Chiêm ngưỡng bảo tàng Chu ru độc đáo được cha xứ dành 45 năm sưu tầm

Khương Quỳnh |

Trong một nhà thờ đặc biệt giữa rừng thông bạt ngàn, có một căn phòng đặc biệt với hàng ngàn hiện vật có 1-0-2 tái hiện sinh động văn hóa, nếp sống của đồng bào dân tộc Chu ru ở đất Lâm Đồng được Linh mục Giuse Nguyễn Đức Ngọc (cha Ngọc) dành 45 năm nhặt nhạnh và lưu giữ.

Nằm ở thôn Krăng Go 2, xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng - một nơi khá hẻo lánh, cách thành phố Đà Lạt 40km và cũng không phải là địa điểm du lịch nổi tiếng, thế nhưng ngày nào, nhà thờ Ka Đơn cũng đón hàng chục vị khách ghé thăm.

Không chỉ quyến rũ bởi lối kiến trúc độc đáo, khiêm nhường nhưng đậm chất Chu ru, nhà thờ Ka Đơn còn được xem là nơi lưu giữ giá trị văn hóa của dân tộc này.

 
Thiết kế của nhà thờ Ka Đơn được Linh mục Giuse Nguyễn Đức Ngọc cùng 2 kiến trúc sư Nguyễn Tuấn Dũng và Vũ Thị Thu Hương lên ý tưởng đã đạt giải nhì cuộc thi Kiến trúc Thánh quốc tế lần thứ 6- năm 2016 được công bố tại thành phố Pavia (Italia)  (ảnh K.Q)

Nằm trong khuôn viên của nhà thờ Ka Đơn, bảo tàng có hàng ngàn hiện vật từ đồ sộ quý giá như bộ cồng chiêng, đồng la, cái ché từng đổi được 40 con trâu…đến những món nhỏ nhắn, đơn sơ như trái bầu khô ủ cháo chua, chiếc lược chải chấy, vòng tay bằng hạt rừng đầy màu sắc….

Trong số đó có nhiều món đã trở nên quý hiếm, không tìm được ở bất kỳ bảo tàng nào khác. Thế nhưng, cha Nguyễn Đức Ngọc khiêm tốn ví von bảo tàng Chu ru mà mình dành cả đời sưu tập và lưu giữ là “bảo tàng cấp xóm”.

Bảo tàng có hàng ngàn hiện vật độc đáo đậm nét văn hóa người Chu ru (ảnh K.Q)
Bảo tàng có hàng ngàn hiện vật độc đáo đậm nét văn hóa người Chu ru (ảnh K.Q)

Cha Nguyễn Đức Ngọc kể, vùng đất Đơn Dương cách đây mấy chục năm còn là một vùng đất trũng, ngập nước. Đường sá quanh năm lầy lội và đầy đất đá.

Người dân khi ấy còn rất nghèo khó. Bởi vậy, trong nhà có cái gì quý, họ bán đi để đổi lấy những bữa ăn. Cha Ngọc nghĩ rằng nếu không lưu giữ lại những thứ này, vài chục năm nữa chắc chắn người dân sẽ để mất hết.

 

Bộ cồng chiêng  thỉnh thoảng vẫn được cha xứ mang ra cho đồng bào Chu ru sử dụng vào mỗi dịp lễ (ảnh K.Q)

Đó là lý do, từ năm 1972 đến nay, cha đi nhặt nhạnh, mua lại từng thứ một, giữ cho đồng bào. Và không chỉ để trưng bày, vào mỗi dịp lễ, cha Ngọc còn mang các món đồ trong bảo tàng ra cho người dân sử dụng.

