Bánh hòn - thơm thảo quà quê Vĩnh Phúc

NHÓM PV |

Ngoài bánh chưng, giò lụa, dưa hành… trong mâm cơm dịp Tết, lễ... của người Vĩnh Phúc thường có bánh hòn.

Với người dân Vĩnh Phúc bánh hòn là món ăn thường có mỗi dịp lễ Tết, giỗ chạp, được sánh ngang với nem, chả, giò, mọc. Gia đình anh chị Phan Thị Hà, 58 tuổi (phường Hội Hợp, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc), vẫn luôn sum vầy vào những dịp đặc biệt. Ông bà, cha mẹ, con cháu và hàng xóm láng giềng cùng nhau nặn bánh hòn.

Hình ảnh 3 thế hệ quây quần cùng nhau nặn bánh (Ảnh: Trà My)
Ba thế hệ quây quần cùng nhau nặn thứ bánh truyền thống của người Vĩnh Phúc. Ảnh: Trà My

Theo chị Hà, bánh hòn được truyền lại từ thời các cụ. Cái tên bánh hòn nghe thật mộc mạc và thân thương. Bánh to bằng trái chanh, hay quả bóng bàn.

“Món bánh hòn quê tôi thường được xuất hiện ở các dịp lễ, Tết, thậm chí là cả trên mâm cỗ cưới, giỗ chạp. Nhưng ngày nay, cuộc sống khấm khá hơn, bà con thường rủ nhau nặn bánh. Cách ngày lại nặn một mẻ bánh, vừa để ăn, vừa để chỉ dạy và gìn giữ nét đẹp truyền thống cho các cháu” - chị Hà chia sẻ

Loại gạo được chọn để làm bánh là loại gạo tẻ ngon, gạo Tám hoặc gạo khang dân. Gạo cần vo thật sạch, đãi sạn, ngâm nước lã khoảng 3 - 4 giờ.

Sau đó, gạo cần được xóc sạch thêm lần nữa, vớt ra rá, để ráo nước. Khi gạo khô, bạn đem nghiền được bột nhỏ mịn, không nên để lâu vì bột sẽ nhanh bị chua. Đổ thành phẩm bột và nước vào trong nồi gang, đun dưới bếp củi với lửa lớn, khuấy đều tay đến khi bột sánh, chất bột xôm xốp là có thể nặn được.

Chị Hà chuẩn bị bột bánh (Ảnh: Trà My)
Chị Hà chuẩn bị bột bánh. Ảnh: Trà My

Để cho ra thành phẩm bánh hòn ngon, không thể thiếu phần nhân. Hành lá tươi, thái nhỏ; thịt đem xay ra, rang chín tới ngọt thịt cùng với mộc nhĩ băm nhỏ. Ngoài ra, ở riêng phường Hội Hợp nơi đây, người dân còn cho thêm lạc rang đã giã để tăng độ thơm, bùi.

Bên cạnh nguyên liệu cần có cho nhân bánh, cần có thêm 1 bát mỡ để khi nặn bánh không dính tay và tăng độ thơm béo (Ảnh: Trà My)
Bên cạnh nguyên liệu cần có cho nhân bánh, cần có thêm 1 bát mỡ để khi nặn bánh không dính tay và tăng độ thơm béo. Ảnh: Trà My

Tới khâu nặn bánh, người làm dàn miếng bột, cho nhân vào giữa, rồi vuốt nặn, bịt kín miệng lại như hình quả bóng bàn. Từng lớp bánh hòn đem xếp dần vào chõ đang nghi ngút hơi nước nóng. Đun nhỏ lửa đến khi hương thơm bay ra ngào ngạt, mở vung ra thấy những hòn bánh đã ngả màu trắng trong là bánh đã chín.

Thành phẩm bánh hòn được hấp trong chõ thoảng hương thơm nức (Ảnh: Trà My)
Bánh hòn hấp trong chõ tỏa hương thơm nức. Ảnh: Trà My

Tự hào về món bánh truyền thống của quê hương, cụ Nguyễn Thị Quyến (83 tuổi), hàng xóm thường xuyên tới nhà chị Hà để cùng làm bánh hòn, cho biết: “Đây là món bánh được coi là thức quà quê của chúng tôi, tuy dân dã nhưng bà con chúng tôi luôn tự hào về đồng bánh hòn”.

“Vào ngày nghỉ của các cháu, chúng tôi sẽ làm bánh để ăn, đồng thời truyền lại phong tục để các cháu đi xa vẫn mãi nhớ quê hương, nhớ bánh hòn Vĩnh Phúc. Mỗi lần như thế, các cháu bé vô cùng thích thú mà tôi cũng thấy phấn khởi”, bà nói.

Sau khi bánh đã chín, gia đình trình bày lên gian thờ cúng ông bà tổ tiên. Sau đó, cả gia đình thụ lộc, vừa thưởng thức bánh hòn, vừa cùng nhau chia sẻ về công việc, chuyện thường ngày.

Mọi người cùng thưởng thức món bánh hòn (Ảnh: Trà My)
Thưởng thức món bánh hòn. Ảnh: Trà My

Ngọc Bích - cháu nội chị Hà, hào hứng chia sẻ: “Con được bà dạy làm bánh hòn từ bé, nên bây giờ con nặn bánh rất nhanh. Con hay ăn bánh hòn vào mỗi sáng trước khi đi học vì thấy rất ngon và no”.

Những lần làm bánh dư ra một chút, chị Hà và các hộ gia đình ở tỉnh Vĩnh Phúc thường đóng hộp để bán. Đặc sản dân dã này được rất nhiều du khách thập phương tìm mua. Một số nơi trong tỉnh như xã Hợp Thịnh, thành phố Phúc Yên thành lập tổ liên gia chuyên sản xuất và nhận đặt bánh hòn cho các dịp lễ, tiệc cưới xuyên tỉnh.

Bánh hòn thường được thưởng thức cùng với nước mắm tỏi ớt để tăng thêm sự đậm đà (Ảnh: Trà My)
Bánh hòn thường được thưởng thức cùng với nước mắm tỏi ớt để tăng thêm sự đậm đà. Ảnh: Trà My

Qua bao năm tháng, món bánh hòn vẫn được người dân tỉnh Vĩnh Phúc lưu truyền, gìn giữ cho con cháu. Nếu ai có dịp đi qua mảnh đất Vĩnh Phúc thân thương, đừng quên thưởng thức bánh hòn - thức quà quê dân dã mà đậm đà bản sắc quê hương.

NHÓM PV
TIN LIÊN QUAN

Bánh mì Việt và hành trình trở thành đặc sản đường phố ngon nhất thế giới

Minh Anh |

Từ chiếc bánh baguette du nhập từ Pháp, bánh mì Việt Nam trở thành món ăn bình dân được vinh danh trên nhiều trang báo và tạp chí ẩm thực thế giới.

Loạt bánh mì độc lạ từ các nước trên thế giới khác xa bánh mì Việt Nam

Thanh Hải |

Ngoài Việt Nam, các đất nước khác cũng có những món bánh mì được chế biến vừa đẹp mắt vừa ngon miệng.

3 tiệm bánh croissant ngon ở Hà Nội được lòng thực khách

Phương Chi |

Bánh croissant hay còn được gọi là bánh sừng bò đang là món bánh thịnh hành đang được giới trẻ tại Hà Nội yêu thích.

Vườn hồng cổ thụ trăm tỉ đồng ở Vĩnh Phúc

An Nhiên |

Vĩnh Phúc có một vườn hồng cổ thụ rực rỡ sắc hương hấp dẫn du khách check-in.