Quê hương của “Cây chu đá, lá chu đồng”

Lâm Bằng |

“Một vùng non nước đẹp như tranh”, câu ví von ở đâu đó, thật đúng với Bá Thước. Mỗi lần đi từ Đồng Tâm lên phía Hồi Xuân, đến chặng làng Cha, nhìn xuống dòng sông Mã uốn lượn dưới chân dãy núi hùng vĩ, cao ngất, tôi đứng lại hồi lâu, ngắm mãi không chán.

Pù Luông nghe lạ, nghe quen

Đến Bá Thước là phải đến Pù Luông. Chưa đến Pù Luông coi như chưa đến Bá Thước. Pù Luông, cái tên nghe lạ, nghe quen.

Chiếc xe Nissan đưa chúng tôi rời thị trấn Cành Nàng đi về phía Pù Luông. Len lỏi dưới những tán cây rậm rạp, những cung đường khúc khuỷu, những cua tay áo, chỉ độ hai mươi phút sau chúng tôi đã có mặt ở bản Nông Công, xã Thành Sơn, một bản người Thái cách thị trấn huyện hơn mười lăm cây số, vùng lõi của khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông.

Cảnh đẹp quá. Vừa bước xuống xe, mấy người bạn đồng hành, cô nào cô nấy đều rút điện thoại ra, tạo dáng, bấm nhoay nhoáy. Cứ làm như không chụp nhanh thì cảnh đẹp lẩn mất.

Những mái nhà sàn truyền thống thấp thoáng trong bìa rừng, dưới tán cây cao vút. Những máng nước, những máng khua luống, bậc cầu thang, vài khóm giáy dại bung hoa đỏ chót... một cái gì đó như đã quen thuộc từ lâu. Lâu lắm rồi, tôi mới được gặp lại mái nhà sàn của làng bản.

 
Nếp nhà sàn người Thái.
Ngôi nhà sàn mái lá là một đặc trưng của miền núi xứ Thanh, một điểm xuyết của vùng cao, là nét văn hóa đặc sắc của đồng bào thượng du, có mặt trong đời sống cư dân từ cả chục vạn năm trước, giờ đã hiếm lắm rồi. Thường, trong mỗi căn nhà sàn của người vùng cao có tới ba bốn thế hệ chung sống, truyền tới bốn năm đời. Những câu chuyện, những tlêu, mo, xường, những lời ru, điệu hát, câu ví, câu ca dao, phong dao... Rồi những truyền thuyết, tập quán, lệ tục… đều từ đó mà ra. Đều tiềm ẩn dưới mái nhà sàn…

Nhưng, nhà sàn truyền thống giờ đã vắng đi khá nhiều. Vắng cả về hiện vật lẫn tinh thần tiềm ẩn trong hiện vật. Có còn mấy đâu những Chươởng paải (khung dệt thổ cẩm), những Raán tlu (chuồng trâu), Voóng banh (gian ngoài cùng bên trái nhà sàn), những cạy maạng (máng gõ nhạc khua luống) gõ nhịp khua luống… Âu đó cũng là cái giá của sự phát triển thiếu tính quy luật.

 
Học sinh Trường THCS Dân tộc Nội trú Bá Thước biểu diễn khua luống trong các hoạt động của nhà trường. Ảnh: X.C
Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông có diện tích tới gần 18 nghìn mẫu Anh, nằm trên hai huyện Quan Hóa và Bá Thước, cách tỉnh lỵ Thanh Hóa 130 cây số. Nơi đây có hệ thống rừng nguyên sinh phong phú, nhiều hang động, thác nước, sông suối… nguyên sơ. Đặc biệt là phong tục, tập quán sinh hoạt của người Thái, cư dân chính của vùng này, vẫn còn rất phong phú và đặc sắc, chưa bị pha tạp và chưa bị “xuôi hóa” bao nhiêu. Đó là điều đáng quý, tôi thầm nghĩ vậy.

Quê hương của “Cây chu đá lá chu đồng…”

Bản Đôn xã Thành Lâm như một vệt mây mỏng, len lỏi dưới cây rừng. Đây là một bản người Thái, và cũng là trong số ít bản của Bá Thước còn giữ được nếp nhà sàn với cửa voóng thơ mộng, với máng khua luống, mó nước róc rách và chiều chiều đàn trâu về bản mang theo tiếng mõ lốc cốc. Trong bóng nắng trải dài của chiều vùng cao, một vài lưng gùi xuống núi thấp thoáng váy áo thổ cẩm sặc sỡ, một điểm xuyết riêng của vùng cao, mà giờ đây không còn nhiều. Phía xa xa là đỉnh Pha Phứng hùng vĩ quanh năm mây phủ và con suối Tếch róc rách ngày đêm.

