răng không?”. Tôi lắc đầu. “Là như ri nì” – bà vừa đong đưa thân mình vừa hát thành lời.

Tác giả ở một ngôi đền bên Bali
Tác giả ở một ngôi đền bên Bali

Bất chợt bà ngưng lại, nói “như ri không hợp lẽ lắm. Buồn đong đưa thì phải đi liền với một giai điệu của Cung Tiến”. Rồi bà lại vừa đong đưa vừa hát bốn câu cuối cùng trong “Vết chim bay” của Cung Tiến phổ thơ Phạm Thiên Thư: “Cõi người có bao nhiêu/ mà tình sầu vô lượng/ còn chi trong giả tướng/ hay một vết chim bay”.

Tôi đứng tim bởi đây chính là “bài tủ” của Camille Huyền do chính Walther Giger hòa âm và chơi Tây Ban Cầm trong một CD từng “mưa gió” trong nhiều sự kiện âm nhạc ở trong và ngoài nước từ nhiều năm trước. Và tôi đã nghe hơn chục ca sĩ trong, ngoài nước của nhiều thế hệ hát “Vết chim bay”, nhưng chưa có bản hòa âm nào, cũng như chưa có ai hát mê say và chín đủ như Huyền Camille trong một miền trú ẩn Huế…

Vĩ thanh…

Giờ thì quay lại một chút với ông thầy mo Ketut và bức tranh hình người bốn chân không đầu. Số là trước khi đến Bali, tôi đã đọc đi đọc lại cuốn hồi ký – khảo cứu văn hóa Bali “Ăn, Cầu nguyện, Yêu” của Eliziabeth Gilbert. Đây là cuốn sách đã đưa tác giả này trở thành một trong bốn nhà văn được Tạp chí Time bình chọn vào danh sách 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2008.

Và tôi bị ám ảnh bởi ông thầy mo Kutet – một nhân vật dẫn truyện rất độc đáo đang sinh sống trong một ngôi làng ở Ubud của Bali. Ai đến Bali và từng đọc “Ăn, Cầu nguyện, Yêu” cũng một một lần được diện kiến thầy mo Ketut trong đời thực. Tôi không rõ ông ở đâu trong Ubud rộng lớn. Chỉ nhớ là trong sách Eliziabeth Gilbert viết đến nhà ông phải xếp hàng và phải mất khoảng 500 ngàn đồng tiền Việt gọi là phí để mua một bức tranh và nghe ông bói toán về tương lai của mình rất thú vị.

Và “thần linh ơi”, trên đường từ làng Tagelalang thăm ruộng bậc thang trở về thì tim tôi bấn loạn khi nhìn thấy một ngôi nhà rất đẹp có bảng hiệu Ketut’s Home (nhà ông Ketut) đang cho thuê homestay. Bất ngờ là tôi chẳng phải xếp hàng vì nhà vắng khách và tiếp tôi là một cô gái còn rất trẻ, xưng “là cháu gái của ông Ketut” và bảo “ông Ketut đang đi vắng”.

Tôi hơi tiếc nhưng cũng tự nhủ dù sao cũng tốt hơn không có gì khi cầm trong tay bức tranh vẽ người 4 chân nhưng không có đầu và mặt người nằm ở chỗ trái tim do ông Ketut vẽ như  Eliziabeth Gilbert viết trong sách. Nhưng về tới Việt Nam, chuyện với một “thổ địa Bali” thì mới té ngữa là tôi mua nhầm tranh giả từ nhà của một ông… Ketut giả! Hóa ra sau khi “Ăn, Cầu nguyện, Yêu” xuất bản vào năm 2006 và được dựng thành phim sau đó, ở Ubud của Bali hiện có hơn… chục ông thầy mo Kutut ở gần chục nơi khác nhau và ở đâu nhà cũng có bảng hiệu “Ketut’s Home” để kinh doanh homestay và bán tranh cho những du khách nước ngoài ngơ ngơ ngẩn ngẩn như tôi.

Ông Kutet thật đã qua đời, nhưng ở Ubud của Bali hiện có gần chục “nhà ông Kutet” giả như thế này. Ảnh: H.V.M
Ông Kutet thật đã qua đời, nhưng ở Ubud của Bali hiện có gần chục “nhà ông Kutet” giả như thế này. Ảnh: H.V.M

Và tôi tuyệt vọng bởi ông Kutut thật đã qua đời, nghe đâu ngôi nhà của ông hiện đã thành…resort, một người con trai của ông Kutut đang nối nghiệp cha mình để vẽ tranh, xem bói phục vụ khách du lịch. Nhưng muốn gặp được ông này thì phải đăng ký trước cả tháng!

