8 bảo vật quốc gia ở tỉnh An Giang sẽ được bảo tồn như thế nào?

PHONG LINH |

Để giữ gìn và phát huy giá trị của 8 bảo vật quốc gia của nền văn hóa Óc Eo, tỉnh An Giang sẽ đẩy mạnh công tác bảo vệ, quảng bá đến người dân, khách du lịch trong nước và quốc tế.

Lưu giữ hiện vật độc bản, hiếm nhất và duy nhất

Phục vụ khách tham quan, thưởng lãm, bảo tàng tỉnh An Giang và Nhà trưng bày văn hóa An Giang đã chủ trương cho trưng bày hàng trăm hiện vật của nền văn hóa Óc Eo của Nam bộ. Trong đó, 8 bảo vật quốc gia nhận được nhiều sự quan tâm của khách và giới nghiên cứu bởi tính độc bản cao, có bảo vật hiếm nhất và duy nhất.

 
Nhà trưng bày văn hóa Óc Eo, nơi lưu giữ 2 trong số 8 bảo vật quốc gia được lưu giữ tại An Giang. Ảnh: Phong Linh

8 bảo vật quốc gia tại An Giang gồm: Phù điêu Phật Linh Sơn Bắc, tượng Phật đá Khánh Bình, tượng Phật gỗ Giồng Xoài, Tượng thần Brahma Giồng Xoài, bộ Linga - Yoni, bộ Linga  - Yoni Linh Sơn, Nhẫn Nandin Giồng Cát và tượng Mukhalinga Ba Thê.

Gây chú ý là tượng thần Brahma Giồng Xoài được tìm thấy năm 1983 tại di tích Giồng Xoài, có niên đại thế kỷ VI - VII. Tượng thần bằng đá này được giám định có niên đại sớm nhất và duy nhất thuộc văn hóa Óc Eo còn lại hiện nay.

 
Bảo vật quốc gia Tượng thần Brahma Giồng Xoài. Ảnh: Phong Linh
 
Tượng thể hiện tỉ lệ vàng trong đặc điểm giải phẫu cơ thể học của nghệ thuật Ấn - Âu. Ảnh: Phong Linh

Theo Bảo tàng tỉnh An Giang, tượng thể hiện chặt chẽ các đặc điểm quy chuẩn của một tượng thần Brahma với nhiều nét đặc điểm của nghệ thuật Ấn-Âu: Tỉ lệ vàng trong đặc điểm giải phẫu cơ thể học (đầu tượng có tỷ lệ bằng 1/2 so với độ rộng vai), khuôn mặt trái xoan với mũi thẳng và sống mũi khá cao; cổ thấp ngắn, đôi mắt hình hạnh nhân hơi xếch, đôi môi dầy, hai tai dài và mọng, phần thùy tai được căng rất rộng.

Vì lý do trên mà tượng thần Brahma Giồng Xoài được đánh giá tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật thế kỷ VI sang đầu thế kỷ VII ở vùng châu thổ sông Cửu Long hay châu thổ sông Mekong, nhiều nơi trong khu vực Đông Nam Á.

 
Bộ linga - yoni duy nhất bằng kim loại vàng, đồng thau, được phát hiện trong cuộc khai quật di tích đá nổi năm 1985. Ảnh: Phong Linh

Còn đối với Bộ Linga - Yoni được trưng bày tại bảo tàng cũng là bộ linga - yoni duy nhất bằng kim loại vàng, đồng thau ghép lại thống nhất. Sản phẩm tiêu biểu cho dấu ấn lịch sử sâu đậm của văn hóa Ấn Độ đối với vùng đất Nam Bộ và khu vực Đông Nam Á trong nửa sau thiên niên kỷ I.

Đẩy mạnh công tác bảo tồn, quảng bá

Ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 41/QĐ-TTg công nhận bảo vật quốc gia (đợt 11) vào ngày 30.1.2023, tượng Mukhalinga Ba Thê trở thành bảo vật quốc gia thứ 8 của nền văn hóa Óc Eo được lưu giữ tại An Giang.

