Cảm xúc trỗi dậy khi đứng trước tháp Kinh luân ở Đơn Dương, Lâm Đồng

bảo chân |

Đến thời điểm này, trên bản đồ du lịch của Đơn Dương, Samten Hills Dalat, nơi có tháp kinh luân lớn nhất thế giới là địa chỉ đầu tiên và duy nhất chính thức tiếp đón du khách khắp nơi trên thế giới đến tham quan, lưu trú.

ĐI THEO TIẾNG GIÓ...

Thức dậy khi tiếng gió chạm gần ô cửa, tôi lặng lẽ rời khỏi lều, đi về phía mặt trời với hy vọng được sưởi ấm bởi những tia nắng đầu tiên trong ngày. Vào thời khắc ấy, ở Đơn Dương, trên đỉnh cao hơn 1.000m, bình minh nở rộ giữa lớp lớp mây trắng phiêu bồng quanh thung lũng. Và rồi, dường như có sức hút kỳ lạ, hơi ấm hong khô tất cả; từng khắc, từng khắc... bầu trời hiển lộ, xanh trong một màu xanh nguyên thuỷ như là vốn dĩ tạo hoá đã dành riêng phẩm thiên thanh để nhuộm sắc trời.

Cảm xúc trong tôi trỗi dậy khi tầm nhìn mở rộng trước hào quang phản chiếu từ kim thân đại Kinh luân và những pho tượng Phật dát vàng an toạ trên đỉnh đồi.

Còn nhớ, 30 năm trước, với tư cách đặc phái viên báo Lao Động tại miền Trung,  trong chuyến thực tế để viết phóng sự “Hoa và sữa trên cao nguyên Di Linh”, tôi đã đi qua vùng đất này và cũng đã lưu vào ký ức, rằng Đơn Dương trải rộng trên diện tích hơn 38.000ha ở phía Đông Bắc tỉnh Lâm Đồng; địa hình chập chùng núi cao nối tiếp đồi dốc thoai thoải lượn sóng và thung lũng phù sa dốc tụ xen lẫn đất nâu đỏ bazan...

Từ xa xưa, vùng đất này là nơi cư trú của đồng bào các dân tộc K’Ho, Chill, Chu Ru, Ê Đê, Chăm. Sau năm 1975, ngày càng nhiều người Kinh, người Hoa và các dân tộc Tày, Nùng ở miền Bắc di cư vào đây sinh sống.

Đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, hoạ sĩ Đinh Cường từng nhiều năm gắn bó với Đơn Dương. Trong khoảng thời gian ấy, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã nhiều lần đến thăm Đinh Cường. Hai nghệ sĩ lớn cùng chia sẻ buồn vui và cảm hứng sáng tác trong một căn nhà sàn gỗ giữa bốn bề núi cao, suối reo, mây mù quạnh quẽ...

Lan man với ký ức trong tâm thái của một người chỉ cầu mong hai chữ an lành, tôi thoải mái đi theo tiếng gió; thật sảng khoái khi tận hưởng không khí mát lạnh dưới nắng Xuân rực rỡ trên cao nguyên.

Anh Nguyễn Xuân Mạnh, một phượt thủ đến từ TP.Đà Lạt, nhận xét: “Những con đường dẫn đến khu trung tâm Samten Hills Dalat uốn lượn như con suối đổ theo triền dốc. Tôi thích đi bộ dọc theo lối cỏ và ngồi hàng giờ trước vườn hồng sau chánh điện ngắm bức tượng Đức Phật Vô Lượng Thọ. Hy vọng, từ đây sẽ khơi nguồn một xu hướng du lịch mới. Rất nhiều bạn trẻ tìm về đây checkin trong hoan hỉ và chánh niệm”.

Không rõ ai là người đầu tiên có đủ ý chí và duyên lành để được chọn nơi này với hạnh nguyện xây dựng trên đỉnh đồi một khu du lịch văn hoá tâm linh theo Phật giáo Kim Cang thừa. Chỉ biết rằng, đến thời điểm này, trên bản đồ du lịch của Đơn Dương, Samten Hills Dalat là địa chỉ đầu tiên và duy nhất chính thức tiếp đón du khách khắp nơi trên thế giới đến tham quan, lưu trú.

