Ấn tượng đầu tiên của tôi về Khachapuri là hình dáng, nó giống như những con thuyền gỗ truyền thống tại vùng Tây Á. Và bên trong "chiếc thuyền" bánh mì này là nhân ngập phô mai, một vài loại rau củ bắt mắt và nguyên một quả trứng lòng đỏ.
Khachapuri được cho là xuất hiện tại Gruzia từ thế kỷ XVI, khi những người lính La Mã đến vùng Biển Đen và mang theo công thức bánh mì nướng của họ. Khachapuri được coi như là họ hàng với pizza, lý do vì bột bánh rất giống và bánh cũng có phần nhân ngập phô mai như pizza. Bột bánh Khachapuri cũng là bột bánh mì tương tự pizza, gồm bột mì, nước, chút muối và men nở.
Đặc biệt tại những vùng khác nhau ở Gruzia, sẽ có những loại nhân bánh khác nhau, có vùng chuộng rau củ, có vùng chuộng nhân thịt, nhưng điểm chung của Khachapuri truyền thống đó là phải có phô mai và trứng.
Bột sau khi ủ nở, sẽ được tạo thành hình chiếc thuyền, đặt nhân vào đó, phủ phô mai lên và đem nướng. Khi bánh đã gần chín, người đầu bếp sẽ lấy bánh ra đập lên đó một quả trứng, đưa trở lại lò nướng một vài phút để quả trứng chín tái, vẫn còn lòng đỏ.
Khachapuri có thể tìm thấy trong mọi quán ăn ở Georgia, vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, nhưng đây vẫn là món được các bà nội trợ yêu thích làm tại nhà để chăm sóc cho gia đình. Khachapuri cũng là một món ăn có nhiều tầng ý nghĩa.
Do Georgia giáp với Biển Đen, nên những chiếc bánh mì có hình thuyền, phần phô mai tượng trưng cho mặt biển, và quả trứng chính là mặt trời. Người dân Georgia đã tái hiện hình ảnh cuộc sống của mình qua một món ăn như thế.
Khachapuri cũng được coi như là một món ăn của niềm hạnh phúc, chính vì vậy, chúng xuất hiện ở mọi dịp lễ hội quanh năm cho đến cuộc sống đời thường, chỉ duy nhất không có mặt trong đám tang.
Người Georgia cũng luôn cho rằng, nếu bạn đang đau buồn và có tâm trạng xấu, bạn sẽ không được làm Khachapuri. Nỗi buồn của bạn sẽ được thể hiện vào chiếc bánh, bột bánh sẽ chảy nhão và có hương vị tệ hại.
Làm Khachapuri cũng cần phải có "tâm", những bà nội trợ ở đây cho rằng, khi nhồi bột, bạn phải nói chuyện, hát cho bột nghe, cư xử như bột bánh là những em bé đáng yêu vậy. Khi đặt hết tâm trạng và niềm vui vào thì bánh mới có thể ngon được.
Mà ở Gruzia nào chỉ mỗi bánh mì Khachapuri. Nhà thơ Nga Puskin từng nhận xét rằng mỗi món ăn của Georgia đều là một bài thơ. Tôi đã kiểm chứng điều này khi lạc bước vào chơn nông sản Dezerter Bazaar ở trung tâm thủ đô Tlibisi.
Tôi đã không thể rời mắt mình khỏi những phô mai trắng trộn bạc hà xanh nhìn như tảng cẩm thạch cùng bánh mì thơm vàng nhìn là muốn cắn. Rồi từng xâu churchkhela đủ màu sắc tô điểm cho dãy gian hàng bánh kẹo vốn đã quá rực rỡ. Món này mới nhìn tôi cứ tưởng là xúc xích, hóa ra không phải, churchkhela là xâu hạt óc chó được phủ nước cốt trái cây keo đặc.
Còn nữa là những gói kẹo tklapi. Kẹo này mới nhìn cứ tưởng là bộ sưu tập khăn lụa với tông màu đỏ, cam, vàng, tía, nhưng thực ra đây là tinh chất trái cây cô đặc được cán mỏng như giấy rồi đem phơi khô. Người Gruzia rất khó tính trong việc chế biến thực phẩm, thế nên churchkhela hay tklapi đều không có hóa chất mà vẫn đẹp mắt và thơm ngon.
Khó tin hơn là kỹ thuật chế biến bánh kẹo thủ công hơn ngàn năm kinh nghiệm có những bí quyết không bao giờ lọt ra ngoài…