Bản Đôn là một trong các điểm du lịch cộng đồng của Bá Thước. Được tỉnh Thanh Hoá quan tâm bảo tồn các giá trị vật thể và phi vật thể của cộng đồng người Thái bản địa.

 
Ruộng bậc thang Bá Thước. Ảnh: Lâm Bằng

Vùng đất của “Cây chu đá lá chu đồng…” này cũng là nơi sản sinh ra trường ca Khăm Panh của người Thái (ở Mường Khoòng) và sử thi Đẻ đất đẻ nước của người Mường Ai, Mường Ống, mà dấu tích còn lưu lại ở đồi Chu xã Thiết Ống. Gần năm mươi năm trước, sử thi Đẻ đất đẻ nước (Teẻ taẩt teẻ raạc) của người Mường, lần đầu tiên được các nhà nghiên cứu Vương Anh, Hoàng Anh Nhân sưu tầm.

Trường ca Khăm Panh và sử thi Đẻ đất đẻ nước là những tuyệt phẩm văn học dân gian, có một số phận hết sức may mắn là còn hiện hữu trong đời sống văn hóa của người Thái, người Mường Thanh Hóa. Trong khi nhiều di sản văn hóa khác đang bị mai một và thất truyền. Đồi Lai Li, Lai Láng, nơi phát tích sự tích “Cây chu đá lá chu đồng, Bông thau quả thiếc”, rồi tình sử Nàng Ờm - chàng Bông Hương, những áng dân ca Xường mường Ống, mường Ai… là những di sản văn hóa đặc sắc và vô cùng quý báu, không chỉ riêng của người Mường, người Thái Bá Thước, mà là của chung của nhân loại. Thiết tưởng, cần có chính sách bảo tồn và phát huy hữu hiệu trước khi nó bị mai một.

Một nét đặc sắc nữa của vùng cao châu Tân Hóa xưa, là đây cũng là quê hương của nhiều lễ hội dân gian, như lễ hội Pồn pôông, lễ hội Mường Khô, các điệu xường gốc của người Mường.

Tiềm năng cần được đánh thức

Bá Thước quả là có tiềm năng về du lịch rất dồi dào. Nhưng chỉ dồi dào thì chưa đủ. Cần phải có đầu tư. Phải mời gọi các nhà đầu tư. Đặc biệt là các nhà đầu tư có tầm nhìn xa, có tấm lòng với quê hương, với văn hóa dân tộc, để có thể giải được bài toán văn hóa và lợi nhuận. Trải thảm đỏ, nhưng cũng nên biết từ chối những trọc phú coi lợi nhuận là trên hết, chỉ toan giành được lợi ích kinh tế bằng mọi giá và bất chấp… Làm giàu là khó, cực khó. Nhưng bảo tồn, phát huy những giá trị của văn hóa được hun đúc cả vạn năm, còn khó hơn nhiều.

Ông Trương Văn Lịch - Bí thư Huyện ủy Bá Thước cho tôi biết, Bá Thước coi du lịch là mũi nhọn trong phát triển kinh tế. Huyện đã giành nhiều ưu đãi cho đầu tư, song song với việc phát huy tiềm năng sẵn có, như khôi phục các làng nghề truyền thống, đặc sản ẩm thực, các lễ hội và các sinh hoạt văn hóa tâm linh khác.

 
Khu nghỉ dưỡng ở Pù Luông ngày càng thu hút khách du lịch quốc tế. Ảnh: Lâm Bằng.

Tôi thầm nghĩ, triển khai được chủ trương này, Bá Thước sẽ thu hút được rất nhiều du khách, nhất là khách nước ngoài. Vì, người ta vượt cả nghìn cây số đến đây không phải để ở nhà cao tầng với bốn bước tường bêtông, ngủ phòng điều hòa, uống rượu tây, ăn bánh mì pho mát…

Chỉ riêng ở Pù Luông, khu bảo tồn thiên nhiên quý giá, nổi tiếng này, du khách đến đây ngoài thưởng ngoạn cảnh quan, cũng sẽ được thưởng thức những món ăn dân dã mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và hương vị của núi rừng, gợi cho ta cảm nhận khó quên, như gà đồi, ốc đá, măng chua, măng đắng, canh đắng, cơm lam, hoa chuối rừng nộm, vịt Cổ Lũng nổi tiếng, lợn rừng, rượu ngô, rượu cần…

Đến Bá Thước cũng sẽ được tham quan các làng nghề truyền thống, như nghề dệt thổ cẩm ở xã Lũng Niêm, nghề thêu ren ở xã Cổ Lũng, đan lát Ái Thượng, Điền Hạ, Cổ Lũng, đan cót ở Điền Trung, Lương Nội, Điền Hạ; nghề ủ rượu cần ở Điền Hạ, Ban Công, Cổ Lũng, v.v… Rượu cần ở Điền Hạ, Ban Công có hương thơm đặc trưng, vị ngọt, đậm. Uống rượu cần Bá Thước dễ quên đường về.