Du khách khám phá khu trung tâm. Ảnh: Bảo Chân
Du khách khám phá khu trung tâm. Ảnh: Bảo Chân

LỜI DẠY CỦA ĐẠO SƯ

15 năm trước, Hoà thượng Drubwang Sonam Jorphel Rinpoche là một trong những hành giả đầu tiên của dòng truyền thừa Drikung Kagyu đến Việt Nam, lòng bi mẫn và sự tận tâm với giáo pháp của thầy là tấm gương và cũng là nguồn năng lượng khiến hầu hết những ai được gần thầy đều cảm thấy hạnh phúc và có thể tự điều chỉnh bản thân.

Năm 2015, trong chuyến hành hương về thánh địa Lâm Tì Ni (Nepal), tôi may mắn được tham dự pháp hội cầu nguyện cho hoà bình thế giới do Hoà thượng Sonam Jorphel Rinpoche chủ trì tại Tu viện Bảo tháp Liên Hoa. Tôi tin, nhân duyên từ nhiều đời, nhiều kiếp đã dẫn dắt chúng tôi đến đất Phật để được thầy khai thị và nhận làm học trò.

Những năm sau đó, ngày càng nhiều Phật tử từ Việt Nam cũng như khắp nơi trên thế giới không quản ngại xa xôi cách trở, đến hẹn lại sang Nepal, chiêm bái quê hương Phật tổ và ghi nhớ lời dạy của thầy.

“Cho dù các con đã được nghe nhiều giáo pháp tới đâu chăng nữa, nhưng nếu mối quan tâm tầm thường là động lực thúc đẩy - chẳng hạn như lòng tham muốn trở nên nổi tiếng hoặc bất chấp tất cả để làm giàu - thì đó không phải là con đường giáo pháp chân chính” - Sonam Rinpoche luôn căn dặn học trò của mình như thế và thường xuyên nhắc nhở rằng: “Trước tiên, điều hết sức quan trọng là các con phải chuyển nhìn vào bên trong tâm của mình và thay đổi động lực của chính mình. Do đó, bất cứ khi nào lắng nghe hay thực hành giáo pháp, cho dù chỉ một chữ mani duy nhất, thì điều cốt yếu là các con phải khởi phát Bồ Đề Tâm, nuôi dưỡng tình yêu thương đối với tất thảy mọi người xung quanh cũng như mọi sinh vật”.

Tại lễ khánh thành Drikung Samtenling Hill Đà Lạt, chúng tôi cảm thấy như được soi sáng, khi lắng nghe Trưởng lão Hoà thượng Drigung Kyabgon Chetsang Rinpoche giảng giải: “Theo Kim Cang thừa, việc khởi phát Bồ Đề Tâm là tinh tuý của tám vạn bốn ngàn pháp môn mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã chỉ dạy. Đây là giáo huấn cần phải có, ngay cả khi chỉ một giáo huấn đó thôi đã đủ rồi. Nhưng nếu thiếu Bồ Đề Tâm thì tất cả mọi thứ khác đều vô ích”.

“Thật tự hào về người thầy của mình. Đại lão Hoà thượng Sonam Jorphel Rinpoche là người đã thiết kế toàn bộ khu Trung tâm Drikung Samtenling Hill và chỉ dẫn từng vị trí xây dựng chánh điện, kinh luân, tượng Phật...” - chị Nguyễn Thu Phương, Chủ tịch Samten Hills  Dalat, xúc động thổ lộ.

BÁNH XE CẦU NGUYỆN

Theo chân dòng người thăm thú, trải nghiệm ngày và đêm ở đây, tôi hiểu Trung tâm Drikung Samtenling Hill là trái tim của Khu du lịch Văn hoá tâm linh Samten Hills Dalat. Đại kinh luân Drigung Kagyu Rinchen Khorchen Khorwe Go Gek được làm bằng đồng tinh khiết là mani cầu nguyện lớn nhất thế giới.