Nhưng không sao cả, dù ngôi nhà và bức tranh đó là giả, nhưng tinh thần của một cái đầu chỉ chứa toàn lá dương xỉ, phải biết đứng vững vàng trên mặt đất bằng chân của mình, không nhìn thế gian bằng trí tuệ mà luôn nhìn bằng trái tim… của ông thầy mo Ketut đời thứ 9 ở Bali cũng như sự hát lên “tình người đôi mắt ngân” trong thơ của Phật hoàng Trần Nhân Tông và miền trú ẩn của tôi không bao giờ tan vỡ dù có cách xa nhau nghìn trùng thì luôn có thật, rất thật…

Hoàng Văn Minh
TIN LIÊN QUAN

Đón Tết ở Hội An, vừa vui vừa có... quà lớn

Tường Minh |

“Tết miền di sản” là tên của chuỗi hoạt động chào Xuân Kỷ Hợi, diễn ra từ ngày 11.1 đến 11.2.2019 tại Công viên Ấn tượng Hội An với nhiều hoạt động đặc sắc. Đặc biệt, “lộc xuân” lì xì may mắn cho khách mua vé xem show Ký ức Hội An tại “Tết miền di sản” có tổng trị giá lên tới 1,5 tỷ đồng.

Trải nghiệm cưỡi voi – cả Việt Nam chỉ còn mỗi chốn này

Hoàng Văn Minh |

Giờ ở Tây Nguyên (và cả Việt Nam), nếu muốn trải nghiệm du lịch cưỡi voi thì chỉ còn duy nhất một địa chỉ là Hồ Lăk (huyện Lăk, tỉnh Đăk Lăk), cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 50km.

Chiêm ngưỡng 7 ngôi đền thiêng nổi tiếng nhất Bali

Hoàng Văn Minh |

Bali – hòn đảo của Indonesia này chỉ có hơn 3 triệu dân nhưng có đến hơn 20 ngàn ngôi đền Hindu lớn nhỏ. Trong đó có 7 ngôi đền lớn và thiêng nổi tiếng nhất với những dấu ấn văn hóa, kiến trúc cùng những truyền thuyết về sự hình thành khác nhau.

Bali – xứ sở không có nhà cao quá ba tầng

Hoàng Văn Minh |

Một trong những yếu tố khiến Bali của Indonesia trở thành một “thiên đường du lich” với mỗi năm đón hơn 6 triệu lượt khách quốc tế chính là yếu tố văn hóa truyền thống thấm đẫm trong từng công trình kiến trúc và không gian sống.

Đón Tết ở Hội An, vừa vui vừa có... quà lớn

Tường Minh |

“Tết miền di sản” là tên của chuỗi hoạt động chào Xuân Kỷ Hợi, diễn ra từ ngày 11.1 đến 11.2.2019 tại Công viên Ấn tượng Hội An với nhiều hoạt động đặc sắc. Đặc biệt, “lộc xuân” lì xì may mắn cho khách mua vé xem show Ký ức Hội An tại “Tết miền di sản” có tổng trị giá lên tới 1,5 tỷ đồng.

Trải nghiệm cưỡi voi – cả Việt Nam chỉ còn mỗi chốn này

Hoàng Văn Minh |

Giờ ở Tây Nguyên (và cả Việt Nam), nếu muốn trải nghiệm du lịch cưỡi voi thì chỉ còn duy nhất một địa chỉ là Hồ Lăk (huyện Lăk, tỉnh Đăk Lăk), cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 50km.

Chiêm ngưỡng 7 ngôi đền thiêng nổi tiếng nhất Bali

Hoàng Văn Minh |

Bali – hòn đảo của Indonesia này chỉ có hơn 3 triệu dân nhưng có đến hơn 20 ngàn ngôi đền Hindu lớn nhỏ. Trong đó có 7 ngôi đền lớn và thiêng nổi tiếng nhất với những dấu ấn văn hóa, kiến trúc cùng những truyền thuyết về sự hình thành khác nhau.

Bali – xứ sở không có nhà cao quá ba tầng

Hoàng Văn Minh |

Một trong những yếu tố khiến Bali của Indonesia trở thành một “thiên đường du lich” với mỗi năm đón hơn 6 triệu lượt khách quốc tế chính là yếu tố văn hóa truyền thống thấm đẫm trong từng công trình kiến trúc và không gian sống.