Nằm trong quần thể các hang động dọc sông Mã, Bá Thước có nhiều địa chỉ được các nhà khảo cổ học khai quật và có số liệu chứng minh là địa chỉ cư trú của người Việt Cổ như: Mái đá Điều, Mái đá Nước, hang Anh Rồ làng Khiêng xã Hạ Trung; hang Làng Tráng xã Lâm Xa; hang làng Cốc xã Thiết Ống; hang làng Chuông xã Văn Nho. Trong đó di chỉ Mái đá Điều đã được xếp hạng Di tích khảo cổ học từ năm 2004.

Bá Thước nhất định sẽ trở thành huyện giàu và đẹp ở miền tây xứ Thanh. Tôi hy vọng điều đó sẽ đến với Bá Thước, đến với quê hương của sử thi Đẻ đất đẻ nước, của trường ca Khăm Panh, của truyền thuyết Nàng Ờm-chàng Bông Hương... quê hương của “Cây chu đá, lá chu đồng; Bông thau quả thiếc”…

Mời bạn đọc tham gia cuộc thi viết về con người và vùng đất Thanh  Hoá với các nội dung cơ bản: Xứ Thanh - Vùng đất địa linh, nhân kiệt: Viết về những giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể của vùng văn hoá xứ Thanh; Thanh Hoá kiên cường trong lửa đạn: Viết về ký ức chiến tranh, sự anh dũng hy sinh, những chiến công của quân và dân Thanh Hoá trong các cuộc chiến tranh vệ quốc; và Thanh Hoá với khát vọng thịnh vượng: Viết về quá trình đi lên, phát triển mạnh mẽ của Thanh Hoá trong những năm qua, tạo đà cho sự phát triển vượt bậc của Thanh Hoá.

Địa chỉ nhận bài dự thi: phongsuduthithanhhoa@gmail.com

Lâm Bằng
TIN LIÊN QUAN

Danh tính nạn nhân trong cabin xe tải dưới cầu Phong Châu

Tô Công |

Phú Thọ - Cơ quan Công an đã xác định được danh tính nạn nhân được phát hiện trong cabin xe tải gần khu vực cầu Phong Châu bị sập.

Thông báo Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

. |

Thực hiện Chương trình làm việc toàn khóa, Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII họp từ ngày 18.9 đến ngày 20.9.2024 tại Thủ đô Hà Nội.

CLB Thanh Hóa đánh bại Công an Hà Nội tại vòng 2 V.League

HOÀNG HUÊ - MINH DÂN |

Câu lạc bộ Thanh Hóa giành chiến thắng 1-0 trước đội Công an Hà Nội ở vòng 2, qua đó giành 3 điểm đầu tiên ở LPBank V.League 2024-2025.

Quan hệ với Tổng Công hội Trung Quốc đặc biệt được coi trọng

Kiều Vũ - Hải Nguyễn |

Hà Nội - Ngày 20.9, diễn ra Hội đàm giữa Tổng LĐLĐVN và Tổng Công hội Trung Quốc (ACFTU).

Thông xe cao tốc Nội Bài - Lào Cai sau 8 ngày sạt lở

Đinh Đại |

Sự cố về sạt lở đã khiến nút giao cao tốc Nội Bài – Lào Cai (IC18) không thể hoạt động và mất nhiều ngày để khắc phục.

Cựu lãnh đạo SCB khai mẹ và dì cũng là bị hại của mình

Tâm Tú |

TPHCM - Cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB - Trương Khánh Hoàng cho biết, bản thân ân hận, xót xa vì có nhiều bị hại trong vụ án, trong đó có mẹ và dì của bị cáo.

Đánh người đấu giá đất ngay trụ sở UBND thị trấn ở Bình Định

Hoài Phương |

Công an huyện Phù Cát (Bình Định) đang vào cuộc làm rõ vụ đánh người tham gia đấu giá đất xảy ra tại trụ sở UBND thị trấn Cát Tiến.

Quảng Nam sẽ xây nhà mới cho cả làng bị họa sạt lở đe dọa

Hoàng Bin |

Quảng Nam sẽ bố trí tái định cư trước Tết cho cả ngôi làng phải di dời khẩn cấp do vết nứt lớn trên đồi cao đe dọa.