Quán phở bán cả tạ bánh phở mỗi ngày, khách xếp hàng như thời bao cấp

PHẠM LINH |

Quán phở Hồ Lợi (Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội) mỗi ngày bán hàng trăm bát giá từ 45.000 - 70.000 đồng, ghi điểm với thịt bò ta loại ngon, quẩy tự chiên.

Buổi sáng, hàng dài người xếp hàng bên trong quán phở Hồ Lợi của chị Hồ Thị Mai Hoa (44 tuổi, Hà Nội). Cửa hàng ban đầu do bố chị Hoa mở vào năm 1987. Sau thời gian tạm nghỉ, bố chị mở lại quán từ năm 1997, đến 2001 thì giao lại quán cho bà xã. Từ đó đến năm 2010, lượng khách giảm đi nhiều.

Sau này, khi thấy tình cảnh gia đình buôn bán khó khăn, bên cạnh nhà lại có cửa hàng phở khác đông khách tới ăn, chị Hoa thấy chạnh lòng. Chị quyết định xin công thức từ bố để tiếp tục công việc kinh doanh.

Ban đầu khi mẹ không đồng ý, chị Hoa phải nhờ tới sự giúp đỡ của họ hàng để thuyết phục mẹ. Cuối cùng, chị cũng khôi phục thành công quán ăn của bố.

Quán phở của chị Hoa kín chỗ ngồi vào sáng cuối tuần.
Quán phở của chị Hoa kín chỗ ngồi vào sáng cuối tuần. Ảnh: Phạm Linh

Thời gian đầu khách còn ít, chị chỉ thuê một sinh viên và người trong gia đình phụ giúp công việc phục vụ và dọn dẹp. Đến nay, số lượng nhân viên đã lên tới 10 người để có thể kịp thời phục vụ được lượng khách tới ăn phở mỗi ngày.

“Mỗi ngày quán tôi bán được một tạ bánh phở, tương đương với 600 bát phở. Ngày cuối tuần số lượng lên đến 130 đến 140 cân bánh phở” - chị Hoa nói.

Để có được bát phở đầy đặn và chất lượng, chị Hoa cho biết, lựa chọn nguyên liệu vô cùng kĩ lưỡng: “Thực phẩm phải ngon thì mới có thể tạo ra bát phở ngon. Vậy nên, tôi rất khó tính và cẩn thận trong khâu chọn nguyên liệu, gia vị”.

Để làm ra nồi nước dùng phở, chị Hoa ngâm xương 4-5 tiếng với gừng, chanh, muối, sau đó rửa sạch và chần với nước sôi pha rượu, gừng để khử mùi hôi. Tiếp đó, xương được ninh 18 tiếng.

Nước ninh xương bao gồm các gia vị: mắm nguyên chất, bột canh và đường phèn. Nước dùng cũng được chị Hoa thêm gừng nướng, hành nướng, các loại thảo quả, quế, hồi với tỉ lệ phù hợp.

Thịt bò được chị nhập từ một cơ sở quen. Còn phần sườn bò, lõi bò được chị tìm kiếm từ các vùng quê, nơi thường có loại bò ta ngon, chất lượng.

Giá mỗi bát phở tại quán chị Hoa dao động từ 45.000 đồng tới 70.000 đồng, với nhiều món khác nhau từ tái, chín, nạm, gầu tới sốt vang, xào lăn, phở lõi… và mới bổ sung thêm sườn nhừ.

Chỗ nấu nướng đều được lau dọn sạch sẽ sau mỗi lần nhân viên đưa bát phở cho khách.
Chỗ nấu nướng đều được lau dọn sạch sẽ sau mỗi lần nhân viên đưa bát phở cho khách. Ảnh: Phạm Linh
Các loại thịt được chia ra các khay đựng sạch sẽ, khách hàng đến đều trực tiếp nhìn thấy và yên tâm hơn khi ăn.
Các loại thịt được chia ra các khay đựng sạch sẽ, khách hàng đến đều trực tiếp nhìn thấy và yên tâm hơn khi ăn. Ảnh: Phạm Linh

Anh Đào Hải Thịnh, ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho biết, phở ở đây có vị khá đặc biệt. "Ngoài chất lượng thịt đảm bảo, nước dùng ngon, giá cả hợp lí thì còn có cả quẩy do chính người ở quán tự làm, ăn ngon hơn so với những quán phở khác" - anh Thịnh nói.

Anh Công Nghĩa Thắng (38 tuổi, ở An Dương Vương, Hà Nội) cho biết, lý do anh chọn quán phở Hồ Lợi vì mùi vị của thịt và nước dùng ở đây hợp khẩu vị với anh, ngọt từ nước xương ninh và không có nhiều mì chính.

“Mỗi ngày có rất nhiều khách đến ăn phở, không chỉ người dân ở xung quanh mà còn có cả những người ở nơi khác tới để được thưởng thức phở của quán” - anh Nguyễn Thế Hùng (ở An Dương Vương), chủ quán nước bên cạnh cho biết.

PHẠM LINH
TIN LIÊN QUAN

Dàn sao Hàn Quốc ăn đủ đặc sản từ bánh xèo đến phở tại Đà Nẵng

Ninh Phương |

Các ca sĩ nổi tiếng Hàn Quốc đều thích thú khi thưởng thức ẩm thực Việt Nam ngay tại Đà Nẵng.

Quán phở, cơm tấm phục vụ không xuể sau khi được Michelin vinh danh

NGỌC LÊ |

TPHCM - Các quán ăn được Michelin Guide giới thiệu đã thu hút sự quan tâm của lượng lớn người dân và du khách đến trải nghiệm.

Phở 2 triệu đồng và cái chất của nhà hàng sao Michelin duy nhất ở TPHCM

Hương Lê (Ảnh: Ănăn Saigon) |

TPHCM có nhà hàng đầu tiên nhận sao Michelin là Ănăn Saigon của đầu bếp Peter Cuong Franklin. Cái tên này không xa lạ với giới sành ăn.