Chia sẻ với Lao Động, Giám đốc Bảo tàng tỉnh An Giang Hồ Thị Hồng Chi cho biết, đã lên kế hoạch công tác bảo tồn, bảo vệ bảo vật quốc gia và tiếp tục quảng bá, tuyên truyền nét đẹp văn hóa Việt Nam đến du khách trong, ngoài nước.

 
Mukhalinga vừa được công nhận là bảo vật quốc gia. Ảnh: Phong Linh
 

"Bảo tàng tỉnh sẽ bố trí trưng bày bảo vật quốc gia Mukhalinga tại phòng trưng bày bảo vật quốc gia. Đồng thời tiếp tục tham mưu UBND tỉnh, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch trong việc bảo quản và phát huy giá trị của các bảo vật quốc gia cũng như các hiện vật tại bảo tàng" - bà Chi cho biết.

Theo đó, bảo tàng sẽ xây dựng và triển khai hiệu quả các  chương trình đặc biệt dành cho việc quảng bá giá trị của bảo vật quốc gia gắn với tuyên truyền, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Phối hợp cùng đơn vị chuyên môn bảo quản bảo vật quốc gia định kỳ, sử dụng kỹ thuật bảo quản phù hợp với từng loại hiện vật.

Đồng thời, đầu tư trang thiết bị và phương tiện các kho hiện vật đáp ứng tiêu chuẩn kho hiện vật bảo tàng theo quy định. Đảm bảo công tác bảo quản hiện vật đặc biệt là hiện vật quý hiếm, phục vụ công tác lựa chọn hiện vật, lựa chọn bảo vật quốc gia trong thời gian tới.

Bảo tàng tỉnh An Giang và Nhà trưng bày Văn hóa Óc Eo tiếp tục đẩy mạnh công tác giữ gìn và phát huy giá trị của bảo vật quốc gia. Ảnh: Phong Linh
Bảo tàng tỉnh An Giang và Nhà trưng bày Văn hóa Óc Eo tiếp tục đẩy mạnh công tác giữ gìn và phát huy giá trị của bảo vật quốc gia. Ảnh: Phong Linh
 
Du khách quốc tế thích thú chiêm ngưỡng các hiện vật văn hóa Óc Eo tại Nhà trưng bày văn hóa Óc Eo. Ảnh: Phong Linh

Phía đại diện Nhà trưng bày Văn hóa Óc Eo đẩy mạnh công tác tuyên truyền bảo vật quốc gia đến du khách quốc tế bởi thực tế cho thấy rất nhiều khách muốn tìm hiểu, nghiên cứu về văn hóa Óc Eo của Việt Nam. Đây cũng được xem là biện pháp kích cầu du lịch của địa phương, để Óc Eo không chỉ còn là vùng đất mang tên văn hóa mà còn trở thành điểm nhấn du lịch của tỉnh nhà.

PHONG LINH
TIN LIÊN QUAN

Bánh ngọt người Chăm An Giang – “độc” từ hương vị đến tên gọi

Lục Tùng |

 An Giang – Người Chăm ở An Giang có nhiều loại bánh ngọt độc đáo từ hương vị cho đến tên gọi.

Khám phá chùa Vạn Linh trên Núi Cấm, An Giang

Chí Long (Ảnh: Henry Dương) |

Chùa Vạn Linh trên đỉnh Núi Cấm là điểm đến mà du khách không thể bỏ qua trên hành trình hành hương bái phật khi đến với vùng đất An Giang.

Câu chuyện về cụ cây đứng giữa đường ở Ba Chúc - An Giang

HÀN LÂM |

An Giang được xem là mảnh đất ẩn chứa nhiều câu chuyện huyền bí ở miền Tây, và câu chuyện "cây thiêng" mọc giữa đường cũng không ngoại lệ.