Kinh luân hình trụ có cấu tạo một trục xoay ở giữa, thường được làm bằng nhiều chất liệu như đồng, bạc, sắt, hợp kim... Trong kinh luân có chứa vô vàn câu thần chú của chư Phật in trên giấy lụa mỏng, quấn quanh trục. Vỏ bên ngoài kinh luân chạm hoặc khảm lục tự đại minh chú “Om Mani Pad Me Hum” cùng các biểu tượng cát tường cúng dường chư Phật. Có những kinh luân được quay bằng tay, bằng sức nước, lửa, gió, năng lượng mặt trời...

Theo kinh điển Phật giáo, việc lắp đặt kinh luân mang đến lợi lạc vô cùng lớn. Khi an vị kinh luân trên núi cao, tất cả chúng ở dưới, dù trực tiếp quay hay chạm đều đón nhận được luồng gió phát ra năng lượng tích cực dồi dào.

Lại nhớ, những lần hành hương đến Nepal, Tây Tạng, chúng tôi đã được khai ngộ nhiều điều. Ở xứ tuyết, con người sống bằng đức tin, hầu như các mối quan hệ xã hội luôn ràng buộc bởi niềm tin tôn giáo. Tôi đã gặp rất nhiều người Tây Tạng đang trên đường đi làm, đi chợ, trong lúc trò chuyện hay đọc sách... trên tay luôn cầm một chiếc kinh luân nhỏ không ngừng quay. Tất cả các chùa, tu viện ở Tây Tạng đều có một hàng bánh xe cầu nguyện để cho Phật tử đi vào, vừa quay vừa tụng niệm.

Chị Vân Tâm, 67 tuổi, một Phật tử đến từ Hà Nội cho biết: “Gia đình tôi là Phật tử thuần thành. Những ngày ở Samten Hills Đà Lạt, tôi cứ ngỡ như mơ. Hơn 1 tuần ở đây, những gì chúng tôi nhận được không hẳn chỉ là cảm xúc, điều đó củng cố niềm tin trong tôi về một tương lai tươi sáng”.

Vâng, niềm vui cứ thế nhân lên, nhân lên..., giao hoà và kết nối thành đường dẫn thiện lành cho con người xích lại gần nhau.

bảo chân
TIN LIÊN QUAN

Những chi tiết giúp tháp Kinh Luân ở Lâm Đồng nhận Kỷ lục Guinness thế giới

ĐÔNG DU |

Đại Bảo tháp Kinh Luân “Drigung Kagyu Rinchen Khorchen Khorwe Go Gek” tọa lạc tại Khu du lịch tâm linh Samten Hills Dalat đã chính thức khánh thành và đón nhận Kỷ lục Guinness World Records cho Tháp Kinh luân lớn nhất thế giới.

Khánh thành Đại bảo tháp kinh luân lớn nhất thế giới ở Lâm Đồng

DI PY (Ảnh: Samten Hills Dalat) |

Bảo tháp kinh luân được làm bằng đồng tinh khiết - dát vàng 24k với trọng lượng 200 tấn, cao 37,22m, đường kính 16,53m thuộc không gian văn hoá tâm linh Phật giáo Kim cương thừa tại Santen Hills Dalat, Lâm Đồng.

Những chi tiết giúp tháp Kinh Luân ở Lâm Đồng nhận Kỷ lục Guinness thế giới

ĐÔNG DU |

Đại Bảo tháp Kinh Luân “Drigung Kagyu Rinchen Khorchen Khorwe Go Gek” tọa lạc tại Khu du lịch tâm linh Samten Hills Dalat đã chính thức khánh thành và đón nhận Kỷ lục Guinness World Records cho Tháp Kinh luân lớn nhất thế giới.

Khánh thành Đại bảo tháp kinh luân lớn nhất thế giới ở Lâm Đồng

DI PY (Ảnh: Samten Hills Dalat) |

Bảo tháp kinh luân được làm bằng đồng tinh khiết - dát vàng 24k với trọng lượng 200 tấn, cao 37,22m, đường kính 16,53m thuộc không gian văn hoá tâm linh Phật giáo Kim cương thừa tại Santen Hills Dalat, Lâm Đồng.