 
Dụng cụ lao động từ thời xa xưa của đồng bào Chu ru (ảnh K.Q)
 
Cha Nguyễn Đức Ngọc giải thích về chiếc đòn mang tên "triết lý cộng sinh" do người Chu Ru chế tác. Chiếc đòn làm bằng tre, có dây da để xỏ mũi trâu nhằm giúp đàn trâu cả trăm con trở nên trật tự. (ảnh K.Q)
 
Mành cửa bằng xương thú của người Chu Ru xưa (ảnh K.Q)
 
Kèn bầu hay còn gọi là rơkel -  một trong những nhạc cụ truyền thống của người Chu ru được cha Nguyễn Đức Ngọc lưu giữ trong phòng trưng bày (ảnh K.Q)
 
Những quả bầu khô dùng để ủ cháo chua - món ăn truyền thống của đồng bào Chu ru (ảnh K.Q)
 
Những chén bát được tạo nên từ đôi tay khéo léo của các nghệ nhân người Chu ru xưa. Ngày nay, nghề làm gốm của đồng bào Chu Ru ở Đơn Dương đã bị mai một (Ảnh K.Q)
 
Cặp nhẫn trống - mái không thể thiếu trong lễ cưới truyền thống của người Chu ru. Hiện nay, tại huyện Đơn Dương tỉnh Lâm Đồng còn một vài nghệ nhân lưu giữ nghề truyền thống này (ảnh K.Q)
 
Những món đồ quen thuộc trong căn nhà của người Chu ru xưa (ảnh K.Q)

Ngoài hàng ngàn vật thể của đồng bào Churu, phòng trưng bày ở nhà thờ Ka Đơn còn có tủ sách do cha Ngọc và các nhà chuyên môn biên soạn.

Đó là những cuốn sách viết về truyện cổ, ca dao tục ngữ, kinh thánh, những cuốn sách nói về phong tục của đồng bào Churu, viết bằng tiếng Churu và tiếng Việt.

 
Tủ sách sưu tập truyện cổ, ca dao tục ngữ Chu ru do cha Ngọc và các nhà chuyên môn biên soạn (ảnh K.Q)

Nằm giữa rừng thông bạt ngàn, giữa khí hậu se se lạnh đặc trưng của xứ Đơn Dương, Lâm Đồng, bảo tàng "cấp xóm" của vị cha xứ Nguyễn Đức Ngọc tuy đơn sơ, mộc mạc nhưng lâu nay trở thành niềm tự hào của người dân Chu ru.

Người dân chẳng cần đi đâu xa để tìm hiểu văn hóa của chính mình. Với những người thích tìm hiểu văn hóa thì đây là một nơi đáng để tham quan khi đến thăm Tây Nguyên.

Khương Quỳnh
TIN LIÊN QUAN

Sức sống Trường Sa

Hữu Long |

Một lần được ra Trường Sa để trò chuyện cùng lính trẻ và được ca vang ca khúc Tiến quân ca dưới màu cờ đỏ sao vàng quả thật là một cảm xúc đầy từ hào với chúng tôi. Không tự hào sao được bởi từng hạt cát, rạn san hô hay cây cỏ ở Trường Sa đều mang hình hài của sông núi, thấm đẫm bao mồ hôi, xương máu của những thế hệ người con đất Việt.

Khám phá vương quốc tỏi Lý Sơn

NGUYỄN VÂN |

Bãi biển với bờ cát mịn trải dài tới cuối chân trời, làn nước xanh màu ngọc bích... Cảnh sắc thiên nhiên đầy hoang sơ nhưng lại có một sức cuốn hút kỳ lạ. Vì thế, khi nhắc đến huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), người ta hình dung ra một chốn bồng lai tiên cảnh ở nhân gian.

Tận hưởng những buổi chiều êm ả như ru ở hồ nước “không bao giờ cạn”

Khương Quỳnh |

Không phải là địa điểm du lịch nổi tiếng, nhưng với người dân phố núi Buôn Mê Thuột, hồ Eakao là chốn quen thuộc vào mỗi buổi chiều để tìm bầu không khí mát mẻ, cảm giác bình yên, tránh xa những xô bồ và âm thanh náo động của phố phường.

Giữ lửa cho làng bánh tráng Lựu Bảo

Thủy Tiên |

“Ai về Lựu Bảo làm chi/ Bánh tráng, bánh ướt gánh đi, gánh về”, câu ca dao của xứ Huế đã phần nào khắc họa được một làng nghề bánh tráng nổi tiếng nơi cố đô, từ xưa đến nay.